Những sinh viên vì sức khỏe cộng đồng

11/05/2017 14:32 GMT+7

Mặc dù học nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng các sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã cùng lập nhóm Vườn thuốc nam để sưu tầm, bảo tồn và tặng thuốc cho các phòng khám từ thiện.

Ba vườn thuốc nam quy mô hơn 8.000 mét vuông tại Cần Thơ cùng những dự án về cây thuốc đang được triển khai ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cho thấy tấm lòng của nhóm Vườn thuốc nam đối với sức khỏe cộng đồng.
Là người sáng lập nhóm,Võ Quốc Lập, sinh viên (SV) ngành hóa - dược, cho biết trước đây từng tham gia tình nguyện tại các phòng khám từ thiện. Trong quá trình đó, Lập nhận thấy nguồn thuốc nam ngày càng khó tìm, nhiều loại cây thuốc quý gần như tuyệt chủng... trong khi nhu cầu của cộng đồng rất lớn. Chính điều này đã thôi thúc Lập thành lập nhóm chuyên sưu tầm, bảo tồn thuốc nam.

Có thuốc là có thêm điều kiện chữa bệnh, rồi thấy bà con hết bệnh chúng tôi rất mừng, từ đó có thêm động lực đi sưu tầm, tìm thêm nhiều giống thuốc quý gây trồng, bảo tồn để không bị mất dần
Võ Quốc Lập, người sáng lập nhóm
Sau khi có ý tưởng, Lập tập hợp một số bạn có sở thích giống mình rồi bắt đầu tìm thuốc, cải tạo phần đất phía sau văn phòng Đoàn trường để lập vườn thuốc. Hơn 20 loại thuốc nam phổ biến được đem về trồng và gần 100 loại khác được lập ra một khu vực riêng để bảo tồn.
“Quá trình đi tìm, sưu tầm cực khổ nhưng khi nói để bảo tồn, lập vườn thuốc hỗ trợ các phòng thuốc từ thiện là bà con vui vẻ cho ngay”, Lập nói. Từ hành động của Lập, nhiều bạn bắt đầu tham gia. Tháng 6.2014, nhóm Vườn thuốc nam chính thức ra mắt với 10 thành viên chủ chốt và hơn 100 cộng tác viên là SV các trường ĐH tại Cần Thơ.
Lê Thị Thu Thủy, SV ngành hệ thống thông tin, cho biết: “Khi vườn thuốc tuyển cộng tác viên quản lý lao động, tôi liền tham gia, bởi tôi biết đây là việc làm thiện nguyện vì cộng đồng. Qua đó cũng giúp tôi có những trải nghiệm để giúp ích cho công việc sau này”.
Còn Thạch Thị Kim Thanh, SV ngành y đa khoa, nói: “Khi biết nhóm của Lập hành động vì cộng đồng, tôi đã tham gia để mong góp một phần vì sức khỏe người dân. Hơn nữa, khi tham gia tôi còn có thể biết thêm về đông y để sau này có thể kết hợp đông - tây y trong quá trình điều trị cho người bệnh”.

“Có thuốc là có thêm điều kiện chữa bệnh, rồi thấy bà con hết bệnh chúng tôi rất mừng, từ đó có thêm động lực đi sưu tầm, tìm thêm nhiều giống thuốc quý gây trồng, bảo tồn để không bị mất dần”, Lập cho biết.
Hiện nay, một số cây thuốc nằm trong Sách đỏ như ngũ gia bì chân chim, bố chính sâm, sâm đại hành... đang được các thành viên nhóm Vườn thuốc nam sưu tầm bảo tồn rất kỹ. Song song đó, nhóm còn tổ chức các chương trình chia sẻ về hoạt động trồng cây thuốc nam và ý nghĩa, vai trò của cây thuốc nam đối với đời sống con người. Qua đó nhóm nâng cao nhận thức của các tình nguyện viên cũng như người dân trong công tác bảo tồn và phát triển các loài dược liệu.
Mỗi đợt đi sưu tầm, mang thuốc cho phòng khám với các bạn là một trải nghiệm vì cộng đồng hết sức có ý nghĩa, ở đó có sự cảm thông, chia sẻ với những người nghèo khó, để mỗi bản thân thấy và sống có ích hơn cho cộng đồng sau này.
Lập chia sẻ thêm, trước mắt nhóm đang xây dựng và phát triển các vườn thuốc ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ với tổng diện tích hơn 3 ha. Sau đó nhóm sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các vườn thuốc khác ở các tỉnh tại ĐBSCL để nâng tổng diện tích lên hơn 6 ha. “Trong tương lai, khi ra trường tôi cố gắng học thêm lĩnh vực khác để thành lập doanh nghiệp xã hội liên quan đến thuốc nam”, Lập nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.