Những quy định nào tăng quyền lợi cho người lao động có hiệu lực từ 1.2?

Thu Hằng
Thu Hằng
30/01/2021 10:36 GMT+7

Thêm ngày nghỉ cho người giúp việc, lao động nữ được trả thêm tiền trong ngày “đèn đỏ”, được lựa chọn hình thức trả lương… là những điểm mới liên quan đến người lao động được quy định tại Nghị định 145, có hiệu lực từ 1.2.

Người giúp việc được nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của bộ luật Lao động 2019, từ ngày 1.2, bổ sung thêm các quy định mới nhằm bảo vệ lao động giúp việc gia đình trong cơ chế thị trường.
Theo đó, chủ sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc; đồng thời người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, số thành viên, điều kiện ăn ở của người lao động (NLĐ) tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong việc thực hiện công việc mà người lao động yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày, trừ các trường hợp sau thì không phải báo trước như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc...
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ngoài thời giờ làm việc thỏa thuận trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải bảo đảm, tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và phải bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

Lao động nữ đến ngày “đèn đỏ” được nghỉ 30 phút/ngày

Nghị định nêu rõ, lao động nữ đến ngày "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng nguyên lương. Số ngày có thời gian nghỉ do chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.
Thời điểm nghỉ từng tháng do lao động nữ chủ động thông báo tới chủ sử dụng. Nếu lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn, thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp.
Trong trường hợp lao động nữ vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong ngày "đèn đỏ". Khoản này sẽ nằm ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm.
Theo Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB-XH, số lương trả thêm được tính theo 30 phút mỗi ngày nhân với số ngày không nghỉ. Nếu tháng đó lao động nữ không nghỉ thì tiền lương được tính là 1,5 tiếng của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, nghị định cũng hướng dẫn trong thời gian lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương. Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ ngơi trong thời gian này, ngoài tiền lương, sẽ được trả thêm một khoản theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ.
Nghị định quy định bắt buộc doanh nghiệp có 1.000 nữ trở lên phải có phòng vắt sữa tại nơi làm việc.
Đối với lao động nữ trong thời gian mang thai sẽ được nghỉ để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Nếu ở xa nơi khám bệnh mà có bệnh lý hoặc thai không bình thường, thai phụ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám.

Người lao động được thỏa thuận hình thức trả lương

Theo quy định cũ, hình thức trả lương do người sử dụng lao động quyết định. Tuy nhiên, Nghị định 145 hướng dẫn NLĐ được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc được trả lương theo một trong 3 hình thức: theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
Cụ thể: Tiền lương theo thời gian được trả cho NLĐ hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Tiền lương theo sản phẩm được trả cho NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
Tiền lương khoán được trả cho NLĐ hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Phạt doanh nghiệp đến 75 triệu đồng nếu bắt NLĐ làm thêm vào ngày lễ, tết

So với quy định tại bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn, quy định về thời gian nghỉ giữa giờ theo quy định mới đã có sự thay đổi. Quy định cũ yêu cầu NLĐ phải làm việc theo ca liên tục 8 giờ (điều kiện bình thường) hoặc 6 giờ (công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) thì được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc. Nhưng từ năm 2021, người lao động chỉ cần làm ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì đã được hưởng quyền lợi này.
Khi tiến hành làm việc theo ca, doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ giữa giờ theo thời gian theo đúng quy định, đồng thời bố trí lịch nghỉ để đảm bảo NLĐ được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Nếu vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Cụ thể: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu không đảm bảo về thời gian nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca cho NLĐ.
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng nếu thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định; huy động NLĐ làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của NLĐ.
Nếu sử dụng NLĐ làm thêm quá số giờ quy định hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần, tùy thuộc vào số NLĐ bị vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị phạt theo các mức, từ mức 5 - 75 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.