Khoảng mười năm trước, hầu hết những đứa trẻ đi thi đại học đều được bố mẹ định hướng vào kinh tế, bác sĩ, kỹ sư xây dựng, bách khoa. Lúc ấy, nhiều em học sinh đã “bứt rào” bằng cách lên báo kể về nỗi khổ của một đứa con phải chạy đua với... mơ ước của cha mẹ. Để đáp lại việc đó, nhiều phụ huynh nói: “Thi họa sĩ, âm nhạc rồi biết lấy gì ăn!”
|
>> Loay hoay vào đời vì thi đại học theo ước mơ của cha mẹ
Khi cuộc sống nghèo khổ
Mười năm sau, người ta lại chứng kiến một làn sóng kì quặc khác, nhiều người đã tốt nghiệp đại học chẳng còn chút gì mặn mà với đại học nữa, mà giờ ai cũng phải đi học thạc sĩ. Một chị nói: “Giờ học thạc sĩ xong lương mới cao, chứ lương đại học bèo lắm”. Nhiều người, vì mức lương sẽ tăng từ 5 triệu lên 6 triệu sẵn sàng bỏ hai năm trời đi học thạc sĩ, dù không hề biết thạc sĩ liệu sẽ làm gì với cái nghề mình đang làm - Vậy cuối cùng, cái đích mà tất cả những bậc phụ huynh và cả người học hướng tới là gì? - CHỈ LÀ TIỀN
Có một thời dĩ vãng người ta vật lộn với từng miếng ăn, khổ cực trăm bề. Lúc ấy, nhìn lên chỉ thấy kỹ sư bác sĩ là ngon lành, nhìn xuống chỉ thấy nông dân cắm đầu xuống ruộng, làm một ngày mười mấy tiếng đến hết mùa cũng không đủ ăn. Cái sự khổ cực của một xã hội nghèo biến các ước mơ của người ta cũng trở nên nghèo nàn và đơn giản vô cùng, là có được tiền để trang trải cho cuộc sống khốn khổ.
Rồi tới tận lúc đã đi qua cái nghèo đó cả 20 năm, thứ duy nhất những phụ huynh già ấy còn giữ trong mình vẫn là tiền. Họ kể cho con cái nghe về những người bạn làm bác sĩ đã giàu có. Họ kể về những người thân quen đã trở thành ông to bà lớn nhờ làm chủ tịch, làm kế toán trưởng. Và họ muốn con cái của mình - một thế hệ sắp xây ra những cuộc đời mới - cũng chỉ là những đứa trẻ có ước mơ duy nhất LÀ TIỀN.
|
Có bao nhiêu thạc sĩ đang ngồi trong môi trường cao học thực sự biết cái họ đang học là để chuẩn bị bước đầu để họ trở thành những nhà nghiên cứu - chứ không phải vì cái bằng thạc sĩ sẽ khiến họ có lương cao hơn và được thăng chức? Có bao nhiêu sinh viên đi học ngành y tế, xây dựng hiểu rằng ngành của mình là để cứu người và xây nhà đẹp rồi mới được trả nhiều tiền - chứ không phải là làm nghề này chắc chắn sẽ ra nhiều tiền trước hết?
Những phụ huynh nghèo khổ trong một thế giới nghèo khổ, quá đỗi nhọc nhằn đã trở thành người đầu tiên gieo những hạt mầm hạn hẹp và quá đơn giản vào con đường tương lai của chính con cái mình. Thậm chí có người từng lên báo khoe rằng con tôi tuy làm chăn bò nhưng vẫn giàu. Tại sao không ai khoe rằng con tôi tuy làm chăn bò nhưng rất yêu công việc với gia súc, rất ham thích nghề nông, nó muốn cải tiến chuyện chăm sóc và nuôi bò? - Bởi vì cuối cùng, tất cả những ước mơ mà các bố mẹ ấy muốn thể hiện ra là: “Con tôi đã giàu” chứ không phải là “Con tôi rất hạnh phúc với việc cháu làm” .
... và những đứa trẻ cô đơn
Trong 12 năm đi học, có rất nhiều em học sinh đã vô tình phát hiện ra ước mơ thực sự của mình, có khi là những ước mơ rất lạ lùng, đơn giản hoặc nghe đầy vẻ hão huyền. Em muốn đi làm phim. Em muốn có một garage chuyên độ motor. Em muốn làm một người trồng nấm. Em muốn tìm hiểu về việc lai ghép hoa lan. Có hàng nghìn ước mơ như vậy, với những nghề nghiệp mới và lạ lùng mà các em thấy được từ cuộc sống, từ giao tiếp hằng ngày, từ những thầy cô hoặc người lớn nào đó mà các em quen biết. Ấy vậy mà, đến lúc đưa bút viết vào hồ sơ thi đại học, các em lại đổ xô vào quản trị kinh doanh, vào kế toán, vào bác sĩ (dù nhiều em biết mình học không giỏi lắm), chỉ bởi vì nghe nói mấy nghề ấy an toàn, có việc làm.
