Trở thành người đàng hoàng rồi hãy đi du học!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/11/2021 09:00 GMT+7

'Hãy trở thành một con người đàng hoàng rồi hãy đi du học', Nguyễn Văn Quang lấy đó làm phần kết trong bài thi hùng biện tiếng Nhật của mình. Chàng trai giành giải 3, cũng là thí sinh được yêu thích nhất.

Quang mong được đi du học Nhật, làm việc tại Nhật Bản

Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật sinh viên Đông Nam Á 2021 - Nihongo Talk 2021 do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức, vừa kết thúc. Chủ đề của cuộc thi năm nay là “Thanh niên với thế kỷ 21”. Nguyễn Văn Quang, 20 tuổi, sinh viên năm 3 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, thẳng thắn đưa ra nhiều quan điểm của mình, về những vấn đề trong thế kỷ 21 của thanh niên, việc du học, cũng như sống như thế nào để không hoài phí tuổi trẻ.

Mới dùng điện thoại thông minh cách đây vài ngày!

Quang cho biết mình có hơn một tháng để chuẩn bị cho bài thi. Anh nói về đại dịch Covid-19, về thói quen ăn cũng điện thoại, ngủ cũng điện thoại của giới trẻ, tình hình phạm tội của người Việt ở Nhật và nhấn mạnh thông điệp sống tử tế, không phạm pháp, không hoài phí tuổi thanh xuân của mình trước khi bạn đi du học hay làm công việc gì đi chăng nữa.

“Tôi tham khảo một số chương trình Japan Link của VTV4, xem thêm những video phát biểu tại buổi tốt nghiệp trường Đại học của Steve Jobs, những khách mời của Trường ĐH Kinki Nhật Bản, một số phần hùng biện của thí sinh năm trước để tham khảo”, Quang kể với phóng viên Báo Thanh Niên.

Quang, thứ 2 từ trái qua trong một cuộc thi tiếng Nhật

Đáng chú ý, nam sinh 20 tuổi trú ở TP Huế mới chỉ dùng điện thoại thông minh cách đây vài ngày, còn từ trước đó, anh chỉ dùng điện thoại “cục gạch”.

“Mỗi ngày tôi chỉ dùng 15-30 phút để vào Facebook, xem thông báo, liên lạc với thầy cô bạn bè, xem một số trang về dạy học, đời sống ở Nhật Bản. TikTok thì tôi không xem vì thấy không hợp. Ngoài ra tôi cũng có sử dụng Twitter để xem những thông báo, tin tức của Nhật Bản”, chàng trai cho hay.

Đừng khinh thường con nhà nghèo!

Quang bắt đầu học tiếng Nhật từ học kỳ 2 lớp 12 sau khi xem xong một bộ hoạt hình Anime và bị ấn tượng bởi nội dung của nó. “Tìm hiểu và biết rằng bộ Anime đó được chuyển thể từ tiểu thuyết Nhật, tôi đã nảy ra ý định học tiếng Nhật để có thể đọc được thêm nhiều cuốn tiểu thuyết có nội dung như vậy vào một ngày không xa”, Quang kể. Vùi đầu vào học, mở mắt ra là ngồi vào bàn và học tiếng Nhật cho đến khi đi ngủ, hiện tại Quang đã có bằng N1 tiếng Nhật.

Đặt ra mục tiêu phải đi du học Nhật Bản, làm việc tại Nhật và trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết Nhật, Quang đã học tập rất chăm chỉ trong những năm qua. Chàng trai bộc bạch “tiếng Nhật đã thay đổi cuộc đời tôi 180 độ”.

“Trước đây tôi rất ham chơi, phiền phức cho ba mẹ. Tuy không phải nhà nghèo nhưng chúng tôi luôn bị những người xung quanh coi thường. Khi nghe có người nói rằng những đứa con nhà nghèo như tôi toàn là những đứa học dốt thì mình rất tức giận. Tôi luôn học hành rất chăm chỉ với mong muốn cho những người khác thấy rằng 'đừng có coi thường con nhà nghèo'”, Quang kể.

Quan niệm về việc du học

Trong phần cuối bài hùng biện, Quang nhắc tới tình trạng người Việt phạm tội tại Nhật đang tăng lên.

