Nói đến cái tên “Công nghiệp Hà Nam Ninh” là nói đến sự tự hào về một đội bóng của ngành công nghiệp, của những người công nhân, và chức vô địch năm 1985.
Cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn - Ảnh: Tư liệu |
Một đội bóng nghèo và đầy lòng quả cảm
“Cứ nhắc đến Công nghiệp Hà Nam Ninh là người ta nhớ về một đội bóng nghèo, một đội bóng của những người công nhân, chơi đẹp và chơi kỹ thuật. Nhắc đến đội bóng này là nhắc về chức vô địch lịch sử năm 1985. Một mùa giải mà chúng tôi bất bại, không thua một trận đấu nào, khi thời gian đó sở hữu một dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng…”, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn bùi ngùi nhắc lại ký ức của 30 năm trước. Tiền thân của đội bóng ban đầu là Thủ công nghiệp Nam Định, chuyển thành đội Thanh niên Nam Hà rồi đến năm 1982 thăng hạng thì đổi tên thành Công nghiệp Hà Nam Ninh. Đa phần các cầu thủ đi lên từ bóng đá phong trào, chơi bóng với thu nhập ít ỏi, nhưng mỗi lần vào sân là đều xác định phải chơi đẹp, đá hết mình, đá bằng sự nhiệt tình và lòng quả cảm.
Bắt đầu đá ở hạng cao nhất mùa giải 1983, nhưng chỉ sau hai mùa đội đã nhảy vọt từ chỗ không được ai đánh giá cao thoáng chốc trở thành tên tuổi lớn của bóng đá nước nhà. Dẫn dắt đội lên ngôi vô địch khi đó là HLV Lâm Ngọc Lập, một HLV rất “dị”, người duy nhất vô địch quốc gia (VĐQG) cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ. Sau này ông Lập nhận lời giúp đỡ đội bóng nữ Than Quảng Ninh và dẫn dắt đội đoạt chức VĐQG. “Chiếc Cup VĐQG năm 1985 giờ ông Lập vẫn giữ trong nhà, nhất quyết không giao kỷ vật vô giá này cho ai”, ông Mẫn nói.
Thời điểm đó, đội bóng có Trần Trọng Nghĩa đá biên phải, Đặng Gia Mẫn đá biên trái, chơi ở vị trí tiền đạo cắm là Nguyễn Văn Dũng (anh trai HLV Nguyễn Văn Sỹ). Nguyễn Văn Dũng tuy không phải mẫu tiền đạo có sức càn lướt khỏe nhưng nhanh nhẹn và rất biết “đánh hơi” bàn thắng, liên tiếp giành giải Vua phá lưới giải VĐQG trong 3 năm 1984 (15 bàn/16 trận), 1985 (15 bàn/15 trận) và 1986 (12 bàn/11 trận). Ngoài ra, trong đội hình còn có Nguyễn Hưng Thái (hiện đang là Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định), thủ thành Vũ Văn Chung, hậu vệ Nguyễn Văn Xám...
Chức vô địch mùa giải năm 1985 còn được nhớ đến khi nó gắn với một sự cố lùm xùm về dàn xếp tỷ số giữa Công an Hà Nội và Thể Công để cùng vào bán kết loại Cảng Sài Gòn ở bảng B, sau đó Tổng cục Thể dục thể thao đã yêu cầu cả Thể Công và Công an Hà Nội rút lui. Hai đội bảng A vào chung kết và Công nghiệp Hà Nam Ninh đã đánh bại Sở Công nghiệp TP.HCM 3-1 để lên ngôi. Ông Mẫn nhớ lại, đó là trận chung kết máu lửa vì Sở Công nghiệp khi đó rất mạnh, nhưng các cầu thủ phía ông đã chơi đầy quả cảm, tấn công không biết mệt mỏi để cuối cùng giành chiến thắng xứng đáng.
Không duy trì được lâu
Chỉ một chức vô địch, tên tuổi của bóng đá thành Nam đã nổi như cồn và nhiều cầu thủ của đội cũng phần nào “đổi đời” khi được ca tụng bước ra từ bóng tối. Thế nhưng đội lại chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi. Theo cựu danh thủ Nguyễn Văn Dũng thì nguyên nhân đầu tiên vẫn là tiền. Niềm đam mê thì cả đội có thừa nhưng đúng là khi nhà máy phải nuôi cầu thủ hết ngày này qua tháng nọ chỉ để thi đấu thì đó là gánh nặng cho tất cả các công ty thời bao cấp. Chính vì thế sau hai mùa giải VĐQG tiếp theo vẫn duy trì phần nào phong độ thì đến năm 1988 đội bóng buộc phải giải tán. Các cầu thủ đều buồn bã, tứ tán mỗi người một phương, người tiếp tục theo đuổi bóng đá, người đi làm việc khác.
Sau này bóng đá Hà Nam Ninh còn đội Dệt Nam Định thi đấu, nhưng dù vẫn có vài cầu thủ cũ với nỗ lực tìm lại vinh quang xưa nhưng thế hệ kế thừa dù đã hoạt động mỏi gối vẫn không thể giúp bóng đá thành Nam bật lên được. Buồn hơn nữa là trong khi các tượng đài khác của bóng đá VN cố gắng lập đội lão tướng để duy trì lại tên gọi cũ của mình và tập hợp lại mọi người để “ôn cố tri tân” thì Công nghiệp Hà Nam Ninh ngày xưa là một đội bóng nghèo, giờ cũng vẫn cứ nghèo. Ông Đặng Gia Mẫn nói: “Đội mình không tập hợp được quân, không có nhà tài trợ, nên cũng không lập được đội lão tướng. Quân cũ của đội, có người cuộc sống bình thường, ổn định, cũng có người từ ngày đội giải thể lang bạt nhiều nơi, làm nhiều nghề, rồi thì cũng có nhiều người thất nghiệp, khó khăn, bất ổn, trắng tay… Nghĩ về cái tên cũ, nghĩ về một thời đam mê đầy nhiệt huyết, rồi nghĩ về đồng đội bây giờ, lòng mình buồn lắm…”.
Trần Minh
>> Những tượng đài đã mất: Đội bóng tài hoa Sở Công nghiệp
>> Những tượng đài đã mất: Thể Công - Khúc quân hành huyền thoại
>> Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan
>> Những tượng đài đã mất: 'Voi vàng miền biển' Cảng Hải Phòng
>> Những tượng đài đã mất: Đường sắt Việt Nam đi vào lịch sử
Bình luận (0)