Những nhà giáo nào được đề xuất ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/10/2024 23:16 GMT+7

Dự thảo luật Nhà giáo đề xuất nhà giáo ở cấp học mầm non, nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt... được hưởng lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Giáo viên mầm non được ưu tiên 

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 đang diễn ra, dự thảo luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội lần đầu vào ngày 9.11. Bộ GD-ĐT cho biết, tại dự thảo mới, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác.

Những nhà giáo nào được đề xuất ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp?- Ảnh 1.

Nhà giáo cấp học mầm non được dự kiến hưởng ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp so với các nhà giáo khác

ẢNH: B.T

Cụ thể, dự thảo mới quy định: "Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Ngoài ra, nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật.

Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Dự thảo cũng quy định, tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

Bộ GD-ĐT còn cho biết, một số chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo đang được thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại văn bản dưới luật được đưa vào dự thảo luật nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo tính ổn định trong chính sách đối với nhà giáo.

Dự thảo luật mới bổ sung, làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo, như được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; được hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Bộ GD-ĐT, các chính sách thu hút được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.

Về việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo, dự thảo mới được điều chỉnh, cập nhật các quy định về chức danh nhà giáo theo hướng ngắn gọn, các quy định chi tiết được hướng dẫn tại văn bản dưới luật.

Những trường hợp nhà giáo có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn

Theo dự thảo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện. Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. 

Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

Theo Bộ GD-ĐT, chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo.

Giảm hơn 20 điều luật so với dự thảo ban đầu 

Dự thảo lần 2 luật Nhà giáo đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gồm 9 chương, 71 điều. Dự thảo lần 5 trình Quốc hội ngày 6.9 gồm 9 chương, 74 điều. Dự thảo trình Quốc hội ngày 17.10 gồm 9 chương 50 điều.

Bộ GD-ĐT nêu lý do điều chỉnh dung lượng: tại các phiên họp cho ý kiến đối với dự án luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra yêu cầu luật phải ngắn gọn; không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.