Chàng trai nói: “Tôi rất tâm đắc với ý kiến của thầy cô giáo trong trường ĐH của tôi. Đó là “Hãy trở thành một con người đàng hoàng đã rồi hãy du học. Bởi vì các em là đại diện của Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, nói rộng ra là đại diện của người Việt Nam đến Nhật để sinh sống và truyền tải cho người Nhật sự tuyệt vời của người Việt và văn hóa Việt…

"Tiếng Nhật giúp tôi có thể “sống tự tin với niềm tự hào là một con người"

Chúng ta được ca tụng là những chủ nhân tương lai của đất nước và chắc chắc sẽ mãi mãi được ca tụng như thế. Vậy nên không được quên đi sứ mệnh đó mà hãy sống một cách tự tin với niềm tự hào là một con người”.

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, Quang cho rằng, con người đàng hoàng là sống phải có mục tiêu, luôn thử thách bản thân mình với những điều mới mẻ. Một bộ phận giới trẻ hiện tại thì sống không có mục tiêu và thường lo sợ thử thách bản thân mình.

Quang ấn tượng câu nói của doanh nhân người Nhật tên Takafumi Horie tại buổi tốt nghiệp của Trường ĐH Kinki là “Thử thách ắt sẽ gặp thất bại. Nếu không thử thách thì sẽ không có thất bại nhưng nó cũng chẳng dẫn đến thành công”.

“Tiếng Nhật giúp tôi có thể “sống tự tin với niềm tự hào là một con người”. Do đó tôi muốn truyền tải lại điều này cho các bạn trẻ và mong muốn các bạn hãy tự tin và chủ động thử thách với những điều mới mẻ để hoàn thiện bản thân mình sao cho xứng đáng với là những chủ nhân tương lai của đất nước”, nam sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế bộc bạch.

Quang - thí sinh đại diện miền Trung của Việt Nam tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Nhật

Học ngoại ngữ như đang yêu!

Quang từng giành giải nhì cuộc thi hùng biện tiếng Nhật Hosei 2020 diễn ra tại Hà Nội. Chàng trai trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi người có đầy đủ những trang thiết bị cần thiết để học ngoại ngữ tốt hơn.

“Tôi nghĩ mỗi người một mục tiêu nghiêm túc, phù hợp với năng lực của mình khi học ngoại ngữ”, Quang nói.

Chàng trai ví von hài hước: “Hãy coi việc học ngoại ngữ giống như việc các bạn đang yêu một ai đó vậy. Nhiều bạn nói Kanji (chữ Hán dùng để viết tiếng Nhật) khó nhớ nhưng hãy thử suy nghĩ xem liệu các bạn có thực sự muốn tiếp thu Kanji vào đầu không hay chỉ là học cho có mà thôi. Quay lại ví dụ, nếu như ví Kanji giống như là thông tin về người mình đang yêu thì tôi tin chắc rằng dù cho Kanji đó có khó đến mấy thì kiểu gì các bạn cũng sẽ nhớ mà đúng không?”.

Thí sinh từ Đài Loan, Hàn Quốc cùng tham gia

Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật sinh viên Đông Nam Á 2021 - “Nihongo Talk 2021” được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 9 sinh viên đến từ Đài Loan, Singapore, Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và ĐH ở Hà Nội, Huế, TP.HCM. Ban giám khảo là các giáo sư, giảng viên, lãnh đạo đầu ngành giáo dục tiếng Nhật của Nhật Bản.

Kết thúc cuộc thi, thí sinh giành giải nhất là Tei E-ki đến từ Đài Loan; giải nhì là bạn Tang Shiyu của Singapore; đại diện từ Việt Nam là Nguyễn Văn Quang, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) đồng thời đạt giải ba và giải thí sinh được yêu thích nhất.

Được diễn ra lần đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2015, “Nihongo Talk” là sự kiện quốc tế thường niên do trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức. Qua 2 năm dịch bệnh, cuộc thi vẫn có sức hấp dẫn với sinh viên. Ngoài các nước Đông Nam Á, cuộc thi còn thu hút sinh viên đến từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Cô Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết chương trình mong tạo nên cơ hội giao lưu, giúp các thanh niên yêu thích ngôn ngữ, văn hóa, yêu thích đi du học Nhật Bản có cơ hội khẳng định, thể hiện bản lĩnh bản thân, gắn kết cộng đồng giáo dục tiếng Nhật. Đồng thời thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước Đông Nam Á, châu Á qua chiếc cầu nối chung mang tên tiếng Nhật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.