Từ những năm đầu thập niên 80 của Thế kỷ trước đến nay luôn có những búi tóc dài tung bay cùng tiếng vó ngựa lốc cốc đưa khách du lịch len lỏi khắp các đường quê, vườn cây ăn trái ở H. Châu Thành (Bến Tre) và gần đây có thêm ở cồn Thới Sơn, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).
Đây không chỉ là phương tiện di chuyển mà từ lâu đã như một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù của địa phương. Hai địa phương này hiện có trên 150 xà ích, tập trung chủ yếu ở H. Châu Thành, Bến Tre. Thú vị rằng trong đó có trên 2/3 xà ích là phụ nữ, mặc dù nghề này vốn thuộc về nam giới do sự vất vả, nặng nhọc thường trực của nó.
|
Ngày thường, mỗi xe ngựa ở đây chạy trung bình khoảng 6 chuyến/ngày. Chuyến đầu tiên thường bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng và đến khoảng 15 giờ là chuyến cuối cùng. 25.000 đồng là số tiền các chị nhận được nếu chạy cho khách với quãng đường dưới 1 km, còn chạy dưới 2 km được trả thêm 10.000 đồng nữa…
Thế nhưng, công việc hàng ngày của các chị phải bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và kết thúc đến tận khuya. Dịp tết cổ truyền, du khách đổ về đây đông đúc hơn, việc chạy xe ngựa cũng tất bật hơn những ngày thường rất nhiều!
|
“Những người chạy xe ngựa ở đây hầu hết không đất sản xuất nên việc tìm cỏ cho ngựa vất vả dữ lắm! Tờ mờ sáng là phải lấy bao, lưỡi hái đi tìm cắt cỏ cho ngựa và hôm nào tìm cắt không đủ là buổi chiều lại phải đi tiếp đến tối hết thấy đường mới về lo các việc trong nhà. Cỏ ngày càng hiếm vì nhiều chủ đất trước kia bỏ hoang nay đã mua bò về nuôi không cho cắt cỏ nữa. Mỗi con ngựa ăn trên 25 kg/ngày, đó là chưa kể đến lúa, cám gạo bồi bổ thêm. Loại ưa thích của chúng chỉ là cỏ long, cỏ gạo, cỏ chỉ nên những ngày không cắt đủ phải cho ăn thêm đến vài kg lúa, cám gạo và đó là những ngày người chạy xe coi như không kiếm được đồng nào”, người chạy xe ngựa kỳ cựu Lê Văn Hoài, chủ nhiệm Tổ hợp tác xe ngựa du lịch sinh thái Quê Dừa, H.Châu Thành cho biết.
|
Dịp tết đến xuân về, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (43 tuổi và có gần 20 năm chạy xe ngựa ở ấp 8 xã Quới Sơn, H. Châu Thành) cũng như tất cả các "đồng nghiệp" ở đây còn vất vả hơn nhiều so với ngày thường. Bởi, mỗi xe ngựa sẽ phải chạy trên 10 lượt nên suốt ngày, các chị phải ở ngoài đường và ít có thời gian vui vầy cùng gia đình ngày tết.
|
|
Hơn 2/3 trong số các chị đều sống cảnh đơn thân nuôi con, rất khó khăn. Và sự thật này khiến ngay cả bản thân những phu xe ngựa kỳ cựu ở đây cũng không tài nào lý giải được vì sao nhiều chị bị chồng rời xa, có người chủ động ly dị chồng dù phần lớn trong số họ đang phải nuôi con nhỏ. May thay, việc chăm sóc ngựa, chạy xe chở khách du lịch chỉ làm cho tính tình các chị hòa đồng, vui vẻ, cởi mở hơn! Mà nghề chạy xe ngựa cũng đâu có rảnh rang, sung sướng, thu thập cao như nhiều nghề khác...
|
|
|
Bình luận (0)