Nỗi khổ của con một

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
21/07/2024 06:00 GMT+7

Là con một nên khi gia đình gặp biến cố, người trẻ bắt buộc phải tạm gác lại đam mê để hỗ trợ. Hay cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng khiến cho đứa con duy nhất bị phụ thuộc, không dám bước ra khỏi "vùng an toàn"...

Có những ước mơ dang dở

Năm 2019, khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, N.T.Q (26 tuổi) đã phải tạm dừng việc học vì cha mắc ung thư phổi. Ban đầu Q. chỉ muốn bảo lưu kết quả học tập, về phụ mẹ chăm sóc cha, vì Q. là con một. Tuy nhiên, bệnh tình của cha ngày càng chuyển biến nặng. Hai tháng ở trong bệnh viện, nhìn cha xanh xao, mẹ thì héo mòn vì lo lắng đã khiến Q. nhận ra bản thân phải là trụ cột của gia đình.

Nỗi khổ của con một- Ảnh 1.

Cha mẹ nên chia sẻ và thông cảm hơn cho người con duy nhất

KIM NGỌC NGHIÊN

Với mình, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là việc mà một người con phải làm. Mình cũng có chút tiếc nuối, vì biến cố lớn ập đến nên phải gác lại đam mê của bản thân và về nhà làm tròn trách nhiệm. Nhà mình đơn chiếc, mẹ thì tâm lý yếu, không thể để bà cô đơn được.

N.T.Q, 26 tuổi, quê Lâm Đồng

Cầm cự được hơn 3 tháng thì cha mất, mẹ Q. gần như gục ngã. Lo đám tang cho cha xong, Q. quyết định ở lại quê (Lâm Đồng) để an ủi và làm chỗ dựa cho mẹ. Một năm sau, Q. lập gia đình để "yên bề gia thất" theo nguyện vọng của mẹ.

"Với mình, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là việc mà một người con phải làm. Mình cũng có chút tiếc nuối, vì biến cố lớn ập đến nên phải gác lại đam mê của bản thân và về nhà làm tròn trách nhiệm. Nhà mình đơn chiếc, mẹ thì tâm lý yếu, không thể để bà cô đơn được", Q. chia sẻ. Hiện tại, Q. cùng vợ trồng rau để bán, cuộc sống tuy không mấy dư dả nhưng cơ bản là ổn định. Khi nhắc về giấc mơ còn dang dở, Q. chỉ thấy hơi tiếc nhưng không trách móc số phận.

Đã 25 tuổi nhưng Nguyễn Thị Kim Anh, làm việc tại khu phố 1B, P.An Phú, TP.Thuận An (Bình Dương), vẫn chưa dám yêu đương, hay nghĩ đến những chuyến du lịch…, vì muốn tập trung đi làm để trả nợ cho gia đình. Ba năm trước, gia đình Kim Anh có vay một công ty tài chính số tiền hơn 40 triệu đồng để xây nhà. Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cha mẹ Kim Anh bị mất việc nên không có tiền trả góp hằng tháng.

Chỗ cho vay trên liên tục tạo áp lực. Thấy gia đình khó khăn, Kim Anh khi đó mới ra trường, chưa tìm được việc làm đã đứng ra mượn chú họ số tiền hơn 40 triệu đồng để trả cho công ty tài chính. Sau dịch, Kim Anh lên Bình Dương làm kiểm toán cho một công ty gỗ. Thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, sau khi chi tiêu cho việc ăn uống, trả tiền nhà trọ..., Kim Anh dành từ 2 - 5 triệu đồng để trả nợ và gửi về cho gia đình.

Là con gái nhưng Kim Anh luôn tối giản việc chăm sóc bản thân. Chiếc xe máy Kim Anh đang chạy cũng phải trả góp hằng tháng.

"Có những ngày mình thấy tủi thân và khóc tại phòng trọ khi nhìn thấy những bạn gái khác được mặc đồ đẹp hay đi hẹn hò. Mình không trách gia đình nhưng gánh nặng này quá lớn. Mình mong nửa năm sau sẽ trả hết số nợ, rồi mới tiết kiệm tiền và nghĩ cho bản thân. Mình ước có thêm một người anh trai hay chị gái, đỡ đần trong việc giúp gia đình khi có biến cố xảy ra", Kim Anh nói.

Biết hy sinh, nghĩ cho gia đình là vậy, nhưng dường như Kim Anh chưa bao giờ làm hài lòng được những người họ hàng, hàng xóm. Họ luôn dè bỉu Kim Anh: "Sao lớn rồi mà không chịu lấy chồng?", hay: "Sao không tìm chồng nước ngoài để khỏe tấm thân?"… Nghe hàng xóm, họ hàng "lời ra tiếng vào", cha mẹ của Kim Anh cũng đã nhiều lần hối thúc cô gái này làm theo.

Con cái không cần nhiều sự bao bọc như cha mẹ nghĩ !

Cha anh N.N.Q (31 tuổi, đang sinh sống tại Q.Tân Phú, TP.HCM) mất từ khi anh 14 tuổi. Hai mẹ con anh Q. chuyển từ TP.Nha Trang (Khánh Hòa) vào TP.HCM làm việc và sinh sống đã hơn 16 năm. Từ nhỏ, sợ con thiếu thốn nên mẹ anh Q. luôn bao bọc hết mức.

