Chúng tôi đặt chân tới khu vực đảo Kyushu, Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái và có 1 ngày dừng chân ở bảo tàng tưởng niệm hòa bình và công viên hòa bình Nagasaki, nằm ở thành phố Nagasaki, nơi tưởng niệm những nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử năm 1945. Những đoàn người lặng lẽ vào thăm bảo tàng và công viên, trong đó rất nhiều là du khách các nước, học sinh các trường học tại Nhật Bản.
Hoa, hạc giấy và dòng suối hòa bình
Bảo tàng bao gồm tầng trên mặt đất, tầng hầm 1, tầng hầm 2. Những cánh hạc giấy đủ màu sắc được xếp thành những chuỗi rất lớn để ngay ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Biểu tượng của
nghệ thuật Origami - xếp giấy
Nhật Bản- cũng chính là những lời nguyện cầu cho hòa bình và những gì tốt đẹp nhất. Ngay lối vào ở tầng mặt đất có để chậu hoa tươi, như tượng trưng cho những người đã chết, cây luôn cần nước, và 75 năm trước, rất nhiều người vô tội, trong đó có phụ nữ, trẻ em đã chết vì bom nguyên tử trong lúc tìm nước để chữa nóng.
Bên ngoài bảo tàng hòa bình Nagasaki
|
Những chuỗi hạc giấy ở lối vào bảo tàng
|
Hình ảnh thành phố Nagasaki trước khi vụ nổ bom nguyên tử xảy ra
|
Đồng hồ dừng lại ở thời khắc lịch sử ngày 9.8.1945
|
Vật kỷ niệm của nạn nhân được thu thập từ nạn nhân, gia đình và những người liên quan. Không gian của bảo tàng còn đặt những giấy viết, di ảnh và kỷ vật của người đã mất, cả những tư liệu và âm thanh, hình ảnh. Tất cả tạo hiệu ứng gây xúc động mạnh mẽ cho những người đặt chân tới thăm. Nhiều cụ già vừa lặng lẽ xem những video tư liệu và những kỷ vật trong bảo tàng vừa chấm nước mắt.
Chị Izumi, điều phối và phiên dịch viên người Nhật Bản sống ở Thủ đô Toykyo, lặng bước bên cạnh chúng tôi. Trước những kỷ vật từ chiến tranh 75 năm trước để lại, chị không giấu được xúc động, nói: “Lần nào nghe bản tin trên truyền hình hay đứng trước những hình ảnh tái hiện về vụ bom nguyên tử ở Hiroshima hay Nagasaki, tôi đều nghẹn ngào”. Người Nhật tự hào về những gì họ đã xây dựng được trong suốt 75 năm qua, từ những mất mát đau thương của chiến tranh. Nó nằm ở những điều rất giản dị, như là giới thiệu cho những người khách từ quốc gia khác tới những gì Nagasaki có hôm nay.
Chị Izumi kể với chúng tôi những câu chuyện tại bảo tàng
|
Trẻ em Nhật Bản học tại bảo tàng
|
Nhưng điều gây ấn tượng với chúng tôi hơn cả, là những em học sinh tiểu học ở thành phố này. Mang theo ba lô, giấy, bút, các em nhỏ rất chăm chú lắng nghe lời thuyết minh của thầy giáo mình với từng hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng và ghi lại chúng trong những cuốn vở của mình. Không khí im ắng, không phải là những ánh đèn flash từ máy ảnh của
bạn trẻ nào đó chụp selfie trong bảo tàng, chúng tôi thấy những đôi mắt rất chú ý với những gì đang có ở đây - Nagasaki - nơi 75 năm trước là đống hoang tàn từ vụ nổ bom nguyên tử.
Giữa bảo tàng, thật bất ngờ, tôi nghe thấy tiếng bạn trẻ nào đó nói chuyện với bạn mình, bằng tiếng Việt. Theo phản xạ, tôi quay lại và hỏi nhỏ, bạn trẻ giới thiệu mình tên là Cường, đang là
du học sinh một trường tiếng Nhật ở Fukuoka, cũng trong khu vực đảo Kyushu. “Học tiếng Nhật không chỉ ở trên giảng đường, chúng em muốn được đi ra ngoài và học từ các buổi tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước bạn, từ đó có thể gặp nhiều bản xứ”, Cường nói, trên tay em cũng là một cuốn sổ đang ghi chép.
