Đây là những sự kiện lớn của tỉnh Quảng Ngãi cuối năm 2023. Một năm với bao nhiêu thử thách nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn vượt qua khó khăn, đạt được những thành công đáng mừng.
Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22.11, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ công bố quy hoạch này vào ngày 22.12.
Theo Quyết định số 1456/QĐ-TTg, định hướng phát triển của Quảng Ngãi phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các chiến lược quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia.
Phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km², bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo luật Biển Việt Nam ngày 21.6.2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu của Quảng Ngãi là phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước và tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Quảng Ngãi phấn đấu từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng thương hiệu các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ dần hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.
Đồng thời, phấn đấu với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,25 - 8,25%/năm. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4 - 5%/năm; công nghiệp đạt 8,25 - 9,25%/năm và dịch vụ đạt 10 - 11%/năm. Về GRDP bình quân đầu người, Quảng Ngãi đạt từ 7.700 - 7.900 USD.
Về cơ cấu kinh tế, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 15 - 16%; công nghiệp - xây dựng khoảng 36,5 - 37,5%; dịch vụ là 35,5 - 36,5%.
Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 410.000 tỉ đồng và năng suất lao động tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 là 6,5 - 7,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm bình quân 1 -1,5%/năm (giai đoạn 2021 - 2025) và 0,5 - 1%/năm (giai đoạn 2026 - 2030).
Đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây nguyên và khu vực duyên hải miền Trung.
Khởi công đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi và kỷ niệm 10 năm KCN VSIP Quảng Ngãi
Cũng vào ngày 22.12, tỉnh Quảng Ngãi sẽ khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi và kỷ niệm 10 năm Khu công nghiệp (KCN) VSIP Quảng Ngãi.
Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi dài 28 km là niềm mong mỏi bao lâu nay của người dân Quảng Ngãi. Đây là công trình giao thông cấp 1, có tổng chiều dài gần 28 km, kinh phí đầu tư 3.500 tỉ đồng.
Dự án đi qua 3 địa phương: H.Bình Sơn, H.Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi. Trong đó, H.Bình Sơn có chiều dài 17,62 km, với 105,5 ha đất bị thu hồi ở 5 xã: Bình Chánh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thanh, Bình Tân Phú và TT.Châu Ổ.
Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi là công trình trọng điểm, được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng giao thông cho QL1A hiện đang quá tải; đồng thời kết nối các tuyến giao thông, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tuyến đường này sẽ tạo ra quỹ đất khá lớn để thu hút đầu tư xây dựng đô thị, công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
KCN VSIP Quảng Ngãi (ở xã Tịnh Phong, H.Sơn Tịnh) đi vào hoạt động từ năm 2013, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.700 ha. Đây là dự án KCN Việt Nam - Singapore đầu tiên ở miền Trung, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong đó, vốn FDI đầu tư vào KCN này khoảng 950 triệu USD, gồm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan...
Hiện tại, KCN VSIP Quảng Ngãi có khoảng 29.000 lao động (90% là người Quảng Ngãi), thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận (0)