Rủi ro pháp lý khi mua lại nhà ở xã hội nếu chưa đủ điều kiện

Ngân Nga
Ngân Nga
28/02/2023 11:45 GMT+7

Việc mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện là vi phạm quy định của luật Nhà ở và cũng không thuộc trường hợp được lập vi bằng nên người dân không nên mua.

"Tôi dự định mua lại một căn hộ thuộc nhà ở xã hội bằng giấy tay, chủ căn hộ cho biết theo quy định, tôi phải chờ thêm 4 năm nữa họ mới được làm thủ tục sang tên cho tôi. Nếu 2 bên mua bán cùng đi lập vi bằng thì có giá trị pháp lý về sau không? Việc mua bán này tôi có gặp rủi ro gì không? Nhờ luật sư cho tôi lời khuyên khi mua lại nhà ở xã hội trong thời kỳ chưa được phép bán lại", bạn đọc Thu Hương (TP.HCM) gửi câu hỏi cho Thanh Niên.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hiểu (Văn phòng luật sư Đại Quốc Việt, Đoàn luật sư TP.HCM), tại Điều 62 luật Nhà ở năm 2014, quy định: Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.

Những rủi ro pháp lý khi mua lại nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Không nên mua lại nhà ở xã hội nếu không đủ điều kiện mua

NGỌC DƯƠNG

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội…

Vậy ai đủ điều kiện để được mua nhà ở xã hội?

Căn cứ tại Điều 49, Điều 51 luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:

Thứ nhất, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Thứ hai, phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.

Thứ ba, đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Thứ tư, trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu bạn không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội theo quy định trên, việc bạn mua lại từ chủ căn hộ là vi phạm quy định của luật Nhà ở. Giao dịch này không có giá trị pháp lý nên bên mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội.

Nếu bạn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội và chủ căn hộ đã thanh toán hết tiền mua, có nhu cầu bán lại căn hộ thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để cùng với chủ căn hộ làm việc với đơn vị quản lý nhà ở xã hội, thỏa thuận về việc chuyển nhượng lại cho phù hợp quy định pháp luật.

Theo Điều 37, Nghị định số 08 năm 2020 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại), quy định các trường hợp không được lập vi bằng gồm: "Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực…" và "ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng".

"Do đó, việc hai bên lập vi bằng để làm bằng chứng cho việc chuyển nhượng căn hộ trong trường hợp này là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu bạn là đối tượng không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, để tránh rủi ro pháp lý, tôi khuyên bạn không nên mua lại bằng hình thức lập vi bằng", luật sư Tiến Hiểu chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.