Những di vật của chiến tranh được trưng bày trong bảo tàng
|
Nhiều bạn trẻ Việt Nam tại bảo tàng của nước Nhật
|
Công viên hòa bình Nagasaki nằm bên cạnh bảo tàng với chuông Nagasaki, tháp hạc giấy, đài tưởng niệm… Ở khu vực cầu nguyện cho những người đã mất trong vụ nổ bom nguyên tử 75 năm trước là một bức tượng nổi tiếng, tác phẩm điêu khắc của Kitamura. Kế bên đó là dòng suối hòa bình, như một khao khát để linh hồn các nạn nhân, những người đã chết trong lúc tìm nước chữa nóng được an nghỉ.
Tôi nhớ, mình đã rơi nước mắt khi đứng dưới chân một bức tượng, tái hiện hình ảnh một người mẹ đang bồng đứa con mình - đã chết, những cảm xúc giống như khi chứng kiến những hình ảnh đau thương ở bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Dưới chân bức tượng, là những con số không thể phai mờ, 9.8.1945, 11:02. Giờ phút đó, 75 năm trước, quả bom nguyên tử thứ 2 phát nổ trong chiến tranh
thế giới thứ 2. Trước đó chỉ 3 ngày, quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ ở Hiroshima.
Bức tượng mẹ bồng con tại công viên hòa bình
Ảnh Thúy Hằng
|
Ngày 6.8, tại công viên tưởng niệm hoà bình tại trung tâm Hiroshima, Nhật Bản đã làm lễ tưởng niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Trong dịch Covid-19, nghi thức được tối giản, lối vào công viên bị hạn chế, nhưng trong tiếng chuông ngân vang, những người Nhật lặng lẽ đeo khẩu trang cùng hát, đặt những con hạc giấy, tưởng nhớ về những người đã mất.
Tại buổi lễ, thị trưởng TP. Hiroshima Kazumi Matsui đưa ra tuyên bố hòa bình, mong muốn các quốc gia cùng gạt bỏ những khác biệt, vượt qua những khó khăn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết mỗi quốc gia nên tăng cường đối thoại, xóa bỏ cảm giác không tin tưởng lẫn nhau, theo Kyodo News.
|
Màu xanh ngoài bảo tàng hòa bình
75 năm sau hai vụ ném bom nguyên tử, Nagasaki đã hồi sinh. Từ những đổ nát, thành phố đã hồi sinh mạnh mẽ. Mỗi người trẻ chúng tôi, từ Việt Nam tới, đều có thể chứng kiến sự phát triển của thành phố mình đang đứng.
Nguyễn Hoa Mai, bạn trẻ đang là bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, đi bên cạnh tôi, cô trầm trồ trước những những tòa nhà hiện đại ở Nagasaki, đường phố thông thoáng, phương tiện giao thông đi lại thuận tiện, những con người mến khách thấy du khách các nơi về đều cúi đầu chào. Người Nhật im lặng và kín tiếng, nhưng chỉ cần chúng tôi gặp khó khăn khi muốn tìm phương tiện di chuyển hoặc thông tin về
địa điểm du lịch gần đó, họ rất tận tình chỉ giúp.
Nhịp sống ở Nagasaki hôm nay, với ngút ngàn những màu xanh
|
Phía ngoài bảo tàng và công viên hòa bình Nagasaki, dù là mùa thu, chúng tôi cũng thấy những mảng màu xanh, vàng của những tán cây, trên ngọn cây, bồ câu bay đi tự do. Bên sân cỏ xanh mướt, bên cạnh những nền móng bê tông, cốt sắt - dấu tích 75 năm trước từ chiến tranh để lại, chúng tôi nhìn thấy những bông hoa đang nở.
Từ nước Nhật, chúng tôi nhớ về màu xanh trên quê hương mình, từ Điện Biên Phủ, Cao Bằng, Bắc Kạn,
Hà Giang, Hà Nội, Khe Sanh - Quảng Trị, dãy Trường Sơn hay những cánh rừng ngút ngàn Đông Nam bộ…
Hoa vẫn nở, trên nền xi măng, sắt thép của di tích chiến tranh 75 năm trước
|
75 năm sau vụ nổ bom nguyên tử, dòng suối hòa bình Nagasaki vẫn chảy, những cánh rừng vẫn xanh.
Hòa bình, tự do là khao khát mạnh mẽ và lớn lao nhất của mỗi con người, ở bất cứ quốc gia nào. Và nó là lý tưởng, để mỗi người trẻ cống hiến, đóng góp cho tổ quốc mình, đó là chân lý dù trong quá khứ, hay hiện tại và tương lai.
Bình luận (0)