Vua Quang Trung từng đội mũ Xung thiên
Cuốn sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung của tác giả Nguyễn Duy Chính từng gây xôn xao mạng xã hội và cả báo chí từ cuối năm 2017 cho đến nay, trong đó tâm điểm là bức tranh chân dung thể hiện khuôn mặt được cho là vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh (Trung Hoa) vẽ, đã gây bất ngờ với độc giả, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu sử học.
Mọi người khi tìm hiểu bức chân dung này chỉ nói chung chung là mũ Xung thiên được dành cho vua chúa chứ chưa ai đi vào phân tích cụ thể. Tuy nhiên đứng về góc nhìn mỹ thuật, nghệ thuật kim hoàn đặt trong bối cảnh ở thời Tây Sơn bấy giờ, có thể đưa ra một số nhận định.
Về mũ Xung thiên ở nước ta, được biết sớm nhất là ở thời Lê sơ (ảnh hưởng của nhà Minh), tiếp đến là thời Lê Trung hưng như chiếc mũ trên tượng vua Lê Thần Tông ở chùa Mật (Thanh Hóa), mũ của vua Lê Hy Tông trong tranh của họa sĩ Samuel Baron. Tiếp đến thời chúa Nguyễn, loại mũ này còn được nhà sư Thích Đại Sán miêu tả về trang phục của chúa Nguyễn Phúc Chu trong Hải ngoại ký sự. Đến triều Nguyễn thì có cả quy định rất cụ thể về loại mũ này, và còn tới 3 mũ hiện tồn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhưng được gọi là mũ Cửu Long Thông Thiên.
Chiếc mũ trong bức tranh vẽ, qua xem xét cho thấy đúng là mũ Xung thiên với các trang sức được trang trí dày đặc, để nhận biết rõ ràng thì một bản vẽ tách bạch là cần thiết và chúng tôi đã đồ lại hình dáng của mũ và một số trang sức cơ bản được trang trí như sau:
Trên đỉnh mũ có hai cánh chĩa lên trời được đánh dấu là số 1 (xem bản vẽ), tiếp đến là phần phốc đầu vuông đánh số 2, phần vòm mũ tròn đánh số 3. Về trang sức, tuy một số không được rõ nhưng cũng đủ nhận ra đó là: trên cùng là một viên đá quý màu sẫm (được đánh dấu chữ A); tiếp đến ở dưới là mặt đứng của phốc đầu có 2 hình uốn lượn không đầy đủ và một quầng sáng, dù vậy cũng dễ dàng nhận ra là 2 rồng đối xứng (E, F) chầu vào 1 viên đá quý có màu sáng là nửa hình tròn (đường đứt đoạn - được đánh dấu chữ B).
Phần vòm mũ, có một bác sơn lớn trùm lên kéo dài xuống hai bên sát tới vành mũ được đánh dấu là số 4, rất tiếc không nhận ra hoa văn, nhưng tại điểm đỉnh của bác sơn có nhô lên một phân nửa hình tròn nhỏ và có hai điểm nhỏ chĩa lên đối xứng ở hai bên (được đánh dấu là C). Còn phía bên trái ảnh tại một góc trên ở bác sơn cho thấy một hoa nhỏ.
Trên bề mặt vòm mũ, tại chính giữa trán mũ trang trí 1 hoa lớn có sáu cánh, ở giữa có cẩn đá quý (được đánh dấu là D), hai bên có 2 rồng đối xứng (còn khá rõ đầu và chân trước) chầu vào hoa D, được đánh dấu là I, J. Phía trên ở hai bên có 2 trang sức không rõ là loại hình gì (G, H). Phía dưới sát với hình hoa D là bác sơn nhỏ được đánh dấu là K. Dưới nữa là vành mũ có cẩn những viên đá quý nhỏ được đánh chữ L. Dưới cùng là võng cân đánh dấu chữ M…, ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị.
Hé lộ về mỹ thuật cung đình ở thời Tây Sơn
Qua những khảo tả ở trên, kiểu dáng của mũ là loại phốc vuông có vòm mũ tròn, rất giống với mũ trên tượng vua Lê Thần Tông và cả mũ của vua Lê Hy Tông như đã nói, và ở đầu triều Nguyễn vẫn tồn tại loại mũ này, điển hình là chiếc mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong và mũ trên các tượng đá ở lăng hoàng đế Minh Mạng, nhưng do được gắn hai cánh xung thiên ở sau mũ nên gọi là mũ Xung thiên.
