Hành trình khám phá bản thân
Không quên được cảm giác say sóng và vẫn chưa hết chếnh choáng sau hành trình, Nguyễn Hoàng An (25 tuổi, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) chia sẻ: “Có lẽ say sóng và phải khóc quá nhiều trong một ngày chính là trải nghiệm không thể nào quên. Sống lênh đênh giữa biển cả, mất liên lạc với đất liền giúp mình gắn kết, thấu hiểu và nhận được sự yêu thương rất nhiều từ bạn bè các nước. Từ những chia sẻ của họ, mình còn chiêm nghiệm được giá trị của việc biết lắng nghe và cởi mở trước những khác biệt”.
tin liên quan
Mang tết Việt, đám cưới Việt, cà phê Việt… lên tàu Thanh niên Đông Nam ÁĐối với Lê Phúc Duy An (22 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), đây là chuyến hành trình giúp Duy An hiểu bản thân nhiều hơn, nhận ra những thế mạnh và điểm yếu của mình.
“Điều tuyệt vời nhất là cơ hội được học tập và sống cùng môi trường với bạn bè đến từ 11 quốc gia. Bên cạnh những điểm chung, cũng có những tình huống “khó đỡ” khi gặp phải sự khác biệt trong văn hóa và tính cách. Từ đấy mình đã có dịp nhìn nhận, sửa đổi để phát triển bản thân”, Duy An tâm sự.
Điều quý giá nhất trong chuyến hải trình với Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (26 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế) có lẽ là tình bạn thân thiết giữa đoàn đại biểu các nước. “Giờ mình thấy ở đâu, đi đến nước nào cũng là nhà. Vì nơi đâu mình cũng có bạn”, Nhơn vui vẻ nói.
Khi được hỏi: “Nếu có một câu để nói về hành trình này, bạn sẽ nói gì?”, Hoàng An gãy gọn: “SSEAYP, hành trình khiến thanh xuân kéo dài mãi mãi”. Bởi theo Hoàng An, dù chuyến đi chỉ kéo dài 52 ngày và chỉ được tham dự 1 lần trong đời nhưng những bài học, tình thương mến có được từ đại biểu của các quốc gia sẽ còn mãi.
Giới thiệu văn hóa việt bất cứ lúc nào
Trước chuyến hải trình, người viết trò chuyện với các đại biểu tham gia đoàn lần này, điểm chung của tất cả là đều mong muốn quảng bá hình ảnh, văn hóa VN ra thế giới. Vì vậy sau chuyến đi, gặp lại các đại biểu, câu chuyện các bạn luôn muốn kể với chúng tôi là việc đã tranh thủ những cơ hội có thể để thực hiện được mong ước này như thế nào.
Bản tính tỉ mẩn và yêu thích những công việc đòi hỏi sự cẩn thận nên Hạnh Nhơn đã chọn thêu thùa và các hoạt động thủ công mỹ nghệ như làm chuồn chuồn, mặt nạ tre để giới thiệu văn hóa Việt.
Còn Hoàng An thì kể: “Trên tàu, mình và đoàn VN đã tranh thủ mọi lúc để quảng bá văn hóa nước nhà. Trong giờ “hội thảo chuyên đề”, các đại biểu tổ chức trải nghiệm văn hóa đám cưới truyền thống VN. Các đại biểu quốc tế rất thích thú khi được mặc áo cưới, thực hiện những nghi lễ và nghe những ca khúc trong ngày cưới. Ở giờ hoạt động tự do, tụi mình đã thu hút bạn bè nước bạn tham gia loạt trò chơi dân gian lồng ghép vào các câu chuyện cổ tích. Không những thế, hoạt động triển lãm văn hóa “Tết à, tết ơi” cũng giới thiệu những món ăn, phong tục Việt...”.
Mai Đức Hiếu (22 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH RMIT TP.HCM) nhớ lại: “Khi ngồi ăn cùng bạn bè quốc tế tại nhà ăn trên tàu hay ăn cùng gia đình nuôi tại mỗi nước dừng chân, mình thường giới thiệu nghi thức mời ăn cơm thân tình của người Việt. Mình chia sẻ về sự đa dạng của cà phê Việt và các món ăn truyền thống Việt như phở, bánh mì… trong các cuộc trò chuyện cùng bạn bè quốc tế… Hay lúc ở Brunei, mình đã đi mua nguyên liệu và tự tay chuẩn bị món gỏi cuốn để giới thiệu cùng đại gia đình nuôi trong bữa tối chia tay”.
Hoàng An cũng kể cho bạn bè các nước về nếp sống “kính trên nhường dưới” thể hiện qua lời thưa gửi, cám ơn cùng thái độ tôn kính người lớn trong đời sống gia đình của người Việt.
Bình luận (0)