Trong đó, Nghệ sĩ ưu tú Minh Vương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Lẽ ra đã phải được phong từ lâu
Nghệ sĩ Minh Vương đã gửi hồ sơ từ lâu, nhưng 3 lần xét duyệt trước đây ông đều bị trượt vì không đủ số phiếu đồng thuận trong hội đồng xét duyệt. Trong khi đó, những bạn diễn cùng thời với ông như Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu đều được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân (NSND) từ năm 2012. Đây là những tên tuổi sáng chói của nghệ thuật cải lương và được mệnh danh là “thế hệ vàng”. Do đó, nếu những nghệ sĩ kia được phong tặng mà những người như Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Thanh Kim Huệ lại không được duyệt xem ra cũng mủi lòng. Và nếu đã “đặc cách” cho Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, thì cũng nên “đặc cách” với các nghệ sĩ này mới hợp lẽ. Bởi tất cả đều không đủ số lượng huy chương vàng, huy chương bạc của các hội diễn như quy định đòi hỏi. Ai cũng biết tình hình cải lương giờ thay đổi, không phải ai cũng có cơ hội đi thi, tham dự hội diễn để có đủ huy chương.
Dù không đi thi, tham gia đủ các hội diễn, nhưng các nghệ sĩ này đều hoạt động rất sôi nổi, có mặt trong rất nhiều chương trình lớn nhỏ. Riêng Minh Vương đã 13 lần làm giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ và nhiều lần làm giám khảo giải Trần Hữu Trang, Bông lúa vàng. Các liveshow lớn cũng có mặt ông. Có thể nói Minh Vương vẫn đóng vai trò không nhỏ trong cải lương hiện nay. Như vậy, ông được phong NSND là xứng đáng, và lẽ ra đã phải được phong từ lâu rồi.
Trong đợt công nhận danh hiệu năm 2019, có 5 cá nhân được truy tặng danh hiệu NSND (trong số đó có nghệ sĩ cải lương Giang Châu) và 8 cá nhân được truy tặng danh hiệu NSƯT. Riêng nghệ sĩ cải lương được phong tặng danh hiệu NSND có Minh Vương và Thanh Tuấn.
Trinh Nguyễn
|
“Cảm ơn báo chí và khán giả đã lên tiếng giùm tôi”
Minh Vương chia sẻ: “Mấy năm qua nói thiệt là tôi cũng buồn. Tôi không phải ham hố danh vọng, bởi tên mình đã nằm trong lòng công chúng rồi. Nhưng buồn vì mình cảm giác những cống hiến ấy chưa được công nhận. Nghệ sĩ chúng tôi không chỉ hát hò cho vui, mà còn ý thức rằng văn hóa - văn nghệ xây dựng con người, xây dựng xã hội. Nhà nước xem trọng văn hóa, xem trọng nghệ sĩ nghĩa là động viên nghệ sĩ làm tốt nhiệm vụ hơn nữa. Mang một danh hiệu nào vào người thì càng phải cống hiến tử tế hơn”.
|
Bây giờ ông đã toại nguyện. Với tuổi đời 70, danh hiệu NSND là niềm an ủi rất lớn đối với ông. Ông mỉm cười: “Bạn bè và khán giả chúc mừng quá chừng. Tôi cảm ơn báo chí và khán giả trước kia đã lên tiếng giùm tôi, giờ không chỉ mình tôi vui mà mọi người cũng vui. Chắc sau này phải làm một chương trình nho nhỏ để tri ân nhân dân, vì chính nhân dân góp phần cho hạnh phúc của tôi hôm nay. Vậy mới là NSND chớ! Khán giả cứ kêu tôi làm liveshow hoài, nhưng tôi nay khỏe mai yếu, hơi lo. Thôi để sắp xếp một chương trình giản dị, không gọi là liveshow, mà chỉ là một sự đền đáp nghĩa tình”.
Thực tế, những gương mặt “cây đa cây đề” còn sót lại của cải lương hiện nay đều xứng đáng là NSND, bởi tài năng của họ không cần bàn cãi và hiện nay nhiều người vẫn miệt mài cống hiến, không rời sàn diễn. Nhưng cũng có một số người đã yếu, không chờ đợi thêm được. Thiết nghĩ đừng để họ ra đi như nghệ sĩ Giang Châu rồi mới được truy tặng danh hiệu NSND.
NSND Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1949 tại Cần Giuộc, Long An. Ông bắt đầu đi hát năm 14 tuổi và được đóng kép chính lúc 18 tuổi. Năm 1971, tên tuổi Minh Vương tỏa sáng, được nhiều hãng băng đĩa mời thu thanh và đóng phim. Ông từng thành lập Đoàn cải lương Việt Nam và là diễn viên của các Đoàn Sài Gòn, Văn công TP.HCM, Trần Hữu Trang...
NSND Minh Vương được khán giả yêu mến qua nhiều vở cải lương kinh điển như: Rạng ngọc Côn Sơn (vai Nguyễn Trãi), Tô Ánh Nguyệt (vai Minh), Nửa đời hương phấn (vai Tùng), Đời cô Lựu (vai Võ Minh Luân)... cùng hàng trăm ca khúc tân cổ, vọng cổ. Ông đã gặt hái nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có thể kể đến giải Khôi nguyên vọng cổ (1964), HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1990), giải Nam - Nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy do Báo Sân khấu TP.HCM tổ chức (1992), danh hiệu NSƯT (2007), Kỷ lục Guinness VN 2008 cho cặp đào - kép đóng chung lâu năm nhất cùng với Lệ Thủy, giải Mai vàng 2008 của Báo Người Lao Động... và mới đây là danh hiệu NSND (2019).
H.Kim
|
4 bất cập trong xét duyệt danh hiệu NSND
Thứ nhất, Nghị định 89 quy định yêu cầu nghệ sĩ phải có đủ số huy chương, giải thưởng của hội diễn. Tuy nhiên vì nhiều lý do, không phải nghệ sĩ nào cũng tham gia được các hội diễn. Vì vậy, họ sẽ rất thiệt thòi trong xét tặng danh hiệu.
Thứ hai, hồ sơ dự xét phải đạt được số phiếu 90% của hội đồng xét duyệt. Với số thành viên hội đồng 15 người, chỉ cần 2 người không đồng ý là hồ sơ bị gác lại. Nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội phía nam trượt danh hiệu NSND vì lý do này, trong đó có Minh Vương.
Thứ ba, nghệ sĩ cần có đủ thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét tặng hồ sơ. Trong khi đó, nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống phía nam nhiều người học truyền nghề và không qua trường lớp. Cải lương cũng là một môn nghệ thuật có nhiều nghệ sĩ như vậy.
Thứ tư, hội đồng xét hồ sơ nghệ sĩ của gần 20 môn nghệ thuật, việc xét duyệt lại chỉ dựa trên hồ sơ chuyển từ dưới lên. Danh sách và hồ sơ khoa học của các thành viên này không được công khai nên chất lượng hội đồng là một dấu hỏi.
Về việc sửa đổi nghị định để thay đổi những bất cập, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết muốn sửa đổi cần có văn bản đồng ý của Chính phủ về việc này. Thông thường, quy trình sửa nghị định sẽ mất khoảng 2 năm.
Trinh Nguyễn
|
Bình luận (0)