Những tiến bộ thần tốc trong AI đang làm phức tạp thêm nỗ lực của các chính phủ nhằm thống nhất các luật lệ quy định việc sử dụng công nghệ này trên thế giới. Sau đây là những bước đi mới nhất ở tầm quốc gia và quốc tế với hy vọng có thể đuổi kịp tốc độ gây lo ngại của AI.
Nỗ lực của các chính phủ
Tại Hội nghị AI An toàn 2023 do Anh tổ chức từ ngày 1 - 2.11, các phái đoàn tham gia đã thông qua tuyên bố đóng vai trò bước ngoặt khi cho rằng công nghệ AI mang đến nguy cơ tiềm ẩn ở tầm thảm họa cho nhân loại. Tổng cộng 28 chính phủ ký vào Tuyên bố Bletchley, theo đó nhất trí hợp tác nghiên cứu cách thức sử dụng AI an toàn, theo Reuters.
Bà Michelle Donelan, Bộ trưởng Công nghệ Anh, cho biết: "Lần đầu tiên nhiều quốc gia đồng ý rằng chúng ta không những cần nhìn nhận vấn đề một cách độc lập mà còn cần đến sức mạnh của tập thể trong việc phân tích những nguy cơ đến từ cái gọi là "Frontier AI". Trong đó, "Frontier AI" là cụm từ chỉ những hệ thống AI tối tân, mà một số chuyên gia cho rằng thông minh hơn con người khi thực hiện nhiều tác vụ khác nhau.
Trả lời Hãng PA, tỉ phú Elon Musk, người sở hữu Tesla, SpaceX và X (tên cũ Twitter), cảnh báo con người đang đối mặt một thứ gì đó thông minh vượt xa người thông minh nhất của nhân loại. "Tôi vẫn chưa rõ liệu chúng ta thực sự có thể kiểm soát thứ đó hay không", ông Musk cảm thán.
Tại hội nghị, chính phủ Anh tuyên bố khoản tài trợ chi cho dự án "Tài nguyên Nghiên cứu AI" sẽ tăng lên 300 triệu bảng Anh, gấp 3 lần so với công bố trước đó là 100 triệu bảng Anh. Đây là dự án vận dụng năng lực của hai siêu máy tính ở Cambridge và Bristol để phân tích những mô hình AI hiện đại nhằm thử nghiệm các tính năng an toàn trong quá trình sử dụng công nghệ mới.
Mỹ - Anh cạnh tranh vai trò dẫn đầu
Hội nghị AI An toàn 2023 cũng chứng kiến Anh, Mỹ cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu nỗ lực chung của loài người trong kỷ nguyên AI. Phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở London trong lúc hội nghị đang diễn ra, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố một số biện pháp đang được Mỹ áp dụng nhằm thi hành sắc lệnh hành pháp đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua ngày 30.10.
Một trong những biện pháp là thành lập "Viện An toàn AI", có nhiệm vụ soạn thảo những tiêu chuẩn để kiểm tra mức độ an toàn đối với các ứng dụng AI phát hành công chúng, theo tờ The New York Times. Bên cạnh đó, chính quyền Washington đưa ra các hướng dẫn mới cho các cơ quan liên bang nhằm đảm bảo công nghệ AI mang lại lợi ích thiết thực và an toàn cho người sử dụng.
Bà Harris cũng thông báo khoảng 30 quốc gia đã gia nhập "tuyên bố chính trị" do Mỹ soạn thảo nhằm thiết lập bộ quy tắc chung cho việc phát triển, triển khai và sử dụng có trách nhiệm các năng lực AI trong lĩnh vực quân sự.
Về phần mình, Trung Quốc vào tháng 10 công bố các yêu cầu về bảo mật mà các công ty cần phải đảm bảo trong quá trình cung cấp dịch vụ AI tạo sinh, dạng AI tập trung vào việc tạo ra nội dung, dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có. Bắc Kinh cũng soạn thảo một danh sách "đen" gồm những nguồn cấm sử dụng để tạo nên các sản phẩm AI ở nước này.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 26.10 công bố thành lập Ban cố vấn AI. Với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, ban cố vấn có nhiệm vụ đề cập và đưa ra hướng giải quyết về quản lý AI ở tầm quốc tế.
Bình luận (0)