Thông tin do báo chí đăng tải hôm 14.9 đã nhắc nhớ những sự vụ mà Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh. Tại Thừa Thiên-Huế, hồi năm 2019, sau khi cây cầu đi bộ gỗ lim bên bờ nam sông Hương vừa hoàn thành, nạn rải vàng mã không thương tiếc xuống sông cũng gây bức xúc.
Ngay từ năm 2014, Phòng VH-TT TP.Huế phối hợp Ủy ban MTTQ TP mở tọa đàm khoa học “Hiện tượng vàng mã, lịch sử và những vấn đề quan tâm hiện nay”. Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cả các chức sắc tôn giáo đã tập trung phân tích nguồn gốc, ý nghĩa của tục đốt vàng mã trong đời sống tâm linh người Việt. Hòa thượng Thích Huệ Phước (Phó trưởng ban Trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên-Huế) khẳng định tục đốt, rải vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc, không thuộc về văn hóa VN và càng không phù hợp với tinh thần từ bi trí tuệ của Phật giáo.
Mặc dù vậy, tục đốt vàng mã đã biến tướng đến mức khôi hài và đáng báo động. Các cơ sở sản xuất vàng mã cho thấy họ rất “năng động”; làm ra các sản phẩm thời thượng, từ ô tô, xe máy, điện thoại thông minh, tiền đồng, USD, tiền ngân hàng địa phủ cho đến cả… mô hình người mẫu, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Trong các lễ nghi tang ma, hiếu nghĩa, nhiều trường hợp phung phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng để đốt vàng mã. Những dòng sông, đình miếu đầy rác thải sau mùa lễ hội. Không ít vụ cháy rừng từ việc đốt vàng mã khi viếng mộ…
Với vụ đốt vàng mã trên sông Hương vừa bị xử phạt, nhiều người dễ dàng nhìn thấy trên 2 chiếc thuyền cúng này có bóng dáng người mặc y phục tu sĩ. Vậy nên, muốn loại bỏ hẳn hủ tục ra khỏi đời sống xã hội, không chỉ cần đến chế tài xử lý mà cần cả yếu tố nêu gương, làm mẫu.
Bình luận (0)