Nợ xấu vụ tàu sắt đánh cá Biển Đông nằm bờ đã lên khoảng 3.400 tỉ

Anh Vũ
Anh Vũ
06/11/2019 10:32 GMT+7

Chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT sáng nay, 6.11, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định Chính phủ, khi nhiều tàu sắt đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, trong số 55 tàu, có 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng, riêng Quảng Nam chiếm 52,17% tổng dư nợ xấu trên địa bàn.
Ông Bình chất vấn Bộ trưởng NN-PTN Nguyễn Xuân Cường: “Nguyên nhân và giải pháp nào để các tàu cá có thể tiếp tục hoạt động? Tôi cũng xin gửi câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng nhà nước, giải pháp nào để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách?”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 ngoài hỗ trợ ngư dân vươn ra ngư trường để đảm bảo phát triển kinh tế, còn một mục tiêu khác là đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước trước bối cảnh lúc đó Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, về phát triển phương tiện, chúng ta đã đóng được 1.030 tàu công suất lớn từ 800 mã lực trở lên bằng 3 loại vật liệu là gỗ, composite và sắt. Trong đó, tàu sắt là loại hình mới nên ông Cường thừa nhận có nhiều nhược điểm.
Cụ thể, tàu sắt có tổng 358 chiếc thì 55 cái đang nằm bờ, không ra khơi được. Nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, ngư trường hiện nay quá tải; chủ tàu chết; một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động nghề muốn chuyển đổi...
Trước tình hình này, Bộ đã tham mưu Thủ tướng đưa ra nhiều quyết sách, xác định rõ trước hết về vấn đề tiềm năng, ngư trường chúng ta không khuyến khích nhiều nữa.
“Đặc biệt, phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng trước đó tỏ ra không phù hợp. Đóng 1.030 cái tàu, chúng ta khuyến khích lãi suất 5-7%/năm trong vòng hơn 10 năm, tùy khối lượng của đầu giá trị của tàu để chúng ta hỗ trợ chính sách. Điều này tạo tâm lý ỷ lại và không ai theo đuổi 11 năm để vay nợ, trả nợ”, ông Cường nói.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn vụ tàu sắt nằm bờ

Ảnh Ngọc Thắng

Nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 khoảng hơn 3.400 tỉ đồng

Về trách nhiệm của Ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình thêm, hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 10.500 tỉ, và nợ xấu chiếm 33% (khoảng hơn 3.400 tỉ đồng). Nguyên nhân, theo Thống đốc, như Bộ trưởng NN-PTNT đã giải trình ở trên.
Về giải pháp, sau khi làm việc với các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng nhà nước báo cáo Thủ tướng đưa ra giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân.
“Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh như vậy, cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, cũng như các nhóm nghề ngư trường khai thác và hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn…”, ông Hưng nói.
Thông tin thêm về giải pháp, Bộ trưởng NN-PTNT cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 17 thay thế Nghị định 67. Theo đó, chủ trương chung là ngư dân nào có đủ điều kiện ra khơi, có tiềm lực thì nhà nước hỗ trợ 1 lần tiền đóng tàu, tối đa 35%.
“Từ năm 2018, chúng ta chuyển hẳn sang phương án này và đã có 40 tàu được đóng. Ngư dân tự nguyện bỏ tiền ra, nhà nước hỗ trợ 1 lần. Tàu đi vào hoạt động không có điều tiếng gì”, Bộ trưởng NN-PTNT cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.