Sách Dòng tộc họ Dương Việt Nam trong tiến trình lịch sử Việt Nam đứng tên 3 tác giả: TS Dương Tự Đam (Chủ biên), Dương Văn Thiều, Dương Minh Khải, do Nhà xuất bản Thế giới cấp phép xuất bản và phát hành quý I/2021.
Ngay bìa sách là hình ảnh và dòng chữ “Triều đại họ Dương (931 – 937) – Dương Đình Nghệ (874 – 937)”.Đây là điểm tùy tiện đầu tiên vì họ Dương và Dương Đình Nghệ không có sử gia nào đánh giá là một triều đại. Dương Đình Nghệ chỉ là một hào trưởng ở châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa), vốn là tướng của Khúc Hạo. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ đem quân vây đánh Thứ sử Giao Châu là Lý Tiến. Lý Tiến trốn về nước. Tướng nhà Đường là Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang, bị Dương Đình Nghệ đánh bại, Trần Bảo thua chết. Dương Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ.
|
Như vậy, Tiết độ sứ chỉ là một chức quan của nhà Đường, chứ không thể là một triều đại tự chủ như Trưng Vương hay Lý Nam Đế trước đó, hoặc từ Ngô Vương sau này. Các tác giả sách tự nâng thành triều đại là không đúng với lịch sử. Thêm vào đó, khẳng định năm sinh của Dương Đình Nghệ là 874 cũng chưa có cơ sở khoa học.
Sáng tỏ hay nhiễu loạn thông tin?
Lời giới thiệu sách cho rằng cuốn sách này “đã đóng góp nhất định làm sáng tỏ công lao to lớn của những nhân vật họ Dương đối với lịch sử dân tộc” (tr.5). Thế nhưng, đọc vào nội dung, ngoài những nhân vật quá rõ ràng về tiểu sử ở các sách khác đã có và ổn định từ trước tới nay thì chúng tôi thấy sách viết chưa chính xác dẫn đến nhiễu loạn nhiều thông tin. Dưới đây chúng tôi dẫn chứng cụ thể.
|
Một là, nhận người họ khác làm danh nhân họ Dương. Đó là trường hợp nhân vật lịch sử Dương Quốc Chính ở trang 469 – 470. Không bàn đến những nội dung sai sót trong tiểu sử nhân vật lịch sử Dương Quốc Chính, chỉ xin khẳng định chắc chắn rằng, ông không phải người họ Dương. Dương Quốc Chính chỉ là bí danh.
|
Hai là, đưa sai thông tin về nhiều nhân vật lịch sử họ Dương. Ví dụ trường hợp Bộ trưởng Dương Đức Hiền. Trang 471 sách viết: Dương Đức Hiền (1918 – 1963). Mốc năm sinh 1918 không biết các tác giả sách căn cứ vào đâu? Còn theo hồ sơ của gia đình và cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì ông sinh năm 1916. Tiếp đó, các tác giả còn viết sai thông tin như: Hai vợ chồng ông bán tư trang mua máy in để in báo Độc lập Cứu quốc của Đảng Dân chủ Việt Nam (tr. 472); hoặc ông Dương Đức Hiền giữ chức Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam liên tục cho đến năm 1960 (tr. 472).
|
Trong khi đó báo Độc lập và báo Cứu quốc là 2 tờ báo khác nhau, chứ không có tờ báo nào mang tên Độc lập Cứu quốc. Và chỉ có báo Độc lập là cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam thôi, còn báo Cứu quốc là cơ quan của Mặt trận Việt Minh. Tiếp theo, ông Dương Đức Hiền không giữ chức Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam liên tục cho đến năm 1960. Cũng cần nói thêm, năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định truy tặng ông Dương Đức Hiền huân chương Hồ Chí Minh, chứ không phải năm 2002 như sách viết.
Ba là đưa sai thông tin về Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời. Trang 417, sách thống kê danh sách Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời có tên Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Viết cho đúng thì Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên không có tên trong Chính phủ Lâm thời. Ông được Quốc hội biểu quyết thông qua trong danh sách Chính phủ, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào tháng 11.1946. Khi đó, Chính phủ đã được thay đến lần thứ 4 và là Chính phủ thứ hai được Quốc hội thông qua.
Diễn giải lịch sử tùy tiện
Ngoài những lỗi sai kiểu trên đây sách còn có những chi tiết diễn giải về lịch sử tùy tiện. Có nhiều nội dung nhưng do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi chỉ dẫn vài ví dụ sau đây.
Thứ nhất, sách dựa vào Dương tộc kỷ sử được cho là của cụ Thừa tướng Dương Đình Tiến làm quan triều Lý viết năm 1058, để đưa ra nhân vật cụ thượng thượng tổ Dương Minh Tiết ở trang 21: “Vào đời vua Hùng Vương thứ I, vua Hùng cử cụ làm Thái sư quốc công triều đình”. Sau đó lại viết: Cụ tổ Dương Minh Tiết giúp Hùng Vương thứ nhất dựng nhà nước Văn Lang (tr.58) và cụ được Vua Hùng tin cậy bổ nhiệm làm quan với chức Lạc Hầu Thừa tướng quốc công (tr.59).
Đến đầu Công nguyên các sách sử chính thống còn không ghi được họ của người Việt Nam thì làm sao ở đời Hùng Vương có người họ Dương mà lại giữ các chức quan to đầu triều nhưng hết sức hiện đại là Thái sư quốc công hay Thừa tướng quốc công?
Thứ hai, sách vẫn dựa vào Dương tộc kỷ sử và bản thần tích Sự tích thần Nại Tử để gán cho ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc là người họ Dương (tr.72-73).
Xin nói thẳng, thần tích không thể coi là tư liệu sử học.
Tóm lại, việc một dòng họ biên soạn sử liệu về họ tộc của mình là điều rất đáng quý, đáng tôn trọng, nhưng để xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi ra thị trường, cần phải được thẩm định hết sức nghiêm túc trước khi cấp phép.
|
Trao đổi với PV, ông Trần Đoàn Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới bày tỏ: “Lúc đầu, khi biên tập, tôi đã phát hiện, đã gạch bỏ và yêu cầu sửa chữa. Khi chuyển bản thảo cho dòng họ thì họ cứ bảo đây là tư liệu của dòng họ thì dòng họ sử dụng. Tôi có hỏi tư liệu gia phả viết từ khi nào? Họ nói gia phả từ thời Lý viết. Tôi nói không thể tin được. Đấy là truyền thuyết của dòng họ Dương thôi (...). Bây giờ để thẩm định thì phải có Hội đồng nhưng vì họ không làm sách giáo khoa thì đấy là sách của dòng họ Dương”.
“Tình trạng diễn giải, suy đoán lịch sử một cách tùy tiện, vô căn cứ đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng, gây bức xúc trong dư luận, tạo nhiều nguy cơ với hệ lụy khó lường. Đây là hiện tượng tiêu cực cần phải kịp thời ngăn chặn để bảo đảm niềm tin trong xã hội, lấy lại sự lành mạnh cho môi trường nghiên cứu học thuật và niềm tin của cộng đồng”.
TS.Ngô Vương Anh
|
Về những sai sót liên quan đến các danh nhân Dương Đức Hiền, Dương Quốc Chính, ông Trần Đoàn Lâm phân trần: “Nhà xuất bản làm sao biết được những sai sót trong dòng họ Dương. Họ Dương phải chịu trách nhiệm hết toàn bộ việc đó. Còn Nhà xuất bản không thể đi tìm từng nhân vật, đấy là bất khả”.
Bình luận (0)