Nợ xấu ở ngân hàng dần tăng trong mùa dịch Covid-19

Mai Phương
Mai Phương
22/04/2020 16:00 GMT+7

Báo cáo quý 1/2020 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu đang gia tăng và nhiều nơi phải trích lập dự phòng nhiều hơn.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1/2020 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 57 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước dù tổng thu nhập hoạt động trong kỳ tăng gần 33% với gần 384 tỉ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm 31.3, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 2.240 tỉ đồng, tăng gần 1.900 tỉ đồng so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 2.127 tỉ đồng, tăng 1.888 tỉ đồng so với cuối năm 2019. Bên cạnh đó, ngân hàng Kiên Long đã trích tới 67 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 35 lần cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cho biết nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh do việc hạch toán gần 1.896 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 179 tỉ đồng, giảm 27% với cùng kỳ năm trước và nợ xấu cuối tháng 3 cũng tăng mạnh lên 580 tỉ đồng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của Bac A Bank từ 0,69% lên 0,79%. Sau 3 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của Bắc Á được ghi nhận 44 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận khoản này.
Một nhà băng khác là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) báo lãi quý 1/2020 đạt 809,3 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng đi kèm là nợ xấu cũng gia tăng. Nợ xấu của TPBank cuối tháng 3 gần 1.884 tỉ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,28% lên 1,87%.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) báo cáo quý 1/2020 đạt lãi sau thuế 860 tỉ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2019. Nhưng nợ xấu của ngân hàng cũng tăng thêm 16% so với đầu năm lên gần 2.950 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,68% lên 1,83%.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng đang xem xét miễn giảm lãi cho khoảng 36.000 khách hàng với dư nợ 91.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.