Những ý tưởng vũ khí lạ kỳ của Churchill

06/12/2014 06:15 GMT+7

Những kế hoạch chế tạo vũ khí mang đậm màu sắc khoa học giả tưởng của Thủ tướng Anh Winston Churchill sẽ lần đầu tiên được trưng bày công khai.

Những ý tưởng vũ khí lạ kỳ của Churchill
Ảnh tái dựng ý tưởng tàu sân bay bằng băng - Ảnh: Illustrated London News 

Thế chiến 2 đã tạo điều kiện ra đời cho nhiều phát minh và cải tiến về vũ khí với tác động sâu rộng đến tận ngày nay. Vốn là tín đồ nhiệt thành của khoa học và công nghệ quân sự, Thủ tướng Anh Winston Churchill không thể đứng ngoài cuộc đua tìm kiếm các loại vũ khí mới để mang lại chiến thắng quyết định. Tuy nhiên, cái đầu nổi tiếng táo bạo của nhà lãnh đạo tài ba này đã mang tới những ý tưởng mà nhiều người cho là chỉ có thể tồn tại trong tâm trí của một “nhà bác học hơi điên”.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Churchill (24.1.1965 - 24.1.2015), Viện Bảo tàng khoa học quốc gia ở London chính thức mở cuộc triển lãm “Churchill: Khoa học trong thời chiến và thời bình” và lần đầu tiên mang đến công chúng cái nhìn chi tiết về các kế hoạch không tưởng của ông.  

Tàu sân bay bằng băng

Vào năm 1942, Thế chiến 2 bước vào giai đoạn cao trào và phe Đồng minh gần như bất lực trước sự tung hoành của đội tàu ngầm Đức tại Đại Tây Dương. Các hạm đội chở hàng tiếp tế từ Mỹ đến Anh liên tục bị nhấn chìm bởi những chiếc U-boat có hỏa lực cực kỳ lợi hại và hành tung “bí ẩn như ma quỷ”. Đứng ngồi không yên trước tình trạng trên, Churchill và nội các chiến tranh của ông quyết định tiến hành dự án biến khối băng khổng lồ thành một hàng không mẫu hạm không thể bị hủy diệt, theo tờ Daily Mail. Ý tưởng này đến từ khám phá của chuyên gia Geoffrey Pike rằng nếu trộn mạt cưa vào nước rồi cho đóng băng thì sẽ tạo được một loại vật liệu vô cùng cứng, có thể chịu được mọi loại va chạm và không bị tan chảy. Churchill rất phấn khích và tự ông đã lên phác thảo chi tiết về một lực lượng những tảng băng khổng lồ, có đầy đủ các khoang và đường băng như một tàu sân bay thứ thiệt, di chuyển bằng hơn 20 động cơ gắn dọc theo thân, và hầu như không bị sứt mẻ trước đạn pháo của kẻ thù. Thậm chí nếu bị thủng chỗ nào thì hoàn toàn có thể lấy băng trám ngay chỗ đó. Đội tàu sân bay đặc biệt này sẽ có nhiệm vụ bảo vệ tàu tiếp tế giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng như đóng vai trò chính trong các chiến dịch tấn công vào hệ thống cảng biển của phe Phát xít.

Theo thiết kế, con tàu băng dài khoảng 600 m, bề ngang 90 m, đủ sức chở 200 chiến đấu cơ Spitfire hoặc 100 máy bay ném bom Mosquito. Hàng chục chuyên gia và kỹ sư của Anh lẫn Mỹ và Canada ngày đêm “đục đẽo” theo kế hoạch và đến cuối năm 1943, một con tàu mẫu có độ choán nước 1.000 tấn đã ra đời ở hồ Patricia (Canada). Tuy nhiên, đến lúc đó, người ta mới nhận thấy sự không tưởng của dự án này khi con tàu quá chậm chạp, quá nặng nề và không binh sĩ hay thủy thủ nào có thể chiến đấu khi cứ liên tục run cầm cập chưa kể chi phí quá cao. Mặt khác, tình hình mặt trận Đại Tây Dương được cải thiện rõ rệt nhờ tiến bộ về tình báo và phá mật mã nên dự án tàu sân bay bằng băng nhanh chóng bị “xếp xó”. 

Không lôi và Bánh xe tử thần

Từng là Bộ trưởng Hải quân của Anh, Churchill cũng nung nấu ý tưởng mang ngư lôi từ dưới biển lên trên trời và thế là khái niệm không lôi ra đời. Theo tạp chí Forbes, thuật ngữ “không lôi” chỉ những khối chất nổ được treo lủng lẳng trên không bằng dù do máy bay thả theo hàng khi tiếp cận máy bay ném bom của Đức. Ý tưởng này phần nào chứng tỏ hiệu quả khi đánh rớt 6 chiến đấu cơ thiện chiến của không quân Đức trong giai đoạn phe Phát xít không kích cấp tập vào nước Anh từ tháng 9.1940 đến tháng 5.1941. Thế nhưng, uy lực của không lôi quá giới hạn trong khi loại vũ khí này lại thiếu ổn định và rất khó kiểm soát. Sự ra đời của radar đã giúp không quân Anh đối phó hiệu quả hơn với các đợt oanh tạc của Đức và chính thức “tống tiễn” không lôi.

Một loại vũ khí khác đến từ cái đầu của Thủ tướng Churchill không bao giờ vượt qua được giai đoạn thử nghiệm là Bánh xe tử thần. Đây vốn là một bánh xe khổng lồ gắn đầy chất nổ và được đẩy tới trước bằng các rốc két. Mục tiêu của dự án này là tạo ra công cụ hữu hiệu và ít thiệt hại tính mạng binh sĩ trong việc phá hủy các công sự phòng thủ của Đức. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm chứng tỏ Bánh xe tử thần lại đe dọa “quân ta” hơn là địch vì các rốc két liên tục bị lỏng ra và bay tán loạn, không thể kiểm soát, theo tạp chí Mandatory.

Thụy Miên

>> Tham vọng tấn công hạt nhân Liên Xô của Churchill
>> Thủ tướng Churchill sợ “đĩa bay”
>> Hơn 450 triệu đồng cho răng giả của Churchill
>> Người Anh thích tiền in hình Churchill 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.