Một thời kỳ lịch sử
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trên một khu đất khá rộng tại làng Nong On, xã Chiang Phin, tỉnh Udon Thani. Chỉ mất chừng 10 phút lái xe từ tỉnh lỵ là có thể đến được đây.
Vào tháng 7.1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nơi đây. Khi đặt chân đến Udon Thani, Bác lấy bí danh là Thầu Chín. Người đã tập hợp nhiều thanh niên yêu nước, nuôi dưỡng phong trào chống Pháp.
Ông Nguyễn Bá Minh, Ủy viên Ban Xây dựng và Phát triển Khu tưởng niệm, bồi hồi kể lại quá trình xây dựng nơi đây: “Để có được một khu di tích Bác Hồ như hôm nay, bà con Việt kiều đã đổ rất nhiều mồ hôi, công sức và đóng góp tiền bạc. Trong đó có cả việc mua lại khu đất này, nơi xưa kia Bác đã ở”.
Phần chính của Khu tưởng niệm là một căn nhà mái tranh vách đất mà bà con kiều bào đặt tên là “Baan Pak Lung Ho” hay “Nhà nghỉ của Bác Hồ”. Mọi thứ trong nhà đều được tái tạo lại theo trí nhớ của những người khi xưa đã ở cùng Bác. Trong đó có ông Ku Kon, con của ông Ku Ngoec, người đã cùng sống với Bác ở mảnh đất này. “Khi ông Ku Ngoec còn hoạt động với Bác, ông Ku Kon mới được 5, 6 tuổi gì đó nhưng còn nhớ được nhiều chi tiết của căn nhà”, ông Minh nói.
“Nhà nghỉ của Bác Hồ” bao gồm một gian chính, có bàn ghế, giường ngủ. Theo lời ông Minh kể, hồi ấy, ban ngày, Bác cùng những thanh niên yêu nước đi làm việc, đến tối về thì Bác dạy học cho anh em. Gian nhà chính đủ chỗ ở cho chừng chục thanh niên. Phía sau gian nhà chính là gian bếp. Tại đây có trưng bày nhiều hiện vật mà theo như ông Minh kể thì đó là những thứ đồ khi xưa Bác đã sử dụng và được bà con Việt kiều bảo vệ, lưu giữ đến tận ngày nay.
Cũng là chuyện lưu giữ những kỷ vật của Bác, thật xúc động khi biết được bà con Việt kiều đã tìm mọi cách thu thập, mua lại những thứ tưởng chừng như rất đơn sơ nhưng lại mang ý nghĩa lịch sử. Sau khi Bác rời làng Nong On, những thứ như nhà kho để lúa, chuồng gà, chuồng lợn bị người dân địa phương gỡ lấy đi. Những kiều bào tâm huyết sau này đã tìm xin lại, mua lại những thứ này, bê nguyên cả kho để lúa và chuồng gà về trưng bày ở Khu tưởng niệm. “Những thứ này không còn được nguyên vẹn nên chúng tôi cũng đã tái tạo lại nhiều phần”, ông Minh cho biết. Khu tưởng niệm còn tái tạo lại giếng nước, vườn rau, chày giã gạo mà xưa kia Bác đã dùng. Tất cả đều sống động dù cho 80 năm đã trôi qua.
Khu tưởng niệm cũng là một trong những điểm du lịch của tỉnh Udon Thani. Nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài cũng như các quan chức, ngoại giao các nước, các nhà nghiên cứu cũng đã đến tham quan nơi đây. So với 1 năm trước, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khang trang hơn, được hoàn thiện nhiều hơn. Trong kế hoạch về lâu dài, nhiều hạng mục sẽ được thi công để nâng tầm khu tưởng niệm.
Nơi sinh hoạt của kiều bào
Ngoài khu nhà chính, sắp tới một khu công viên nhỏ cũng sẽ được xây dựng cùng với hội trường đa năng, là nơi để bà con Việt kiều tụ họp những dịp lễ tết hay sinh nhật Bác. Trong dịp đầu xuân này, một sự kiện có ý nghĩa đã đến với bà con Việt kiều ở Udon Thani. Hôm 7.1, việc ký kết hợp đồng xây dựng khu hội trường đa năng trong khuôn viên Khu tưởng niệm đã diễn ra.
Ông Trần Nguyên Trực, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan, phát biểu: “Việc ký hợp đồng xây dựng hội trường đa năng trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu năm 2009 có một ý nghĩa quan trọng. Đó là bởi nước ta lấy năm 2009 này là năm ngoại giao văn hóa”.
Tại hội trường tạm của Khu tưởng niệm, nhiều hình ảnh và tư liệu về Bác được trưng bày. Một gian thờ với tượng của Bác làm bằng đá do các em học sinh ở Đà Nẵng mang sang được dựng lên trang trọng. Hội trường đa năng cũng sẽ là nơi đón du khách từ khắp mọi nơi về thăm khu di tích. Sau một năm chuẩn bị và lên đề án thi công, khu hội trường đa năng sẽ hoàn thành trong vòng 1 năm nữa.
Bình luận (0)