Từ năm 1987, trong 10 đội bóng chuyền A1 toàn quốc bấy giờ, có lúc TP.HCM chiếm đến một nửa, nhiều mùa cả 3 hạng đầu quốc gia đều của TP này. Góp phần vào thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của tập thể đội Dệt Thành Công.
|
Thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, bóng chuyền TP.HCM ở thời hoàng kim khi một loạt các đội bóng như Công nhân Hóa chất, Cơ khí luyện kim, Xí nghiệp in 2, Dệt Thành Công (Dệt TC), Seaprodex, Công an TP.HCM.. đã thi đấu rất hay với dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng. Trong suốt 12 mùa bóng, TP.HCM đăng quang đến 11 lần, chỉ một lần rơi vào tay đội Vĩnh Long năm 1996. Những năm đó, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng gần như chật kín khán giả hâm mộ. Nhiều trận đấu kéo dài đến gần nửa đêm (như trận chung kết đội mạnh toàn quốc 1995), rất đông khán giả vẫn ở lại cổ vũ với khí thế hừng hực.
Đi lên từ xã hội hóa thể thao
Xuất phát từ bóng chuyền phong trào của đơn vị cơ sở, đội Dệt TC tham gia thi đấu hạng A2 toàn quốc. Năm 1987, do đội Xí nghiệp in 2 giải thể, các VĐV Thúc Phong, Bá Nghị, Trần Hùng… chuyển đến gia nhập làm cho đội mạnh hơn và được đặc cách lên thi đấu hạng A1. Đến năm 1990, khi đội Công nhân Hóa chất giải thể, đội được nhận tiếp các VĐV chuyên môn cao như “chuyền hai hay nhất VN” Trương Hữu Vinh, “mũi tấn công” Cao Xuân Thái, “quả tay trái” Đào Thanh Hùng, một số VĐV từ lò Năng khiếu Nghiệp vụ của TP.HCM. Được sự dẫn dắt của các HLV giỏi như Nguyễn Xuân Dung và Nguyễn Thành Lâm, đội mạnh dần lên và tạo được nhiều thành tích tốt như nhiều lần vô địch giải A1 TP.HCM, đoạt HCĐ giải toàn quốc, nhiều VĐV của đội vào đội tuyển quốc gia.
Với lối chơi biến hóa, phong độ ổn định, Dệt TC nhanh chóng lọt vào nhóm các đội mạnh quốc gia, với nhiều thành tích đỉnh cao như: HCĐ năm 1992, HCB các năm 1993 - 1994 - 1996 và năm 1995 vượt qua các tượng đài Quân đoàn 4, Thể Công, Seaprodex… để đoạt HCV quốc gia. Ông Trần Văn Nghĩa - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM (1993 - 2000) nhận xét: “Dệt TC là đơn vị đầu tiên của TP.HCM làm rất tốt công tác xã hội hóa thể thao. Lúc đó, công ty này không những vận hành tốt cả trên mặt trận chính là kinh tế mà còn đứng ra lo toàn bộ kinh phí hoạt động và phát triển ở các lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất là đội bóng chuyền”.
Thật ra, lực lượng Dệt TC không mạnh hơn các đội khác, nhưng đây là một tập thể được sự quan tâm và quản lý rất tốt từ lãnh đạo đội bóng, đặc biệt là Tổng giám đốc Đinh Công Hùng. Bản thân HLV Huỳnh Thúc Phong (giai đoạn 1993 - 1996) trưởng thành từ VĐV của đội là người biết kết hợp khéo léo khả năng các VĐV trẻ như: Thái Bình, Quốc Bảo, Văn Triều, Đức Hoạt… với 2 lão tướng Trương Hữu Vinh, Cao Xuân Thái để tăng thêm sức mạnh của đội bóng. Chuyền hai Trương Hữu Vinh nhớ lại: “Chính nhờ tâm huyết cũng như cách làm việc rất nghiêm túc của lãnh đạo công ty và các HLV nên các lớp VĐV của đội luôn đoàn kết, giữ gìn sức khỏe, có lối sống nghiêm túc, tập luyện chăm chỉ, đã ra sân là “cháy” hết mình, luôn thi đấu ấn tượng để tạo nên thành tích cho đội”.
Thiếu chiến lược
Nhưng đỉnh cao của đội cũng chỉ vài năm, đến mùa bóng 1997, hoạt động kinh tế của nhiều công ty bắt đầu khó khăn, công tác đào tạo trẻ của bóng chuyền TP.HCM có phần hụt hẫng. Trong năm đó, đội bóng chuyền Seaprodex lừng lẫy một thời đã bị giải thể, tiếp theo đến lượt đội Công an TP.HCM xuống hạng và đến năm 2000 khi Dệt TC xóa tên thì thời hoàng kim của bóng chuyền nam TP.HCM xem như không còn.
Nhớ lại việc này, chỉ đạo viên Nguyễn Văn Vui tiếc rẻ: “Đội Dệt TC tồn tại hơn 10 năm nên khi phải giải thể chúng tôi rất buồn. Nhưng quả thật, lực lượng VĐV cạn kiệt quá, dù lãnh đạo công ty vẫn quan tâm nhưng nhiều VĐV lớn tuổi mà không có lớp trẻ thay thế xứng tầm nên năm 1999 phải xuống hạng. Năm 2000, công ty đề nghị Sở TDTT tiếp nhận đội bóng nhưng cũng không được nên buộc lòng phải buông”. Theo HLV Huỳnh Thúc Phong, nguyên nhân chính là lúc đó thiếu chiến lược phù hợp từ đơn vị quản lý ngành TDTT, thiếu các nhà quản lý và các nhà chuyên môn giỏi tâm huyết với nghề nghiệp, từ đó dẫn đến thiếu sự ủng hộ của người hâm mộ và các nhà tài trợ… Đội bóng rơi vào thế bế tắc và cuối cùng không thể tồn tại. Bóng chuyền TP.HCM rơi vào vị đắng và giờ đây vẫn chưa thể bật lên được.
Nhựt Quang
>> Những tượng đài đã mất: Màu trắng tinh khôi của Cảng Sài Gòn
>> Những tượng đài đã mất: Công nghiệp Hà Nam Ninh vang bóng một thời
>> Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệp
>> Những tượng đài đã mất: Thể Công - Khúc quân hành huyền thoại
>> Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan
>> Những tượng đài đã mất: 'Voi vàng miền biển' Cảng Hải Phòng
>> Những tượng đài đã mất: Đường sắt Việt Nam đi vào lịch sử
Bình luận (0)