Những phụ nữ di cư đến thành phố trong triển lãm 'Nơi tôi đến'

06/04/2023 20:44 GMT+7

Chiều 6.4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nơi tôi đến. Triển lãm gồm 3 chủ đề kể về hành trình những lao động nữ di cư rời xa quê đến thành phố để tìm kiếm việc làm.

Triển lãm Nơi tôi đến do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện nghiên cứu với nhóm nữ lao động di cư tại địa bàn Hà Nội.

Triển lãm gồm 3 chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ "Nơi tôi đi", họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại "Nơi tôi đến" và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước "Nơi ấy có tôi".

Hành trình những lao động nữ di cư đến thành phố qua triển lãm 'Nơi tôi đến'  - Ảnh 1.

Triển lãm Nơi tôi đến là chia sẻ của các nữ lao động di cư thông qua các tư liệu hình ảnh, phim ngắn...

KIM CHUNG

Để thực hiện triển lãm, nhóm nội dung đã gặp gỡ, phỏng vấn 20 nữ lao động di cư từ 16 - 34 tuổi với đa dạng ngành nghề, từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong…

Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau như Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Hành trình những lao động nữ di cư đến thành phố qua triển lãm 'Nơi tôi đến'  - Ảnh 2.

Chị Đỗ Thị Tươi, quê Thanh Hóa, 33 tuổi nhưng đã làm nghề đánh giày tại Hà Nội khoảng 15 năm

KIM CHUNG

Chia sẻ tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình... hơn nam giới.

Bà Hương cũng cho biết thêm, thông qua triển lãm này, chúng ta có cơ hội tiếp cận và trò chuyện với những phụ nữ là lao động di cư xung quanh ta. Họ cũng chính là những nguồn lực quan trọng, đã và đang tham gia vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội của thủ đô.

Hành trình những lao động nữ di cư đến thành phố qua triển lãm 'Nơi tôi đến'  - Ảnh 3.

Những phụ nữ di cư từ khắp mọi miền mong muốn nhận được sự đồng cảm, cư xử văn minh của người dân nơi họ đến sinh sống và lao động

KIM CHUNG

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Đỗ Thị Tươi, một nhân vật trong triển lãm Nơi tôi đến ( 33 tuổi, ở H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), bày tỏ: "Em ra Hà Nội đi đánh giày đã được 15 năm. Em thuê một chỗ trọ rất bé, hơn 1 m2 để ở và chỉ trả tiền theo ngày, mỗi tối là 20.000 đồng, hàng ngày đi đánh giày từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối mới về.

Cả ngày em đi bộ khắp các con phố Hà Nội từ chỗ trọ (ga Trần Quý Cáp), nên không gian sống của em chủ yếu là nơi công cộng, vườn hoa, ghế đá công viên...

Em cũng hay gặp và bị một số người thành phố kỳ thị, nên em mong mọi người có cái nhìn sẻ chia, cảm thông với những lao động từ quê ra như em. Em chỉ ước mơ làm đủ tiền nuôi hai con ở quê ăn học".

Triển lãm Nơi tôi đến giúp công chúng hiểu hơn về tầm quan trọng của không gian công cộng đối với những nữ lao động di cư cùng những hành động thiết thực mà các tổ chức, các nhóm cộng đồng đã làm để nâng cao chất lượng sống cho nhóm phụ nữ này.

Triển lãm Nơi tôi đến mở cho công chúng tham quan từ ngày 6 - 20.4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.