Miền tây Sumatra gần như tương đồng với hòn đảo Malaysia bởi không chỉ na ná nhau về những trang trại cọ dầu hay cao su xanh ngút ngàn mà còn là sự giao thoa văn hóa của các tộc người Indonesia, Malaysia, Trung Hoa và Ấn Độ đang sinh sống. Vì thế, ẩm thực ở đây cũng mang hương vị đa sắc.
tin liên quan
Món ngon dễ làm: Cá kèo kho rau răm đậm đà bữa quê giữa thị thànhNhững ngày trời chuyển lạnh, chợt thèm món cá kèo kho rau răm ăn với cơm nóng. Đậm đà bắt cơm không tả nổi. Hãy cùng "Món ngon dễ làm" kỳ này thực hiện món ăn dân dã đặc trưng hương vị miền Nam này nhé.
Cơm Lontong cùng cà ri xanh Buncis
Khác với những người Indonesia trên các hòn đảo khác yêu thích món cơm chiên (Nasi Goreng) màu nâu tím, người Padang lại chuộng món cơm truyền thống Lontong cho bữa ăn sáng. Tôi cũng yêu món cơm ấy mỗi ngày và luôn bỏ cữ ăn sáng miễn phí theo thực đơn phương Tây trong nhà nghỉ Havilla. Món cơm Lontong mềm và tan chảy như những hạt đậu xanh quết nhuyễn khi đưa vào miệng.
Chị chủ quán bập bẹ tiếng Anh giải thích cách nấu món cơm Lontong công phu đến thế nào. Gạo thơm được nấu cháo để các hạt gạo nở mềm đồng đều. Bòng cháo để lấy lại những hạt cơm màu trắng và gói vào lá chuối hấp lại lần nữa. Việc hấp lần hai làm các hạt gạo bám dính vào nhau tạo thành một khối cơm dẻo. Lontong có màu xanh đẹp của lá chuối được cắt thành dạng hạt lựu to.
|
|
Chỉ có một ít rau muống, giá đỗ luộc, những chiếc bánh phồng tôm Krupuk bóp vụn và chan nước cà ri vào đĩa cơm Lontong mà tôi nghiện đến mức thường dùng 2 phần trong bữa ăn sáng. Người Padang có 4 loại cà ri ăn kèm với cơm Lontong.
Nếu yêu thích hương vị cay nồng gần gũi với người Mã Lai hoặc người Ấn, thì bạn yêu cầu cà ri xanh Pakis hoặc cà ri vàng Nangka. Còn tôi thì thích cà ri xanh Buncis và cà ri nâu Pical với hương vị nhẹ nhàng beo béo nước cốt dừa rất gần gũi với người Việt. Người Padang thường sử dụng đậu que hoặc đậu đũa để nấu Buncis và dùng hỗn hợp đậu nành cùng đậu xanh xay nhuyễn để nấu món cà ri Pical.
|
Masakan Padang - buổi tiệc buffet thịnh soạn
Người Indonesia có câu nói cửa miệng: “Muốn ăn một miếng thịt Halah đúng nghĩa của người Hồi giáo thì nên tìm đến Padang”. Cho đến khi được thử qua món Masakan Padang theo hướng dẫn của người địa phương, tôi mới biết rằng Padang là quê hương của tộc người Minang với khoảng 4,5 triệu người sinh sống và nghiêm túc thực hiện các giáo lý quy định của người Hồi giáo.
Gọi Masakan Padang là một bữa tiệc buffet không sai tí nào bởi có hơn 30 món được múc ra sẵn và bày biện trong các quầy hàng. Việc tính tiền một bữa ăn được dựa trên số đĩa và loại thức ăn nào được người mua sử dụng. Theo khuyến cáo từ cô chủ bán hàng, để chọn các món dễ ăn nhưng cũng đặc trưng nhất tôi thử qua món Rendang Sapi, Soto Padang, Ayam Pop và Sate.
