Những sự kiện thiên văn kỳ thú trong năm 2022

Khánh An
Khánh An
02/02/2022 12:00 GMT+7

Bầu trời năm 2002 hứa hẹn xuất hiện nhiều hiện tượng thiên văn thú vị và dễ theo dõi bằng mắt thường mà không cần các thiết bị hỗ trợ, nếu điều kiện thời tiết phù hợp.

Hiện tượng trăng máu xuất hiện vào tháng 5.2021 nhìn từ New Delhi, Ấn Độ

afp

Theo Đài National Geographic, năm nay dự kiến sẽ có nhiều sự kiện thiên văn thú vị mà giới thiên văn học nghiệp dư và mọi người có thể dễ dàng theo dõi, trong đó có 2 lần mặt trăng máu, 2 lần nhật thực và nhiều “cuộc gặp gỡ” giữa các hành tinh.

Bên cạnh đó, những ngôi sao băng sẽ thắp sáng bầu trời và mọi người còn có thể chứng kiến 5 trong số các hành tinh láng giềng của trái đất. Trong điều kiện thích hợp, sao Thiên vương cũng sẽ có thể được nhìn thấy bằng mắt thường và sẽ là một điểm sáng xanh trên bầu trời.

Dưới đây là một số những hiện tượng thiên văn dự kiến sẽ xảy ra trong năm 2022:

Ngày 24.3-5.4: Sao Kim, sao Hỏa và sao Thổ cùng "khiêu vũ"

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, những người dậy sớm ở cả 2 bán cầu sẽ được chứng kiến một số hành tinh láng giềng trình diễn “điệu ba lê trên trời”.

Mô phỏng "vũ điệu" của sao Kim, sao Hỏa và sao Thổ

ảnh chụp màn hình ngc

Nhìn lên bầu trời phía đông nam khoảng một giờ trước khi mặt trời mọc để thấy sao Kim, sao Hỏa và sao Thổ xếp thành cụm hình tam giác. Vào ngày 27 và 28.3, trăng lưỡi liềm sẽ ghé qua buổi tiệc của các hành tinh trên.

Những người theo dõi suốt nhiều ngày sẽ thấy rằng vị trí của 3 ngôi sao thay đổi dần cho đến khi thành 1 đường thẳng vào ngày 1.4. Sau đó, sao Thổ sẽ tiến về phía sao Hỏa và dường như nằm cạnh nhau từ ngày 3-5.2.

Ngày 1.5: Nhật thực một phần

Năm 2022 sẽ có 2 lần trái đất được nhìn thấy hiện tượng nhật thực một phần, khi mặt trăng che một phần mặt trời. Lần thứ nhất sẽ được nhìn thấy tại phía nam khu vực Nam Mỹ, một phần Nam Cực và một phần Thái Bình Dương vào lúc 3 giờ 41 ngày 1.5 (giờ Việt Nam).

Khi đó, 64% mặt trời sẽ bị che khuất bởi mặt trăng. Vị trí nhìn thấy nhật thực nhiều nhất là Nam Đại Dương phía tây bán đảo Nam Cực. Khu vực phía nam của Chile và Argentina cũng sẽ thấy nhật thực khoảng 60%.

Trong năm nay, nhật thực một phần còn xảy ra vào ngày 25.10 tại phần lớn châu Âu và Trung Đông, cũng như một phần Tây Á, Bắc Phi và Greenland. Kính bảo hộ khi ngắm nhật thực là cần thiết và phải được đeo suốt quá trình ngắm nhật thực để bảo vệ mắt, kể cả khi mặt trời dường như còn tối hơn cả bầu trời.

Ngày 5 và 6.5: Mưa sao băng Eta Aquarid

Những người thích ngắm sao băng sẽ được thưởng thức vào tháng 5 khi điều kiện bầu trời gần như hoàn hảo để chứng kiến mưa sao băng Eta Aquarid. Thời điểm tốt nhất để ngắm dự kiến là những giờ trước bình minh ngày 5.5. Trăng lưỡi liềm sẽ lặn sớm khiến bầu trời đủ tối để nhìn ngắm kể cả những ngôi sao băng mờ nhạt nhất.

Mưa sao băng Eta Aquarid

Ảnh chụp màn hình cnet

Bán cầu nam sẽ nhìn thấy sao băng thuận lợi hơn, với những ngôi sao băng từ chòm sao Aquarius sẽ xuất hiện gần đường chân trời phía đông nam. Trong điều kiện thích hợp, có thể thấy từ 20-30 sao băng mỗi giờ.

Ngày 15 hoặc 16.5: Nguyệt thực toàn phần

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 15 hoặc 16.5, tùy thuộc vào vị trí trên trái đất. Nguyệt thực là khi mặt trời, trái đất và mặt trăng thẳng hàng và mặt trăng đi qua cái bóng của trái đất. Hiện tượng này sẽ dễ nhìn thấy từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và một phần châu Á.

Vì mặt trăng vào tháng năm được gọi là “trăng hoa” nên hiện tượng này năm nay còn được nguyệt thực trăng hoa.

Ngày 18-27.6: 5 hoặc 6 hành tinh xếp thẳng hàng

Những người thích ngắm bầu trời sao sẽ có cơ hội hiếm hoi vào tháng 6 để ngắm bằng mắt thường khi các ngôi sao thẳng hàng gồm sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và có khả năng cả sao Thiên Vương.

Mô phỏng hiện tượng nhiều hành tinh xếp thẳng hàng

ảnh chụp màn hình ngc

Việc nhìn thấy sao Thiên Vương đòi hỏi điều kiện bầu trời lý tưởng. Chưa hết, mặt trăng có thể sẽ đi qua gần các ngôi sao trên, khi nhìn từ trái đất trước bình minh ngày 18-27.6.

Ngày 7 và 8.11: Nguyệt thực toàn phần

Những người tại Bắc và Nam Mỹ, Úc, châu Á và một phần châu Âu sẽ có cơ hội ngắm hiện tượng trăng máu lần thứ 2 trong năm nay, khi nguyệt thực toàn phần xảy ra vào tối 7.11 qua nửa đêm bước sang ngày 8.11.

Phía tây Mỹ và Canada, phía đông Nga, New Zealand và một phần phía đông Úc là những nơi có thể nhìn thấy nguyệt thực toàn phần. Trong khi đó, khu vực phía đông Bắc Mỹ và phần lớn Nam Mỹ sẽ nhìn thấy một phần của hiện tượng này khi mặt trăng di chuyển về phía tây.

Phát hiện vật thể được cho là một ngôi sao hoàn toàn mới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.