Đó là ước mong của nhiều học sinh và phụ huynh ở xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng, Long An. Tại xã, trục đường chính là bờ đông Kênh Ngang. Song song bên kia là đường bờ tây, cũng dài khoảng 10 km nhưng chỉ có một cây cầu nối đôi bờ tên “cầu Kênh Ngang”, ở gần trụ sở UBND xã.
Em Nguyễn Thị Cẩm Tiên đạp xe qua xã Tuyên Bình Tây (H.Vĩnh Hưng) để đi học |
Thúy Hằng |
Cách nhau 60 m mà đi xe mất 20 km
Chúng tôi tới Long An một trưa tháng 4 nắng gay gắt. Đúng giờ tan học, học trò í ới đạp xe dọc hai bờ kênh rồi tấp vào một nhà, gửi xe đạp, tới bờ sông lấy tắc ráng (vỏ lãi hay còn gọi xuồng máy) chạy về nhà mình.
Mặt Kênh Ngang chỉ rộng khoảng 60 m. Song vì không có cầu, nên nếu đang ở cuối đường bờ đông, muốn đi xe đạp hay xe máy qua điểm đối diện bên bờ tây, chỉ có một cách đi vòng ngược lại qua UBND xã Vĩnh Đại và chạy xuống tạo thành hình chữ U với tổng chiều dài gần 20 km.
Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm từ khắp nơi để có kinh phí xây dựng cầu. Ngân sách của xã thì không thể đủ vài tỉ đồng để xây cầu dân sinh. Có thêm cầu nối đôi bờ, trẻ em được đến trường an toàn hơn, không phải cảnh vừa đi xuồng, vừa gửi xe.
Giữa trưa nắng, em Lê Thị Cẩm Nhung, lớp 5/1 Trường tiểu học Vĩnh Đại, mướt mồ hôi bơi tắc ráng từ bờ bên kia qua đường bờ đông. Bình thường để qua Kênh Ngang này chỉ khoảng 5 phút nhưng những ngày lục bình lấp đặc dòng chảy như thế này, Nhung phải lấy mái chèo khua bớt nên thời gian di chuyển lâu gấp mấy lần. Cô bé thường gửi xe đạp ở một nhà dân trên đường bờ đông, khi tới sẽ lấy xe, đạp thêm 30 phút nữa để tới được trường.
“Ngày nào cháu cũng đi như vậy nên mệt cũng quen rồi”, Nhung đáp. Chúng tôi hỏi tại sao không đạp xe theo đường bờ tây cũng tới được trường, em cho biết: “Đường bờ tây nhỏ hẹp hơn, đi khó hơn và từ cầu Kênh Ngang phải băng qua tỉnh lộ luôn có đông ô tô, xe máy nên em sợ nguy hiểm”.
Ông Hồ Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Đại, cho biết xã có 4 ấp với hơn 980 hộ dân. Trong đó, ấp Láng Sen nằm ở phía cuối đường bờ đông là ấp khó khăn nhất với khoảng 400 hộ, trong đó 50 hộ nghèo và cận nghèo. Người dân ở xã chủ yếu làm nông nghiệp, một bộ phận thanh niên thì về các TP lớn như TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. Trước đây Láng Sen với tên gọi cũ là ấp Cả Sậy còn được gọi là ấp “3 không”: không điện, không nước sạch, không cầu, như một “ốc đảo” riêng biệt trong xã Vĩnh Đại. Từ năm 2007, điện, nước đã có nhưng cây cầu nối liền bờ đông và bờ tây nơi này vẫn chưa.
Ông Ngô Văn Chỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Vĩnh Đại (H.Tân Hưng), lái tắc ráng chở phóng viên đi thực tế |
Tắc ráng là phương tiện phổ biến của người dân sinh sống hai bên bờ kênh. “Mỗi nhà đều có từ 1 tới 2 chiếc để đi lại giữa hai bờ. Trẻ con ở đây biết bơi từ 4, 5 tuổi và lớp 2, lớp 3 đã biết chạy tắc ráng”, ông Ngô Văn Chỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Vĩnh Đại, nói. Có những câu chuyện đã trở thành phổ biến ở đây, như gặp lúc lục bình kín đặc mặt nước, không chạy tắc ráng được phải lấy gậy để đẩy, mệt thở không ra hơi. Còn mùa nước lớn, nước Kênh Ngang dập dềnh sóng, trẻ nhỏ, người lớn vẫn phải xoay xở qua bờ để đến trường.
