Những tượng đài đã mất: Đội đầu tiên ở phía nam lên ngôi số 1

10/02/2015 07:02 GMT+7

Sau năm 1975, dù đã sớm có hoạt động bóng chuyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhưng phải đợi đến năm 1987 TP.HCM mới lần đầu tiên có đội bóng đoạt ngôi vô địch giải toàn quốc. Đó chính là đội Công nhân hóa chất.

Sau năm 1975, dù đã sớm có hoạt động bóng chuyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhưng phải đợi đến năm 1987 TP.HCM mới lần đầu tiên có đội bóng đoạt ngôi vô địch giải toàn quốc. Đó chính là đội Công nhân hóa chất.

 

Nhiều trận thắng đáng tự hào

Nói đến Công nhân hóa chất (CNHC), giới hâm mộ luôn tự hào về truyền thống lẫy lừng trong hoạt động thể thao của đơn vị này, từ đội bóng đá với những cái tên như Tiết Anh, Võ Bá Hùng, Huỳnh Văn Chiến, Trương Văn Tư (Tư béo), đến đội xe đạp với những “thần mã” Trần Hùng, Trần Văn Hoàng, Trần Văn Ẩn... Nhưng thành công nhất chính là đội bóng chuyền mà nổi bật là bộ đôi Trương Hữu Vinh - Cao Xuân Thái đã góp công lớn giành ngôi vô địch quốc gia đầu tiên cho TP.HCM.

Thành lập năm 1978 và luôn là ngọn cờ đầu của bóng chuyền phía nam trong gần 10 năm liền, nhưng CNHC cũng phải trầy trật một thời gian vì khi đó các đội phía bắc, đặc biệt là CLB Quân đội, rất mạnh. Đội CNHC tuy không quá ngán CLB Quân đội hay Quân đoàn 4, Bưu điện Hà Nội, nhưng để lật đổ các đội này không hề dễ dàng, một phần do lớp cầu thủ trụ cột như Trương Văn Chín, Lê Công Tâm, Lã Đình Dũng... lớn tuổi, phần khác số trẻ lại chưa đủ độ “chín” nên vẫn chưa lần nào bước lên được vị trí cao nhất. Còn nhớ ở giải VĐQG năm 1983, tại nhà thi đấu nhỏ của sân Phan Đình Phùng (hiện nay là sân tập các môn võ cạnh nhà thi đấu lớn), hàng ngàn người hâm mộ đã chen lấn chứng kiến và sau đó đã bật khóc vì quá hạnh phúc khi CNHC với sự kết hợp của các VĐV lớn tuổi (Chính, Tâm, Dũng) và các VĐV trẻ (Vinh, Thái, Kiên, Quốc) có trận thắng lịch sử 3-0 trước CLB Quân đội (khi đó có các VĐV Tuấn Mạnh, Quang Ngọc, Công Hưng) đang rất mạnh. Dù đây chỉ là trận đấu ở vòng bảng, nhưng thời điểm đó với người hâm mộ phía nam, thắng được CLB Quân đội xem như đã “vô địch trong lòng công chúng”. Chỉ tiếc là ở trận bán kết sau đó vài ngày, CNHC đã thất bại trước Cơ khí luyện kim trên sân đấu Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM). Sau đó, chính đội CLB Quân đội lại thắng Cơ khí luyện kim ở trận chung kết.

Phải đợi đến 4 năm sau, khi lực lượng đã đủ độ chín với thành phần mạnh mẽ hơn gồm Trương Hữu Vinh, Cao Xuân Thái, Lê Văn Phước, Nguyễn Trung Kiên, Lê Minh Quốc, Mai Ngọc Dũng, CNHC mới có dịp thành công khi thắng CLB Quân đội 3-1 ở bán kết và đánh bại Xí nghiệp in số 2 với các VĐV xuất sắc như Huỳnh Thúc Phong, Nguyễn Bá Nghị, Trần Hùng... 3-2 ở trận chung kết để giành ngôi vô địch QG.

 Tan hàng vì... thiếu tiền

Thời đó, CNHC lên ngôi nhờ đội hình đồng đều, lối đánh đa dạng, một vài vị trí khi đó đảm nhận được nhiều nhiệm vụ trên sân, như Trương Hữu Vinh vừa chuyền 2 vừa tấn công hay Lê Văn Phước (đầu quân từ Quân khu 7) cũng có lối chơi tương tự. Dù khi đó tính chuyên môn hóa chưa cao, nhưng nhờ sự linh hoạt này cùng với dàn chắn quá xuất sắc do Minh Quốc (cao 1,90 m), Trung Kiên, Xuân Thái đảm nhiệm, CNHC vẫn vững vàng thể hiện sức bật và phong độ tuyệt vời. Chính phong cách chơi máu lửa đó đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ cho bóng chuyền TP.HCM. Bấy giờ nhiều người rất “mê” xem CNHC thi đấu, xếp hàng rồng rắn để được vào sân, tận mắt chứng kiến dàn sao của đội bóng này, đặc biệt là nét tài hoa của Cao Xuân Thái với những quả đánh chồng tầm thấp cực kỳ hiệu quả.

 Nhưng cũng như nhiều đội bóng quốc doanh khác khi xóa bao cấp vào cuối thập niên 1980, đội bóng chuyền CNHC không thể sống dựa vào nguồn ngân sách của công ty. Một thời gian đội phải chật vật thi đấu vì không còn kinh phí để hoạt động. Cuối năm 1989, sau nhiều lần “cân lên đặt xuống”, lãnh đạo đơn vị này đã phải ngậm ngùi giải tán tiếp đội bóng chuyền tiếp sau các đội bóng đá, xe đạp... Lúc đó, hai VĐV giỏi của CNHC là Trương Hữu Vinh và Cao Xuân Thái phải chuyển về đội Dệt Thành Công và còn trụ tiếp một thời gian, đặc biệt sau này Hữu Vinh vẫn còn có thời gian thi đấu khi anh đã ngoài 40 tuổi. Hiện nay, những cái tên trong đội hình chính của CNHC đăng quang năm 1987 có Trung Kiên, Xuân Thái, Minh Quốc đang định cư ở nước ngoài, Hữu Vinh làm HLV cho đội Maseco (TP.HCM), còn Ngọc Dũng là Trưởng khoa Giáo dục thể chất của Đại học Sài Gòn.  

Nhựt Quang

>> Những tượng đài đã mất: Ngọn cờ đầu của bóng chuyền Việt Nam
>> Những tượng đài đã mất: Màu trắng tinh khôi của Cảng Sài Gòn
>> Những tượng đài đã mất: Có một thời bóng chuyền Dệt Thành Công
>> Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệp
>> Những tượng đài đã mất: Công nghiệp Hà Nam Ninh vang bóng một thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.