"Bẻ" lại những mặc định không đúng
Ghi nhận của phóng viên tại công viên Gia Định (nằm giáp ranh giữa Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp, TP.HCM), vào buổi chiều các ngày trong tuần, người trẻ đến đây rất đông. Mục đích là để tập thể dục thể thao.
Trần Thanh Hương (28 tuổi), ngụ tại đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, cho biết mỗi chiều đều ra công viên để đi bộ nhằm rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai cho cơ thể.
Từ 17 giờ, Hương từ nhà trọ ra công viên và hòa vào dòng người để đi bộ. "Ngày nào cũng đông người. Nhưng vào dịp cuối tuần thì đông hơn", Hương cho biết.
Trương Hoàng Khoa (23 tuổi), ngụ tại đường Nguyên Hồng, Q.Bình Thạnh, cũng kể cứ đến chiều là tập thể dục thể thao. Khoa có niềm đam mê với cầu lông nên rủ bạn bè chung khu trọ chơi bộ môn này. "Nếu đến các nhà thi đấu, sẽ tốn một khoản tiền không nhỏ để thuê sân. Tụi mình chơi cầu lông ở những khoảng trống của công viên sẽ tiết kiệm. Chỉ tốn 6.000 đồng tiền gửi xe", Khoa nói.
Không quá lời nếu cho rằng công viên Gia Định từ 16 – 21 giờ giống như một sân thi đấu đa năng khi người trẻ chơi đủ loại môn thể dục thể thao. Từ bóng chuyền, đá cầu, cầu lông… cho đến chạy bộ, xà đơn… Họ tận dụng mọi khoảng trống để vận động, tập luyện. Một góc nhỏ cũng có thể trở thành "sân cầu lông", "sân bóng chuyền" cho những nhóm người thi triển khả năng.
Hình ảnh người trẻ chơi các môn thể dục thể thao cũng dễ thấy ở nhiều công viên khác như: Lê Thị Riêng (Q.10), Lê Văn Tám, Tao Đàn (Q.1), Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình)…
Nguyễn Chánh Tuấn (32 tuổi), làm việc ở 8 Yên Thế, Q.Tân Bình, cho biết đã có những mặc định cho rằng "người trẻ ít vận động, lười tập thể dục thể thao", hoặc "chuyện tập thể dục thì trẻ ít hơn già".
"Nhưng thực tế cho thấy người trẻ đã và đang "bẻ" lại những mặc định phiến diện, không đúng đó. Minh chứng rõ nét là đông đảo người trẻ rất quan tâm đến sức khỏe và thể chất của bản thân nên chăm tập thể dục thể thao", Tuấn nói.
Vì sao buổi chiều mà không phải sáng?
Người viết thắc mắc vì sao lại chọn buổi chiều để tập luyện thể dục thể thao mà không phải là buổi sáng? Lê Thị Hồng Hải, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trả lời: "Buổi sáng dậy sớm, tranh thủ thời gian để đi học hoặc làm thêm. Nếu tập buổi sáng chỉ được một khoảng thời gian rất ngắn. Chính vì vậy, mình tập vào buổi chiều, từ 17 – 20 giờ".
Hải cũng nói thường thay đổi "món": "Có ngày thì mình đi bộ, chạy bộ. Cũng có ngày rủ bạn bè trong lớp ra đánh cầu lông".
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ngân (32 tuổi), làm việc ở 56 Yên Thế, Q.Tân Bình, cho biết thời gian buổi sáng rất lu bu, không thể dành khoảng trống để tập thể dục. Chưa kể ở gần nhà chị trên Q.10 chẳng có không gian rộng rãi phù hợp với các hoạt động luyện tập.
Thế nên chị Ngân đã tranh thủ sau giờ làm (17 giờ), rủ bạn bè đồng nghiệp cùng công ty ra công viên Gia Định tập luyện thể dục thể thao.
"Đồng nghiệp nam thì chơi cầu lông, chạy bộ, bóng chuyền. Còn những người nữ sẽ sử dụng những thiết bị có sẵn ở công viên như: máy đi bộ trên không, đạp xe, luyện tập trên xà đơn, xà kép, ghế lưng bụng… để tập luyện. Đến khoảng 19 giờ mọi người sẽ về", chị Ngân cho biết.
Giống như chị Ngân, anh Trần Hải Châu (33 tuổi), làm việc tại địa chỉ 622/7 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, cũng kể khi đi làm thường đem theo vợt cầu lông. Hết giờ làm, anh rời công ty đến công viên Hoàng Văn Thụ, thay đồ để tập luyện cùng với đồng nghiệp. "Trong công ty, tôi có 7 người với thói quen tương tự. Nghĩa là tập luyện thể dục thể thao vào mỗi buổi chiều trong tuần", anh Châu kể.
Theo anh Châu, nếu tự một mình tập luyện khó đạt kết quả tốt. Bởi nhiều lúc chỉ mới… hơi mệt mệt là không muốn đi bộ nữa. Nhưng ra công viên, thấy đông người cũng đang tập luyện đã trở thành động lực để anh cố gắng nỗ lực hơn trong từng bước chân.
"Trước đây, tôi và nhiều đồng nghiệp không vận động nhiều. Thích lai rai, ngồi cà phê cùng nhau… Nhưng sau đó đã thay đổi thói quen. Nhờ vậy cơ thể dẻo dai hơn, có sức khỏe, thể chất tốt hơn", anh Châu nói và cho rằng: "Người trẻ đã và đang có sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình bằng những hoạt động thể chất, chơi thể thao".
Bình luận (0)