Những mơ mộng rất thành thật ban đầu đã biến đi đâu mất? - Chúng bị triệt tiêu trong lời của thầy cô, trong những buổi tối rì rầm trò chuyện với cha mẹ. Cô giáo chỉ kể rằng có anh cựu học sinh giờ làm kiến trúc sư nên giàu lắm. Cha mẹ chỉ kể rằng hàng xóm nhà mình làm bác sĩ nên xây nhà 5 tầng. Bài học rỉ rả, đơn điệu, thực tế khiến cho đám trẻ mơ mộng tự ngồi dùng kéo xén bỏ bớt các họa tiết loè loẹt trong ước mơ của mình. Và chúng cho ra những hồ sơ thi đại học kinh tế, quản trị mà rất nhiều trong số các em biết nghề đó có nghĩa là làm gì. Bốn năm sau, khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, những “kinh tế”, “quản trị” ngày ấy đua nhau đi học giờ một lần nữa lại hoang mang không biết phải làm gì trước cuộc đời.
Cứ ngồi ở bất cứ đâu trên các diễn đàn, trong những tâm sự, có hàng nghìn đứa trẻ sau này là sinh viên năm ba, năm tư thú nhận rằng: “Lúc đó em đăng ký đại vì bạn rủ, cô giáo nói chứ có biết đâu nghề này không hợp!” - Rồi đứa sinh viên 22 tuổi đó (nếu can đảm) lại phải bơi lại từ đầu cái con đường nghề nghiệp, đi tìm và học đúng cái nghề hợp với sở trường và sự thích thú của mình. Đó là lúc bốn năm cha mẹ cơm gạo nuôi em hóa thành công cốc.
Đã đến lúc sự định hướng nghề nghiệp và chọn lựa tương lai cho các em không chỉ còn gói gọn trong các bài test khả năng của bạn (miễn phí trên mạng) hay những lời khuyên bâng quơ của bạn chung lớp, lời khuyên thực dụng của cô giáo hay đo đếm một ước mơ tương lai bằng số tiền kiếm được. Sự định hướng nghề nghiệp phải bắt nguồn từ chính trung tâm của giáo dục - là đứa trẻ sắp đi thi đại học kia. Không như 10 năm trước, cha mẹ có thể ép đâu con thi đấy nữa. Các phụ huynh cũng không thể đổ công việc ấy hoàn toàn cho những thầy cô ở trường, vì cuối cùng cha mẹ sẽ là người bỏ tiền nuôi con bốn năm đại học cơ mà. Đã đến lúc cha mẹ phải là những người nhìn thấy con mình qua nhiều năm tháng, thấy những ước mơ nhỏ dấy lên trong con và dần phác hoạ cho con mình thấy đâu là con đường nghề nghiệp mà bé muốn theo đuổi.
Nếu một đứa trẻ hỏi cha mẹ: “Nếu con muốn sau này sửa chữa, làm việc với máy móc của xe máy thì sao?” - thì đó là lúc cha nên dắt con mình đến một garage xe máy và cho con quan sát công việc của một người thợ sửa chữa hoặc độ xe máy, để đứa trẻ có thể hình dung được nếu sau này mình làm nghề này, mình sẽ tay chân lấm lem, sẽ được làm việc với máy móc, sẽ ở trong garage với hàng chục chiếc xe máy khác nhau mỗi ngày. Những hiểu biết đơn giản đó là nơi một đứa trẻ dần hình thành nên ước mơ của mình, tự biết rằng liệu sức mình có phù hợp với một công việc như vậy hay không hay mình có... nên đổi sang một việc mới.
Không phải mọi người ai cũng có thể trở nên giàu có đồ sộ, nhưng bất cứ ai nếu biết cách đều có thể thu xếp để cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng, hạnh phúc. Và để có thể trở nên hạnh phúc, một con người cần phải thấy vui vẻ khi làm công việc của mình mỗi ngày như một niềm yêu thích - không thì những năm tháng dài với người “bạn đời” công việc chỉ là một ác mộng kéo dài liên tiếp không hồi kết.
Cha mẹ đã đi qua rồi cái thời khổ sở, thắc thỏm vì không có miếng ăn, giờ chẳng lẽ nỡ để con cái cũng phải khổ sở vật lộn với chính cái ước mơ mà mình phải bỏ tiền ra mua cho con suốt 4 năm ròng đại học?
Duy Minh (*)
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là nhà báo, blogger đang sống và làm việc tại TP.HCM
>> Bài học chọn nghề vào đời
>> Nhát chổi đưa đường vào đại học
>> Vũ Khắc Trị: Thi rớt đại học vẫn thành công
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 2: Cứ đi sẽ tìm thấy đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 3: Những người không học đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 4: Rớt lần đầu, hãy thử nhảy vào 'trường đời
>> Tôi trượt đại học - Kỳ cuối: Năng lực có hơn bằng cấp ?
Bình luận (0)