“Xã có 500 trẻ trong độ tuổi tiểu học, hơn 300 trẻ học THCS và hơn 200 trẻ đang học mầm non. Một đứa con đi học, đặc biệt trong độ tuổi tiểu học thì cha hoặc mẹ phải dành ra ít nhất 2 giờ mỗi ngày chỉ để đưa đi đón về, vì các con học 2 buổi và trường không có bán trú”, ông Chỉnh thông tin.
Nhiều người ở cuối ấp Láng Sen chọn giải pháp dù có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng nhưng xin cho con đi học ở xã Tuyên Bình Tây, H.Vĩnh Hưng để con đường di chuyển chỉ khoảng 4 km. Nếu học đúng tuyến ở xã Vĩnh Đại, các em phải đi xuồng máy qua sông và đi thêm 10 km nữa để tới trường.
Em Cẩm Tiên vừa bơi xuồng máy qua thăm người thân bên bờ tây về |
Bao giờ hết cảnh “gọi đò ơi” ?
Trên đường đi, chúng tôi gặp hai em Nguyễn Thị Cẩm Tiên (lớp 8) và Nguyễn Thị Thúy Nga (lớp 6), Trường THCS Tuyên Bình Tây, đạp xe đi học về thì giúp cha mẹ cắt lục bình. Cẩm Tiên cho hay đã quen với việc nhiều người trong vùng tới gửi xe máy trước sân nhà mình, rồi đi xuồng máy về nhà họ ở bờ bên kia. Nếu không có xuồng, phải “gọi đò ơi”, tức là đi nhờ xuồng của bà con nào đang ở gần đó.
“Em cũng có nhà bà con ở bờ tây Kênh Ngang. Đứng bên này trông thấy nhau ở bên kia. Nhưng nếu đi xe máy để qua chỗ em thì họ phải đi vòng ra UBND xã Vĩnh Đại rồi chạy xuống, mất tổng cộng gần 20 km. Do đó, họ gửi xe máy trong sân nhà em. Mỗi khi đi chợ thì lái xuồng máy qua, lấy xe máy đi. Xong xuôi lại gửi xe máy, mang đồ xuống xuồng rồi đi về nhà”, Cẩm Tiên kể.
Một góc ấp Láng Sen, ấp khó khăn nhất ở xã Vĩnh Đại |
Là vùng trũng, ngập nước của tỉnh Long An, xã Vĩnh Đại (H.Tân Hưng) gặp nhiều khó khăn khi kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ken, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại, cho hay nếu như có cây cầu nối đôi bờ đông - tây Kênh Ngang sẽ giúp đi lại thuận tiện, đặc biệt hơn 400 hộ trong ấp Láng Sen sẽ rất phấn khởi, bà con vận chuyển nông sản gặp nhiều thuận lợi. Đồng thời, đi lại từ xã Vĩnh Đại tới các xã lân cận dễ dàng hơn.
Ông Ngô Văn Chỉnh cho biết mới đây có một số nhà hảo tâm liên hệ với xã để hỗ trợ tập vở cho học sinh nghèo, gạo cho bà con, đồng thời tìm hiểu khó khăn việc đi lại ở địa phương. “Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm từ khắp nơi để có kinh phí xây dựng cầu. Ngân sách của xã thì không thể đủ vài tỉ đồng để xây cầu dân sinh. Có thêm cầu nối đôi bờ, trẻ em được đến trường an toàn hơn, không phải cảnh vừa đi xuồng, vừa gửi xe. Đặc biệt vào mùa mưa giông, đêm tối, mọi người đi lại bằng xuồng qua Kênh Ngang rất nguy hiểm”, ông Chỉnh bộc bạch.
Bình luận (0)