Rendang Sabi là thịt bò nấu cà ri nhưng được đun cạn để tạo nước xốt sền sệt màu vàng ươm bắt mắt, Soto Padang là loại súp thịt bò nấu cùng các loại gia vị, Ayam Pop là những miếng gà rán trong dầu ngô và Sate là món cà ri bò. Hương vị của các món ăn rất ngon, khá nhẹ mùi gia vị của người Ấn. Tôi kết nhất món Rendang Sabi và đến khi quay lại khách sạn tôi mới hiểu được ý nghĩa của món ăn cổ truyền đặc biệt này của người Minang.
Gọi là đặc biệt bởi Rendang chỉ được nấu phục vụ trong lễ cổ truyền, đám cưới hay lễ Thánh Hari Raya hoặc lễ Thánh Eid al Adha. Hiểu được ý nghĩa của từng nguyên liệu được dùng tạo nên món Rendang mới thấy món ăn thấm đẫm văn hóa bởi đó chính là thể hiện cấp tầng trong xã hội của người Minang. Người Padang có thể sử dụng bất cứ nguồn thực phẩm động - thực vật gì có trên hòn đảo để nấu, kể cả lục phủ ngũ tạng các loại động vật. Có ít nhất 20 loại Rendang trên hòn đảo Sumatra như bò, gà, hoa chuối, trứng, khoai tây, tàu hũ, tempeh, lươn… Tuy nhiên, những miếng thịt được nấu món Rendang đúng nghĩa là thịt Halah của người Hồi giáo.
|
|
Miếng thịt tượng trưng cho những người lãnh đạo, tầng lớp giàu có, người lớn tuổi trong xã hội người Minang được gọi là Datuk; nước cốt dừa đại diện cho tầng lớp trí thức bao gồm giới nghệ sĩ, hội họa, nhà văn hay nhà thơ gọi là Cadiak Pandai; những quả ớt là hình ảnh của những vị thầy tu và độ cay của ớt là giáo lý của bộ luật Hồi giáo khắc nghiệt Sharia; hỗn hợp gia vị hay Pemasak là thành phần còn lại trong xã hội. Để tạo thành hỗn hợp gia vị ướp những miếng thịt bò thái miếng vuông to, người Padang sử dụng tỏi, ớt, củ hành tím, gừng, gừng xanh, bột nghệ và hạt nhục đậu khấu. Gừng xanh là loại gừng có màu xanh tím nhạt chỉ mọc trên vùng núi cao Minangkabau trên đảo Sumatra.
Cách nấu như nhau nhưng người sành ăn Padang lại chia món Rendang làm ba dạng tùy thuộc vào gia vị và cách làm sệt nước cốt dừa. Người miền đông Sumatra thích ăn Rendang trong khi người miền tây Sumatra lại yêu chuộng Gulai và Kalio. Hỗn hợp gia vị để tạo Gulai và Kalio sử dụng ít ớt và nhiều bột nghệ trong khi Rendang thì ngược lại.
Gulai được đun trên lửa nhỏ khi nước xốt chuyển qua màu vàng nhạt là đạt yêu cầu trong khi Kalio phải đun liu riu cho đến khi nước xốt có màu nâu. Rendang được xem là đạt chuẩn khi nước xốt có màu nâu đen đậm. Rendang, Gulai hay Kalio thường được ăn kèm với cơm trắng, tuy nhiên gần đây người Padang lại thích ăn cùng những sợi mì vàng.
Tôi thử qua tô mì Rendang với hương vị rất ngon, không khác mấy so với món hủ tíu bò kho của người Việt. Nghe nói trong Thế chiến thứ hai, những người lính Nhật bị nghiện món Rendang khi đặt chân đến hòn đảo Sumatra. Họ đã mang hương vị món ăn Rendang nức tiếng về xứ Phù Tang để sau này trở thành món ăn phổ biến có mặt trong bất cứ nhà hàng nào ở Nhật.
Bình luận (0)