Về các trang sức, điều được quan tâm và cần làm rõ một số loại hình sau: Viên đá quý màu sáng có hình là nửa hình tròn (B) được hai rồng (E, F) chầu ở mặt đứng phốc đầu: Với cách thể hiện kết hợp với phần đỉnh bác sơn lớn để tạo sự nhô lên phân nửa thì rất có thể đây là biểu đạt về mặt trời đang mọc vừa mới nhô lên trên rặng núi, tức là vầng dương xuất hiện, ẩn chứa hàm ý về sự ra đời một triều đại mới của hoàng đế Quang Trung. Về kiểu thức thể hiện vầng dương này rất phổ biến trên mũ các tượng thần ở thời Lê Trung hưng, điển hình là mũ trên tượng Ngọc Hoàng được cho là do Kỳ tài Hầu Tô Phú Vượng đục theo chân dung vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), ở chùa Sùng Ân (Hải Dương). Rất có thể mỹ thuật thời Tây Sơn đã chịu ảnh hưởng của thời kỳ này.
Ngoài ra, trong vầng dương (C) còn có nửa hình tròn nhỏ và nếu để ý sẽ thấy có hai điểm nhỏ nhô lên đối xứng ở hai bên, nên rất có thể đây là mặt long phù và hai điểm nhỏ chính là hai sừng. Nếu đúng như vậy thì đây vừa là đỉnh núi vừa là mặt long phù có vầng dương phía sau là rất hợp lý (bác sơn ở mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong tại đỉnh cũng là mặt hổ phù).
Hình hoa 6 cánh (D) được hai rồng chầu ở trán mũ: Xét về vị trí của hoa thì đây là trung tâm và cũng là danh dự nhất ở mũ, điều này đã chỉ ra tầm quan trọng của hoa. Vậy đây là hoa gì, ý nghĩa và tượng trưng như thế nào mà được trang trí ở phần danh dự này.
Như chúng ta đã biết ở thời Lý - Trần, nhất là thời Lê và thời chúa Nguyễn, mô típ lưỡng long chầu hoa cúc (biểu tượng của mặt trời) rất được phổ biến. Vì vậy, hoa ở đây không thể là hoa nào khác ngoài hoa cúc, với đặc điểm cánh to và ít thì rất có thể là cúc vạn thọ loại cánh to đầu tròn.
Rồng trên mũ: Trong thời gian này Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế, vì vậy chắc chắn rồng phải là 5 móng. Thế nhưng, qua nét vẽ cho thấy không phải là 5 móng. Vấn đề này có thể được giải thích: Dù là vua thật hay vua giả thì trước khi đi mừng thọ vua Càn Long, mũ áo cũng đều phải được thiết kế riêng cho chuyến đi này, trong đó chắc chắn là phải thay hình rồng 5 móng bằng rồng 3 hoặc 4 móng và họa sĩ nhà Thanh đã vẽ đúng.
Tiếp đến là điều thú vị khi đối chiếu với mũ Xung thiên thời chúa Nguyễn, cụ thể là chiếc mũ trong tranh vẽ hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, cho thấy cùng một loại mũ nhưng kiểu dáng là khác nhau, như một đằng là phốc vuông, một đằng là phốc tròn, nhưng kiểu thức trang trí cũng là trục trung tâm và đối xứng ở hai bên. Rất tiếc là mũ của hoàng tử không có rồng, nhưng điều đáng nói là đều lấy hoa cúc là biểu tượng cho vương quyền và được trang trí thuộc vị trí trọng tâm ở mũ. Hoa cúc ở mũ vua triều Nguyễn đã chuyển sang mang cả hai đặc điểm Mặt trời - Hoa cúc.
Nhìn chung, chiếc mũ của vua trong tranh tuy có kiểu dáng được phỏng theo mũ Xung thiên của thời Lê, mà thời Lê lại ảnh hưởng nhà Minh - Trung Hoa, nhưng kiểu thức trang trí thì mang đặc trưng của các triều đại quân chủ của Việt Nam.
Về mỹ thuật, chiếc mũ này phải nói là một kiệt tác, qua việc tạo dáng mũ cùng với các trang sức được thiết kế vô cùng hợp lý mang đẳng cấp của đế vương. Có lẽ mũ đã được nghệ nhân kim hoàn nổi danh lúc bấy giờ là Cao Đình Độ thiết kế và chế tác, bởi theo tài liệu của ngành kim hoàn, vào thời gian này ông là thợ kim hoàn rất nổi tiếng và đã được vua Quang Trung vời vào triều để lập Cơ vệ ngân tượng chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc, được phong chức Lãnh binh.
Qua bức chân dung này, mặc dầu được vẽ bởi họa sĩ của Trung Hoa nhưng đã phần nào hé lộ về mỹ thuật cung đình ở thời Tây Sơn. Tóm lại, chiếc mũ trong bức chân dung là thật, còn người thì xin để tồn nghi. Riêng Mặt trời - Hoa cúc vẫn là biểu tượng của vương quyền.
Bình luận (0)