Những ‘ông lớn’ đứng sau các gói thầu mua sắm chống dịch Covid-19 giá cao bất thường

19/01/2023 10:59 GMT+7

Đằng sau các gói thầu mua sắm chống dịch Covid-19 giá cao bất thường là những “ông lớn” quen mặt trong lĩnh vực cung cấp trang thiết bị y tế.

Tính đến nay, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về công tác mua sắm chống dịch Covid-19 tại 3 “điểm nóng” là Bộ Y tế, TP.Hà NộiTP.HCM.

Ở cả 3 đơn vị, TTCP đều phát hiện hàng loạt gói thầu mua sắm có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá cao bất thường. Số tiền chênh lệch được xác định lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Điều đáng nói, dính dáng đến những gói thầu có giá cao bất thường là sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp quen mặt trong lĩnh vực cung cấp trang thiết bị y tế.

Lực lượng chức năng thực hiện cách ly một ổ dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội hồi năm 2021

tuyến phan

Nhập hơn 10 tỉ đồng, bán hơn 30 tỉ đồng

Cái tên đầu tiên cần nhắc tới là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (gọi tắt là Công ty Tài Lộc). Đơn vị này được TTCP điểm danh trong 2 cuộc thanh tra mua sắm chống dịch ở Bộ Y tế và TP.Hà Nội.

Tại Bộ Y tế, TTCP phát hiện Công ty Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Sau khi trúng thầu, công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện.

Hành vi trên dẫn đến đa số đơn giá trong hợp đồng của Công ty Tài Lộc với các bệnh viện cao hơn từ 2 - 3,1 lần so với giá nhập khẩu sau thuế. TTCP nhận định có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để nâng giá bán cao bất thường, do đó chuyển thông tin sang Bộ Công an để xác minh, làm rõ.

Tương tự tại Hà Nội, TTCP phát hiện hàng hóa thuộc 58 gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho 31 bệnh viện đều mua bán qua nhiều công ty trung gian, dẫn đến "đội giá" rất cao. Tổng giá trị trúng thầu của 58 gói là hơn 134 tỉ đồng, trong khi giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm chỉ gần 62 tỉ đồng, chênh lệch lên tới hơn 72 tỉ đồng.

Trong số này, TTCP kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an để làm rõ 7 gói thầu mua sắm 7 máy Xquang di động kỹ thuật số do Công ty Tài Lộc cung cấp cho 7 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, gồm: Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Xanh Pôn.

Theo TTCP, 7 máy Xquang nêu trên có giá nhập khẩu chỉ 10,5 tỉ đồng nhưng khi vào tới các bệnh viện thì giá trúng thầu đội lên gần 30,5 tỉ đồng, chênh lệch gần 20 tỉ đồng. Sau khi Công ty Tài Lộc giảm giá, số tiền chênh vẫn còn tới hơn 12,6 tỉ đồng.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra và chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tới Bộ Công an.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong công tác mua sắm phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP.HCM và TP.Hà Nội (ảnh minh họa)

đậu tiến đạt

Chuyển Bộ Công an xác minh 6 vụ việc mua sắm chống dịch Covid-19 tại Hà Nội

Dính dáng hàng loạt vụ việc chuyển Bộ Công an

Cái tên thứ hai đáng chú ý là Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (gọi tắt là Công ty Phương Đông). Doanh nghiệp này xuất hiện ở cả 3 cuộc thanh tra do TTCP trực tiếp tiến hành.

Tại Hà Nội, TTCP xác định Công ty Phương Đông cung cấp 4 gói thầu mua sắm 8 máy lọc máu liên tục cho 4 bệnh viện trên địa bàn, gồm: Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Bắc Thăng Long.

Các gói thầu này có giá nhập khẩu hơn 4,7 tỉ đồng nhưng khi trúng thầu tăng lên hơn 11,1 tỉ đồng, chênh lệch hơn 6,4 tỉ đồng. Sau khi công ty giảm giá, số tiền chênh vẫn còn hơn 6 tỉ đồng. Nhận thấy mức chênh cao, TTCP kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an để chỉ đạo xác minh.

Ngoài ra, TTCP nhận thấy một số gói thầu cung cấp sinh phẩm, vật tư, kit xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) và các bệnh viện cũng có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu. Trong đó, Công ty Phương Đông nhập khẩu kit realtime PCR và trúng thầu có mức chênh lên tới 2,49 lần (sau khi giảm giá và tặng hàng thì vẫn cao gấp 1,96 lần).

Tương tự, tại TP.HCM, Công ty Phương Đông là đơn vị cung cấp gói thầu mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR cho Bệnh viện Nhi đồng 1. Gói thầu này có số tiền chênh lệch giữa giá nhập khẩu và trúng thầu lên tới hơn 7,5 tỉ đồng (cao gấp 2,5 lần). Do vậy, TTCP kiến nghị chuyển tới Bộ Công an để xem xét.

Còn tại Bộ Y tế, TTCP cho rằng việc mượn hàng hóa, mua sắm chống dịch của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, Công ty Phương Đông và một số đơn vị cho Viện Pasteur TP.HCM mượn, nhập khẩu hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO) và dùng trong phòng thí nghiệm (LUO). TTCP đã kiến nghị chuyển Bộ Công an làm rõ.

Đáng chú ý, không chỉ phạm vi các kết luận thanh tra, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông còn xuất hiện trong “đại án” Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), với cáo buộc làm “quân xanh” giúp doanh nghiệp này trúng hàng loạt gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vụ án này vừa được đưa ra xét xử hồi tháng 12.2022.

Từ kết luận thanh tra tới “đại án” AIC

Một cái tên khác là Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT (gọi tắt là Công ty TNT).

Tại TP.HCM, Công ty TNT cung cấp 133 máy theo dõi bệnh nhân từ 5 thông số trở lên, 5 máy phá rung tim có tạo nhịp, 9 máy Xquang di động DR cho sở y tế. Tổng các thiết bị có giá vốn hơn 9,6 tỉ đồng, nhưng khi tới tay chủ đầu tư thì “đội” lên hơn 34 tỉ đồng, chênh lệch tới hơn 24 tỉ đồng.

TTCP cho rằng gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá cao bất thường, nên kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an xác minh theo thẩm quyền.

Trong “đại án” AIC, Công ty TNT bị cáo buộc đứng ra làm “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu, đồng thời đứng thay AIC trực tiếp trúng 1 gói thầu dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, qua đó gây thiệt hại hơn 112 tỉ đồng. Bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNT, bị tuyên 3 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.