Nỗ lực xây dựng cộng đồng chăm sóc trẻ sinh non

An Dy
An Dy
17/11/2021 16:53 GMT+7

Nhân Ngày thế giới vì trẻ sinh non, hôm nay 17.11, nhiều hoạt động tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng với sự phối hợp của Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.

Chương trình “Ngày thế giới vì trẻ sinh non” được Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc phối hợp với Bệnh viện phụ sản nhi Đà Nẵng tổ chức hôm nay 17.11 với sự tham gia của các bà mẹ, các gia đình có trẻ sinh non, nhẹ cân.

Theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong như do đẻ non, thấp cân, ngạt, chấn thương... và các bệnh nhiễm khuẩn.

Trong đó, nguyên nhân do đẻ non, nhẹ cân chiếm đến 20%. Tuy nhiên, điều này lại thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như khám thai định kỳ (để phát hiện các nguy cơ); sử dụng tốt chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho phụ nữ có thai; chăm sóc da kề da và cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn; chăm sóc trẻ đẻ non nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo.

Theo đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), việc chăm sóc điều trị trẻ sinh non nhẹ cân bằng các biện pháp khoa học tiên tiến đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em nói chung. Hiện tại, Việt Nam đã cứu sống và duy trì nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thiếu tháng có cân nặng chỉ hơn 500 gram, cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

Nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non, nhẹ cân

Theo nghiên cứu của TS-BS Trần Thị Hoàng (Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng), sinh non, sinh dưới 37 tuần tuổi thai là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 50% và trực tiếp của 35% tử vong sơ sinh.

Những biến chứng cấp tính thường gặp ở trẻ sinh non như là hạ thân nhiệt, bệnh màng trong, ngạt, ngừng thở, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, tổn thương não, thiếu máu... Ngoài ra còn có những tổn thương lâu dài như tổn thương thị giác, thính lực, tổn thương phổi, tăng huyết áp, chức năng phổi giảm, suy dinh dưỡng, tổn thương thần kinh, tăng động, trầm cảm.

Tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, những trẻ sinh non, nhẹ cân được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo. Trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ hoặc người thân kéo dài ít nhất 20 giờ/ngày cho đến khi trẻ đủ tháng hoặc lâu hơn đến khi trẻ tự muốn ngừng. Ngoài ra, trẻ còn được hỗ trợ cho bú và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, được theo dõi chặt chẽ để phòng tránh các nguyên nhân tử vong thường gặp do sinh non và tăng cường sự phát triển thể chất, vận động toàn diện cho trẻ. Theo nghiên cứu, phương pháp chăm sóc Kangaroo sau sinh giúp ổn định hô hấp tuần hoàn và đường máu ở trẻ non tháng.

Chương trình chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng từ năm 2007 đến nay, đã chăm sóc và điều trị thành công nhiều em bé sinh non tháng, nhẹ cân trong đó có nhiều bé chỉ nặng trên 700 gram, với tuổi thai khoảng 25 tuần.

Sau 15 năm thực hiện chương trình chăm sóc trẻ sinh non, tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, sinh non xuống gần 3% đối với trẻ từ 32 - 36 tuần tuổi, chăm sóc và điều trị thành công nhiều em bé sinh non tháng, nhẹ cân trên 700 gram với tuổi thai từ 25 tuần.

Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cũng đang góp phần xây dựng cộng đồng chăm sóc hiệu quả cho trẻ sinh non ở khu vực miền Trung. Cụ thể là đào tạo cho gần 1.000 nhân viên y tế tại các tỉnh, thành trong khu vực về kỹ thuật chăm sóc trẻ sinh non; hỗ trợ đào tạo giảng viên các trường y tại các tỉnh miền Trung và nhân viên y tế 10 bệnh viện thuộc khu vực miền núi các tỉnh, thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.