>> Trao giải thưởng Quả cầu vàng 2013
>> Gặp mặt 105 tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng
|
Điểm chung ở họ chính là đi đầu trong nghiên cứu, tìm ra những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật để giải quyết những vấn đề khó khăn trong thực tiễn của đơn vị mình và của đất nước.
Bài học 'vỡ lòng'
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2001, khác với nhiều bạn bè, không bám trụ lại thủ đô, Trần Đại Nghĩa trở về quê và xin vào tập sự tại Xí nghiệp supe phốt phát (Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ).
Trong một năm thử việc, chàng kỹ sư trẻ chỉ được giao mỗi việc làm quen, tìm hiểu sâu về hệ thống máy móc, thiết bị… “Cũng nôn nóng, sốt ruột chỉ muốn được cấp trên để ý giao thêm một việc gì đó cho bớt nhàm chán. Nhưng càng về sau, tôi càng thấm thía những bài học “vỡ lòng” đã cho tôi kiến thức bổ ích để triển khai các giải pháp cải tiến máy móc”, Trần Đại Nghĩa nói.
Năm 2007, Nghĩa mạnh dạn tham gia cải tạo 2 dây chuyền sản xuất a xít từ công nghệ tiếp xúc đơn sang công nghệ tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần để giải quyết được vi phạm hàm lượng khí thải SO2, SO3 ra môi trường. Không chỉ giảm được hàm lượng khí thải, năng suất của dây chuyền còn tăng từ 260.000 tấn a xít H2SO4/năm lên 280.000 tấn H2SO4/năm. Sáng kiến đầu tay đã mang về cho Trần Đại Nghĩa “Bằng lao động sáng tạo” của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nghĩa cho hay: “Phần thưởng tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn. Tôi bắt đầu hứng thú và đam mê với việc tìm tòi các giải pháp nghiên cứu làm giảm lượng khí thải ra môi trường”.
Năm 2012, thêm một lần nữa 3 giải pháp liên quan đến lĩnh vực công nghệ môi trường của Trần Đại Nghĩa và nhóm sáng kiến đã làm lợi cho công ty gần 3 tỉ đồng. Đặc biệt giải pháp “Nghiên cứu công nghệ để tận thu a xít H2SO4 loãng từ quá trình tái sinh các máy cation tại bộ phận lọc nước hóa học của Xí nghiệp đưa trở lại sản xuất” nêu bật được tính mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Phú Thọ và ở Việt Nam. Điều Nghĩa tâm đắc là giải pháp này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn còn cải thiện được điều kiện làm việc, giảm được công sức và tạo môi trường trong sạch cho người lao động.
Đảm nhiệm chức vụ phó phòng kỹ thuật an toàn và môi trường, Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Nghĩa cùng các đồng nghiệp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp xử lý nước thải, bụi thải, đề xuất thêm giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp...
Nhà giáo 2 trong 1
Với quan điểm “Sống là phải có ích cho gia đình và xã hội”, Võ Khánh Hưng, đại diện duy nhất được trao giải trong lĩnh vực công nghệ sinh học luôn phấn đấu không ngừng. 26 tuổi, là giảng viên trẻ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Hưng đã tham gia 8 đề tài khoa học.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến đề tài cấp bộ: “Phân tích trình tự gien ORF2 của vi rút PCV2 và xây dựng cây sinh dòng PCV2 gây hội chứng còi cọc trên heo”.
Thời gian qua, một trong những vấn đề nổi cộm gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi là bệnh lở mồm long móng và bệnh còi sau cai sữa. Võ Khánh Hưng bày tỏ: “Việc xét nghiệm nhanh và chính xác lợn mang vi rút tại các trang trại có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều tra, quản lý, phòng chống bệnh”.
Luôn say mê và lo lắng cho sức khỏe của đàn lợn, trước hội chứng rối loại sinh sản và hô hấp lây lan nhanh, gây thiệt hại về kinh tế lớn, Hưng đã đăng ký chủ nhiệm đề tài “Thử nghiệm sản xuất kit chẩn đoán vi rút gây bệnh rối loại sinh sản hô hấp trên heo”, thuộc chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học trẻ do Thành đoàn và Sở KH-CN TP.HCM chủ trì.
Võ Khánh Hưng chia sẻ: “Từ trước đến giờ, chẩn đoán vi rút chủ yếu sử dụng các phương pháp cũ tốn rất nhiều thời gian, trong khi các thiết bị hiện đại chi phí cao nên không đáp ứng được nhu cầu chẩn đoán bệnh nhanh và trên diện rộng. Việc phát triển các kit chẩn đoán bệnh bằng kỹ thuật RT-LAMP là cần thiết, đây sẽ là công cụ giúp nhà quản lý, người chăn nuôi kiểm tra tình hình dịch tễ xuất nhập heo, đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe đàn heo, phòng bệnh và trị bệnh, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi”. Đề tài đã được nhận giải nhì hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2013.
Võ Khánh Hưng bộc bạch: “Mong muốn của mình là trở thành nhà giáo ưu tú, đào tạo những kỹ sư, nhân tài cho đất nước. Xa hơn nữa, phấn đấu trở thành giáo sư, luôn nâng cao kiến thức để truyền đam mê và kiến thức cho thế hệ sau. Về mặt nghiên cứu, luôn học hỏi và sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam; đồng thời giải quyết những vấn đề khó khăn trong thực tiễn của đất nước”.
Thu Hằng
>> Sáng kiến bạc tỉ - Kỳ 3: Biến cái không thể thành có thể
>> Sáng kiến bạc tỉ - Kỳ 2: 60 ngày đêm căng thẳng
>> Sáng kiến bạc tỉ
Bình luận (0)