Một thiên thạch lớn đang lao về phía trái đất

Khánh An
Khánh An
12/01/2022 09:19 GMT+7

Thiên thạch có đường kính khoảng 1 km sẽ bay ngang trái đất vào ngày 19.1 và là thiên thạch bay gần trái đất nhất trong 2 thế kỷ tới.

Hình ảnh mô phỏng một thiên thạch lao về phía trái đất

ảnh chụp màn hình news tvs 24

Theo Trung tâm Nghiên cứu các vật thể gần trái đất (CNEOS) thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), một thiên thạch có đường kính khoảng 1 km sẽ bay gần trái đất với tốc độ khoảng 76.193 km/giờ.

Thiên thạch 7482 (1994 PC1) được phát hiện bởi NASA vào năm 1994 và dự kiến sẽ bay cách trái đất ở khoảng cách 1,93 triệu km.

Chưa ai dự báo thiên thạch này sẽ va chạm với trái đất, nhưng đây sẽ là thiên thạch bay gần trái đất nhất trong 2 thế kỷ tới, theo dự báo của NASA. Dự báo thời gian thiên thạch này bay gần trái đất nhất là vào lúc 4 giờ 51 ngày 19.1 (giờ Việt Nam).

Đây không phải là thiên thạch lớn nhất từng bay gần trái đất. Thiên thạch lớn nhất từ bay gần trái đất có tên là 3122 Florence (1981 ET3), từng bay gần trái đất vào ngày 1.9.2017, với đường kính từ 4-8,8 km. Dự kiến thiên thạch này sẽ lại bay gần trái đất vào ngày 2.9.2057.

Lộ diện "túp lều bí ẩn" trên mặt trăng

Theo trang EarthSky.com, dù thiên thạch 7482 không thể nhìn thấy bằng mắt thường, các nhà thiên văn học nghiệp dư với viễn vọng kính nhỏ vẫn có thể nhìn thấy.

Vào tháng 9 tới, một tàu vũ trụ của NASA sẽ chủ ý đâm vào một thiên thạch nhằm thay đổi quỹ đạo của nó trong không gian, trong thử nghiệm công nghệ nhằm phát hiện các vụ va chạm của thiên thạch.

Với tên gọi là sứ mệnh DART, tàu vũ trụ trên nhằm vào thiên thạch Dimorphos quay quanh tiểu hành tinh Didymos gần trái đất. Các vật thể gần trái đất là những thiên thạch, tiểu hành tinh và sao chổi có điểm gần nhất trong quỹ đạo cách trái đất tối đa 48 triệu km.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.