Tình dục sớm hơn, kết hôn muộn hơn
Theo TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tình dục sớm hơn, kết hôn muộn hơn tạo nên khoảng cách thời gian khá dài trước kết hôn và các bạn trẻ cần được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tránh thai an toàn. Tuy nhiên, phụ nữ VN vẫn còn hạn chế trong tiếp cận các biện pháp tránh thai.
Tại VN, một số điều tra trong các năm gần đây cho thấy: Tỷ lệ học sinh từ 13 - 17 tuổi có quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần sau 6 năm qua (từ 1,48% năm 2013 tăng lên 3,51% năm 2019). Tuổi kết hôn lần đầu của nam và nữ đều muộn hơn. Theo kết quả mới nhất của tổng điều tra dân số và nhà ở (2019), tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).
Shutterstock |
Phá thai lặp lại do nhu cầu tránh thai không được đáp ứng
Theo chuyên gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình, mang thai ngoài ý muốn xảy ra khi phụ nữ muốn ngừng sinh con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh nhưng không dùng biện pháp tránh thai, dùng biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả, hoặc phải quan hệ tình dục trái ý muốn. Các tình huống đó khiến một số giải quyết bằng cách phá thai, một số khác lựa chọn sinh con dù không muốn.
Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ VN 2020 - 2021 (gọi tắt: SDGCW VN 2020 - 2021) do Tổng cục Thống kê, UNICEF và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) thực hiện, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%. Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của điều tra tương tự năm 2014. Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung.
Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.
Đáng lưu ý, nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở VN do UNFPA thực hiện năm 2016 cho thấy phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời; 21,8% đã từng phá thai 2 lần; và 5,1% từng phá thai ít nhất 3 lần.
Không chỉ nữ giới, nam giới cần chủ động, chia sẻ trách nhiệm tránh thai. Tình dục an toàn không phải trách nhiệm riêng của phái nữ.
TS Đinh Huy Dương(Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Bộ Y tế)
Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi, các ước tính trong điều tra SDGCW cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25 - 29 tuổi là 9 lần/1.000 phụ nữ. Tiếp theo là nhóm từ 20 - 24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30 - 39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15 - 19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.
Tình dục an toàn là trách nhiệm chung
TS Đinh Huy Dương cũng lưu ý một số sai lầm về tránh thai ở bạn trẻ, như: rửa bao cao su để dùng lại, dùng 2 bao cao su; hoặc nhiều bạn nghĩ là vệ sinh, rửa sạch, hoặc quan hệ xong nhảy nhiều lần thì sẽ ngăn cản được thụ thai. Đó là những quan niệm hết sức sai lầm khiến nhiều bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn, và khi mang thai như vậy thì nhiều người hướng đến giải quyết bằng cách phá thai. Điều này rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể vô sinh thứ phát do phá thai.
“Không chỉ nữ giới, nam giới cần chủ động, chia sẻ trách nhiệm tránh thai. Tình dục an toàn không phải trách nhiệm riêng của phái nữ”, ông Dương nhấn mạnh.
Hệ lụy của phá thai không an toàn
Thực hiện phá thai trong điều kiện kém an toàn có thể dẫn tới một số biến chứng như:
Sót thai gây rong huyết do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai.
Rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật, gây viêm nhiễm. Trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết đe dọa tính mạng thai phụ.
Tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do dụng cụ không được tiệt trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến vô sinh.
Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung.
Thủng tử cung.
Sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.
(Nguồn: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình)
Bình luận (0)