Những ông bố ở nhà chăm con cho vợ du học

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/06/2022 06:02 GMT+7

Vừa đi làm, đảm nhiệm việc ở công ty, nhiều ông bố hiện đại vẫn đảm đương chăm sóc các con để vợ yên tâm ra nước ngoài học thêm những kiến thức mới.

5 năm chăm con chờ vợ

Tôi gặp anh Huỳnh Thiên Long (trú Q.11, TP.HCM) khi anh vừa đón con từ bến xe Chợ Lớn về nhà. Hai bé vừa trải qua những ngày hè thú vị ở quê ngoại (Long An). Cô chị 14 tuổi đeo ba lô, dắt cậu em 10 tuổi xuống xe buýt, sự tự lập rõ ràng. Để có được điều này, anh Long cho biết đó là kết quả quá trình hướng dẫn và trải nghiệm của các con, được hình thành trong giai đoạn vợ anh đi du học.

Khi vợ về Việt Nam nghỉ hè, tết, gia đình anh Long có những chuyến đi chơi vui vẻ

NVCC

Anh Long kể năm 2014 bà xã muốn sang Nhật Bản học tập, làm việc, bổ sung kiến thức, gia đình 2 bên đều ủng hộ. Anh biết sang Nhật du học là khát khao cháy bỏng của vợ từ khi còn là sinh viên nên tạo mọi điều kiện để bạn đời thực hiện ước mơ này.

Vợ nghỉ việc tại trường ĐH và lên đường du học, anh gửi hai con còn nhỏ, bé gái 6 tuổi, bé trai 2 tuổi cho ông bà nội ở quê chăm sóc. Đều đặn mỗi tối thứ sáu anh lái xe từ TP.HCM về Đồng Nai để ở cùng các con, sáng thứ hai quay lại thành phố làm việc. “Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên cảm giác lái xe trong đêm, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây lúc đó mới có, đèn thì sáng trưng, đường thì vắng ngắt. Cảm giác ấy khó diễn tả lắm, vừa buồn vừa vui. Buồn vì xa vợ, vui vì sắp được gặp các con...”, anh Long hồi tưởng.

Sang năm thứ hai, vì muốn con được học thêm tiếng Anh và các kỹ năng khác, anh Long đón con lên TP.HCM. Lúc này hai bé ở cùng gia đình người chị, nhà gần trường học thuận tiện đưa đón cháu. Anh Long chạy đi chạy về giữa chỗ làm và nơi các con đang ở, bảo ban các con ăn uống, học hành. Mỗi năm vợ về thăm nhà 2 dịp, nghỉ hè và tết, mỗi lần khoảng vài tuần. Đó là khoảng thời gian vui sướng vô bờ của cả nhà. Vợ chồng anh hạnh phúc khi có được những giây phút hiếm hoi cùng nhau đưa đón con đi học.

Vừa đi làm vừa chăm 3 con

Anh Trần Hữu Tài (37 tuổi, trú Q.10, TP.HCM) cùng vợ sáng lập hệ thống spa chăm sóc mẹ bầu trước và sau sinh từ 10 năm trước. Năm 2019, khi cậu con út vừa 4 tuổi, 2 bé còn lại 7 tuổi và 6 tuổi, chị Vi vợ anh phải sang Thái Lan học thêm về phương pháp massage của nước ngoài.

Đã thống nhất với nhau từ trước, thời gian vợ đi nước ngoài, anh Tài vừa quản lý công việc ở công ty, vừa quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các con. Là ông bố hiện đại, từng du học, anh Tài quan niệm việc nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa không phải là việc của riêng phụ nữ. “Vợ tôi đã vất vả sinh con, nuôi con, chăm sóc từ lúc 3 đứa còn ở trong bụng cho tới khi chào đời, lại thức khuya dậy sớm đi làm, nên tôi luôn hiểu mình phải sát cánh nuôi dạy các con khôn lớn”, anh kể.

