Những nỗi lo tuyển sinh đầu cấp

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/07/2024 06:03 GMT+7

Lo đăng ký tuyển sinh đợt 2 thì có trúng tuyển không; lo trường con bị phân tuyến xa nhà; trường tiểu học của hai anh em mỗi người một nơi; lo con vào lớp 1 không được học bán trú…

Từ ngày 15.7, tùy vào thực tế tuyển sinh mà một số địa phương ở TP.HCM bắt đầu tuyển sinh trực tuyến đợt 2 các lớp đầu cấp. Thời gian qua, PV Thanh Niên ghi nhận đủ nỗi lo của các phụ huynh.

ÁP LỰC TĂNG DÂN SỐ CƠ HỌC

Năm học 2024 - 2025, Q.Bình Tân dự kiến có 124.237 học sinh (HS), tăng 3.455 HS so với năm học trước. Quận dự kiến huy động 10.196 HS vào lớp 1.

Những nỗi lo tuyển sinh đầu cấp- Ảnh 1.

Phụ huynh làm thủ tục nhập học cho con vào lớp 6 tại Trường THCS Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) năm 2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với 54.771 HS tiểu học, các em dự kiến được bố trí vào học tại các trường công lập và ngoài công lập, quận đảm bảo đủ chỗ học cho các HS với sĩ số bình quân 37 HS/lớp (công lập 37,6 HS/lớp, ngoài công lập 16 HS/lớp). Sĩ số này giảm khoảng 5 HS/lớp so với năm học 2023 - 2024.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, cho biết quận đã ban hành kế hoạch huy động trẻ vào lớp 1 các trường tiểu học mới thành lập và sẽ vào hoạt động từ năm học 2024 - 2025. Bên cạnh đó, còn có 1 trường mầm non mới cũng sẽ đi vào hoạt động năm nay. Số trường lớp này sẽ giải quyết được số lượng khá lớn chỗ học của HS trong năm học mới. Số HS được học 2 buổi/ngày năm học mới này (có tính cả bán trú) dự kiến tăng 12%, từ 55% lên 67%.

Với lớp 6, quận tuyển sinh vào lớp 6 số trẻ hoàn thành chương trình bậc tiểu học năm học 2023 - 2024 là 10.530 em. HS trong độ tuổi quy định đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học trên địa bàn quận đều được vào học lớp 6 ở các loại hình trường trên địa bàn quận và không tổ chức thi tuyển.

"Q.Bình Tân huy động 100% trẻ 6 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận học lớp 1 phân tuyến theo quy định. Quận sẽ ưu tiên bố trí phòng học dành cho HS lớp 1 học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sĩ số bình quân là 39,8 HS/lớp. Dù vậy, nhiều phụ huynh sẽ phải san sẻ với tình hình khó khăn chung về điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất khi không phải trường nào cũng tổ chức bán trú (ăn trưa, nghỉ trưa tại trường) cho toàn bộ HS được", ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.

Ông Tuyên cho biết thời gian qua đã tiếp nhận, giải đáp, hỗ trợ các phụ huynh về tuyển sinh đầu cấp. Nhiều người có kết quả phân tuyến chưa phù hợp, như con lớn học trường tiểu học A, con út phân tuyến về tiểu học B - cách xa nhau, trường hợp này quận đã hỗ trợ để hai anh em ruột được học cùng nơi. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh thắc mắc "sao con tôi không được phân tuyến về trường tiểu học có bán trú", hay "sao lại phân con tôi về trường C mới, tôi thích trường cũ hơn" thì không thể hỗ trợ.

Theo ông Tuyên: "Nếu phụ huynh không đồng ý với trường được phân tuyến trên hệ thống, phụ huynh sẽ không xác nhận nhập học mà đăng ký xét đợt sau. Tuy nhiên, còn phải tùy vào khả năng tiếp nhận HS của trường mà phụ huynh xét tuyển vào, nếu họ đã tuyển đủ rồi thì không thể nhận thêm nữa".

Những nỗi lo tuyển sinh đầu cấp- Ảnh 2.

Học sinh một trường tiểu học tại Q.Bình Tân, TP.HCM

THÚY HẰNG

KHÔNG THỂ TẤT CẢ TRƯỜNG ĐỀU BÁN TRÚ 100%

Tại Q.12, riêng với cấp tiểu học, dự kiến năm học 2024 - 2025, địa phương này tuyển sinh 228 lớp 1 vào 24 trường công lập. Tổng số HS lớp 1 là 10.885 em, tăng 1.961 em so với năm trước. Trong đó có 58 lớp học 2 buổi/ngày (2.465 HS), tỷ lệ HS lớp 1 học 2 buổi/ngày đạt 22,6%.

Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho hay trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025, việc phân bổ chỗ học theo nơi ở hiện tại của HS. Quận tính toán làm sao vừa đảm bảo đủ chỗ học cho HS, vừa phù hợp với điều kiện của phụ huynh phải làm việc, mưu sinh, nhất là người lao động khó khăn…

Một cán bộ quản lý ngành giáo dục TP.HCM cho biết có những địa phương tỷ lệ bán trú chỉ khoảng 40%, dân số cơ học tăng cao, phòng ốc không đủ để tổ chức bán trú. Có trường tiểu học sĩ số quá đông, tỷ lệ bán trú chỉ khoảng vài phần trăm, nhà trường sẽ cân nhắc các trường hợp cụ thể của HS để xét ưu tiên. Nỗ lực chung của các địa phương là phấn đấu đủ chỗ học cho HS, để 100% các em được đi học đúng độ tuổi, không phân biệt thường trú, tạm trú. Còn việc được ăn trưa, nghỉ trưa ở trường (bán trú), rất mong phụ huynh bố trí thời gian lo cho con em.

Những nỗi lo tuyển sinh đầu cấp- Ảnh 3.

Phụ huynh tìm hiểu việc nộp hồ sơ nhập học vào lớp 1 cho con tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM

NHẬT THỊNH

MỚI CHUYỂN TỚI TP.HCM, CÒN KỊP VÀO LỚP 1 KHÔNG ?

Ông Ngô Văn Tuyên cho biết phụ huynh cần tới công an phường, xã làm thủ tục đăng ký tạm trú, sau đó tới UBND phường, xã (chỗ đăng ký tạm trú) để đăng ký xin học cho con trong đợt bổ sung. Tùy vào tình hình thực tế tuyển sinh của các trường trong khu vực đã tuyển sinh đủ chưa, trường nào còn chỉ tiêu thì phường ra giấy phân tuyến (giấy báo) về một trường nào đó trong phường và tổng hợp danh sách lên hệ thống, gửi cho phòng GD-ĐT. Để nắm rõ hơn các thông tin về tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh có thể tới phòng GD-ĐT quận để được giải đáp, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết: "Với những trường hợp trên, phụ huynh phải tuyển sinh trực tuyến đợt 2. Vì tuyển sinh đầu cấp đợt 1 giải quyết xong hết cho người dân cư trú trên địa bàn. Sau đó, tùy tình hình chỗ học trên địa bàn, sẽ giải quyết từng tình huống cụ thể".

Sở GD-ĐT giải thích về việc học sinh không được học gần nhà

Đề cập công tác tuyển sinh đầu cấp của TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết các địa phương đã công bố kết quả tuyển sinh đầu cấp đợt 1. Mục tiêu đặt ra là HS học trường gần nơi cư trú, tuy nhiên vẫn xuất hiện trường hợp HS học trường xa nhà.

Theo ông Minh, xảy ra tình trạng này bởi trên địa bàn cư trú (phường, xã) không có trường tiểu học hoặc THCS, do đó HS phải di chuyển sang địa bàn lân cận, nơi có trường tiểu học, THCS trú đóng. Thêm vào đó, số dân trên địa bàn quá đông (nhiều dân di cư) mà trường học không có khả năng tiếp nhận. Ngoài ra, năm nay do có việc sắp xếp lại khu phố, dẫn đến thay đổi nên sẽ có một vài trường hợp phân bổ trường không phù hợp.

Đồng thời, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho hay việc phân bổ trường học theo GIS là hệ thống tự quét trường đến các vị trí gần nhà với HS nhất theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, có thể do bán kính xung quanh trường ưu tiên 1 đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, GIS sẽ tự động xếp sang ưu tiên 2. Do đó, không phải nhà HS gần trường học nhất thì HS có thể được học tại trường đó, bởi trong khu vực đó có nhiều HS gần hơn và đã hết chỉ tiêu để tuyển sinh.

Trước thực tế này, ông Minh cho hay Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phân công thành viên trong hội đồng tuyển sinh tổ chức tiếp công dân để giải đáp thắc mắc của người dân. Phụ huynh liên hệ phòng GD-ĐT quận, huyện để được giải quyết điều chỉnh khi phân tuyến do sự sắp xếp lại khu phố. Khi liên hệ, phụ huynh HS cần cung cấp các minh chứng do việc thay đổi khu phố dẫn đến việc được phân bổ trường chưa phù hợp. Ban chỉ đạo tuyển sinh quận huyện phải tạo điều kiện và hỗ trợ HS có hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.