‘Nỗ lực ảo’ là gì mà sinh viên hay gặp phải?

19/10/2022 11:00 GMT+7

'Nỗ lực ảo' là khi sinh viên đặt ra rất nhiều mục tiêu cần làm nhưng lại dành thời gian lướt mạng xã hội , giải trí... thay vì bắt tay vào thực hiện hoặc luôn cho rằng mình bận rộn nhưng thực tế không làm việc gì.

Mua nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc

Từng rơi vào tình trạng "nỗ lực ảo", M.H (sinh viên năm 3, ngành quản lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: "Tôi đặt ra cho bản thân nhiều mục tiêu, công việc phải làm như tải nhiều tài liệu về máy tính nhưng không bao giờ mở ra học hoặc xem lại, lưu đầy đủ các bài viết hay nhưng không bao giờ áp dụng vào thực tế cuộc sống".

Nữ sinh viên cũng nói thêm, mỗi ngày đáng lẽ phải dành ra thời gian để đọc sách, quét dọn nhà cửa và làm bài tập nhưng thay vì bắt tay vào thực hiện thì bản thân lại dành thời gian để lướt mạng xã hội, đi chơi, xem phim hoặc nhắn tin.

Thay vì bắt tay vào thực hiện các mục tiêu đề ra hoặc luôn cho rằng mình bận rộn nhưng thực tế sinh viên không làm bất cứ việc gì

shutterstock

M.H tâm sự, cô bắt đầu cảm thấy sự bất thường khi mọi hoạt động đều trở nên trì trệ và không có mục tiêu nào đề ra được hoàn thành. Nữ sinh viên chia sẻ: “Tôi tự nhủ rằng mỗi tháng phải đọc xong một quyển sách, nhưng quyển nào cũng đọc dang dở hoặc mua rồi mà chưa đụng đến. Rồi tôi tự hứa với lòng sẽ chuẩn bị bài tập sớm nhưng gần đến hạn mới cuống cuồng làm".

Tương tự, B.N (sinh viên năm 3, ngành giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM) tâm sự bản thân đã "nỗ lực ảo" khi đặt mục tiêu cải thiện kết quả học tập.

"Mỗi ngày, tôi đặt mục tiêu đọc 10 trang sách, học 10 từ vựng tiếng Anh mới. Nhưng đến tối về, tôi chỉ chăm chú vào điện thoại, đôi khi tự đánh lừa bản thân rằng việc giải bài tập trên lớp đã là hoàn thành nhiệm vụ. Tôi còn nói với bạn bè rằng mình đang học bài, ôn bài nhưng thực tế là lướt xem điện thoại, trong 5 giờ thì thật sự tôi chỉ học trong vòng 1 giờ", B.N kể lại.

Nữ sinh viên này cho biết, bản thân đã có những suy nghĩ tiêu cực và trách móc bản thân khi nhận ra những cố gắng "ảo" đều mang lại kết quả “ảo”. "Vì thế, tôi đã tìm động lực bằng cách theo dõi những diễn giả truyền cảm hứng", B.N nói.

Trong khi đó, K.H (sinh viên năm 3 khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) lại gặp thực trạng này ở bạn đồng trang lứa khi làm việc nhóm. "Trong quá trình trao đổi, phân chia nhiệm vụ của các thành viên, có người luôn xung phong nhận việc, đảm bảo sẽ hoàn thành bài tập đầy đủ nhưng không làm hoặc chẳng làm tới đâu. Khi tới gần thời hạn nộp bài, họ sẽ tìm lý do để biện minh như có việc bận đột xuất, chuyện cá nhân cần phải giải quyết..."

"Tôi nghĩ tâm lý khi xung phong nhận việc khiến bản thân tự sinh ra cảm giác có trách nhiệm và tinh thần chủ động. Tuy nhiên, chính sự 'nỗ lực ảo' này sẽ gây ảnh hưởng đến nhóm rất nhiều vì các thành viên phải dồn hết tâm sức chạy bài còn thiếu vào phút chót trong khi ai cũng rất mệt mỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao", K.H nói.

Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu “được ghi nhận”

Trả lời với PV Thanh Niên, diễn giả Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng phòng đào tạo kỹ năng thuộc công ty cổ phần Finlife Việt Nam, cho biết "nỗ lực ảo" không chỉ xuất hiện ở sinh viên, mà còn ở rất nhiều nhóm người khác.

"Nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu được người khác đánh giá là mình đang bận rộn, đang rất cố gắng, trong khi thực tế hầu như chưa làm gì có giá trị", ông chia sẻ.

Ông Chiến nhận định, khi kéo dài tình trạng "nỗ lực ảo" có thể dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức, tư duy và khi không đạt được kết quả thì lại đổ lỗi cho những lý do khách quan. "Ảo tưởng và đổ lỗi là những thói quen rất xấu, không chỉ khiến ta kém trách nhiệm mà còn khiến ta nuông chiều bản thân hơn với câu nói phổ biến 'xem/đọc/chơi' nốt lần này thôi", diễn giả chia sẻ.

Đặt ra nhiều mục tiêu cùng lúc nhưng lại ngồi lướt web, chơi game

kỷ hương

Ông Chiến chỉ ra, điều kiện tiên quyết để phát hiện "nỗ lực ảo" là khi cá nhân tự nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá, nếu ta theo dõi một cách hời hợt hoặc viện cớ với những lý do “hợp lý” thì khó thể nhận ra. "Các dấu hiệu như luôn bận rộn, thức khuya, dậy sớm, đọc tài liệu, nghiên cứu kỹ nhưng kết quả lại thấp, thống kê thời gian dùng điện thoại, máy tính và các thiết bị khác trong ngày mà phần lớn thời gian là dùng để lướt web, chơi game, trả lời tin nhắn… thì bạn đang nỗ lực ảo", ông nói.

Diễn giả cũng chia sẻ các phương pháp để vượt qua tình trạng này như đo lường kết quả thực hiện công việc, áp dụng phương pháp theo dõi-thống kê để nhận diện các nguyên nhân dẫn đến "nỗ lực ảo". Các lý do cụ thể như “cả thèm chóng chán”, luôn muốn những thông tin mới, do thiếu mục tiêu từ đầu…

"Sau khi biết lý do nằm ở đâu, ta có thể vạch ra các phương pháp khắc phục như để điện thoại xa người, bật chế độ rung hoặc yên lặng để không bị phân tâm khi học tập, làm việc. Ta cần xác định mục tiêu và thời hạn hoàn thành trước khi bắt đầu một công việc hay hoạt động, cố gắng kiềm chế bản thân để không vội phân tâm trước những cuộc gọi, lời rủ rê của người khác xen ngang...", ông Chiến thông tin.

Ông cũng nói thêm, mọi thói quen muốn thay đổi đều cần thời gian và sự kiên trì. "Hành trình khắc phục, cải thiện 'nỗ lực ảo' cần sự quyết tâm và phải linh hoạt thay đổi phương pháp để phù hợp hơn qua từng ngày", diễn giả cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.