Ngày gia đình Việt Nam 28.6, tôi mong bình đẳng trong mỗi gia đình. Những người đàn ông nào còn suy nghĩ gia trưởng nên thay đổi. Đàn ông không tôn trọng, không tin tưởng, không cho vợ sự tự do thì rất yếu. Chính họ cũng đang sợ hãi, hoang mang không tin vào giá trị của chính bản thân mình

Anh TRẦN HỮU TÀI

Khi vợ đi học xa nhà, việc công ty đã stress, lại phải làm “trọng tài” khi 3 đứa con tranh giành đồ chơi, khóc lóc, méc nhau… đã là một thử thách sự kiên nhẫn của ông bố. “Khoảnh khắc khiến tôi yếu lòng nhất là lúc đứa út thức giấc giữa khuya, không được bú mẹ nên vật vã khóc lóc. Vợ tôi cho con bú sữa mẹ tới năm 4 tuổi, trước khi đi học là cai sữa. Em bé chưa quên được ti mẹ, nửa đêm không thấy mẹ là giật mình khóc, sáng dậy không thấy mẹ cũng òa khóc. Tôi gọi video cho vợ, con thấy mẹ càng khóc lớn, mẹ nhớ con cũng rơi lệ”, anh Tài xúc động kể.

Gia đình 6 thành viên hạnh phúc của anh Tài

Cuộc sống cần sự cảm thông, tôn trọng, tin tưởng

“Tin tưởng, cảm thông, chia sẻ” là những từ mà anh Long - người 5 năm chăm con chờ vợ đi học nước ngoài thường nói khi trao đổi với chúng tôi. Anh bảo nếu mình không hiểu, không cảm thông thì sẽ suy diễn và điều đó không bao giờ tốt. “Có những lúc sốt ruột chứ, nhiều khi gọi sang hỏi thăm mãi không thấy vợ bắt máy chẳng hạn. Nhưng nếu cứ nghi ngờ, dằn vặt nhau, cuộc gọi điện thoại nào cũng chỉ chất vấn, chì chiết, gia đình rất dễ “toang”. Tôi nghĩ rằng cần sự cảm thông, đặt mình vào hoàn cảnh người khác”, anh Long bộc bạch.

Đặc thù công việc của anh Long phải di chuyển nhiều, thường xuyên có các chuyến công tác và hai con cũng được ba dẫn đi để trải nghiệm, khám phá khắp nơi để học hỏi những kiến thức từ cuộc sống. Cả công ty hàng trăm người đã quen với hình ảnh anh vừa làm việc vừa tranh thủ chăm con, chơi với con.

Cũng chính từ những ngày tháng mẹ ở xa đã hình thành cho con sự tự lập, biết cảm thông, chia sẻ… một cách tự nhiên. Bây giờ con gái 14 tuổi đã biết nấu cơm, làm việc nhà, đưa đón em trai. Anh bảo nếu nhìn nhận tích cực thì “sự chia ly tạm thời” đã mang lại cho gia đình anh nhiều điều hữu ích, mọi người được phát huy năng lực của mình, hiểu sự “được - mất” của cuộc sống để sau này có những bước đi đúng hơn, vững chãi hơn.

Trong khi đó, vợ chồng anh Trần Hữu Tài năm 2021 đã sinh thêm một em bé nữa, đến nay họ có 4 bé (1 gái, 3 trai) rất đáng yêu. Ông bố 4 con luôn cho rằng mấu chốt của gia đình hạnh phúc nằm ở sự tôn trọng, tin tưởng, sự tự do vợ - chồng dành cho nhau. Phía sau một người đàn ông thành công luôn là dáng hình người vợ sinh cho anh ta những đứa con dễ thương, lo cho mái ấm an vui, mà người chồng cần phải biết ơn. Vợ không phải vừa biết đi làm kiếm tiền, về nhà lại là “máy đẻ”, “máy giặt đồ”, “máy rửa chén”… như suy nghĩ của những người đàn ông gia trưởng, ích kỷ.

Ngày gia đình Việt Nam 28.6, tôi mong bình đẳng trong mỗi gia đình. Những người đàn ông nào còn suy nghĩ gia trưởng nên thay đổi. Đàn ông không tôn trọng, không tin tưởng, không cho vợ sự tự do thì rất yếu. Chính họ cũng đang sợ hãi, hoang mang không tin vào giá trị của chính bản thân mình”, anh Tài đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.