Hiện tại, dù đã 31 tuổi, nhưng anh Q. phải về nhà đúng giờ để ăn cơm mẹ nấu, không được đi chơi khuya. Từ quần áo, giày dép... đến lựa chọn công việc, mẹ anh đều chăm chút cho con trai. Vì nhận được quá nhiều sự chăm sóc, yêu thương, bảo bọc từ mẹ mà anh Q. mất đi sự tự do, dù đã trưởng thành nhưng không thể quyết định cuộc sống.

"Cuộc sống của mẹ gắn liền với mình, mẹ ít chăm sóc cho bản thân. Có những lúc mình muốn mẹ bớt đi sự quan tâm, bao bọc để mình tận hưởng cuộc sống như đi chơi với bạn bè…, nhưng mình thấy rất khó. Công việc của mình ở công ty dược cũng là nghe theo nguyện vọng của mẹ. Mình ước một lần được thất bại trong chính giấc mơ của bản thân", Q. chia sẻ.

Cũng là con một, N.T.N, sinh viên Trường ĐH RMIT, cho biết bản thân muốn trở thành một tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, cha mẹ của N. muốn con trai duy nhất tiếp quản công ty gia đình nên từ nhỏ đã hướng cho N. học kinh doanh quốc tế. Vì là con một nên từ nhỏ N. được cha mẹ chăm sóc rất kỹ.

"Từ nhỏ đến lớn, mình được cha mẹ chăm lo không thiếu thứ gì, học ở những trường tốt nhất. Mình chỉ thiếu những ngày tháng được sống đúng với ước mơ và quyết định cuộc đời. Không cần cuộc sống quá tiện nghi, chỉ cần cha mẹ lắng nghe mình một lần", N. chia sẻ.

Phải thành công sớm hơn

Mới ra trường và đang làm việc tại công ty truyền thông, Nguyễn Hoàng Nhân, ngụ đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: "Cha mẹ mình sống tại tỉnh Hậu Giang, cũng đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu lại không biết tự lái xe máy. Mỗi lần cha mẹ có nhu cầu khám bệnh, đi chợ… đều nhờ họ hàng, hay đi phương tiện công cộng. Không sống gần cha mẹ để hỗ trợ, mình cảm thấy áy náy và muốn thành công sớm hơn để trở về nhà".

Sau giờ làm việc ở văn phòng, Nhân ăn vội bữa cơm bình dân, rồi chạy đi làm gia sư đến 22 giờ. Về đến phòng trọ còn phải nấu cơm để mang đi làm vào ngày hôm sau. Nhân cho biết bản thân phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền, nhanh chóng thành công để trở về quê sống cùng cha mẹ.

Cũng là con một trong gia đình, nên sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, Nguyễn Huỳnh Thanh Huy (23 tuổi) cũng gặp áp lực phải sớm thành công. Có lần cha Huy (quê ở tỉnh Sóc Trăng) gọi điện thoại nói với con trai: "Huy ơi phải cố gắng, cha chỉ hy vọng vào con". Câu nói của cha khiến Huy chạnh lòng, vì hiện tại chưa thể nổi tiếng dù theo ngành nghệ thuật.

Nỗi khổ của con một- Ảnh 2.

Thanh Huy luôn mang áp lực phải thành công sớm hơn để giúp đỡ gia đình

KIM NGỌC NGHIÊN

Gia đình không khá giả, cha lại hay bị bệnh nên Huy luôn ý thức bản thân phải cố gắng làm việc. Hằng ngày, Huy nhận rất nhiều công việc từ livestream hay dạy bán hàng trực tuyến, làm MC, ca sĩ… Dù chương trình nhỏ hay lớn, Huy đều cố gắng tham gia để kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê cho cha chữa bệnh.

"Nhìn sự già đi của cha khiến mình chạnh lòng, tự nhủ bản thân không được mơ mộng, mặc dù làm nghệ thuật. Mình không ngại vất vả, làm việc thật nhiều để cho bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn", Huy nói.

Áp lực rất lớn

Áp lực của người con một ở độ tuổi trưởng thành là rất lớn, như phải mang nhiều kỳ vọng của cha mẹ về việc thành công, kết hôn, sinh con…; hay trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Để giải tỏa những áp lực này, phải giải quyết vấn đề từ nhiều phía.

Trong trường hợp người trẻ là con một đang đi làm, hay theo đuổi đam mê nào đó ở xa, mà nhận được lời đề nghị của cha mẹ nên về gần nhà, người trẻ phải lắng nghe cha mẹ. Đôi khi không đơn giản là cha mẹ cô đơn, muốn sống gần con cái, mà vì có ý định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn. Trong trường hợp người trẻ lắng nghe và thấy ý kiến của cha mẹ hợp lý thì quá lý tưởng.

Tuy nhiên, vì phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mà bạn phải hy sinh ước mơ, hoài bão thì nên cân nhắc kỹ. Con một nên bày tỏ nguyện vọng của bản thân và đưa ra những giải pháp khác, hãy làm như thế nào dù có ở xa vẫn quan tâm, chăm lo được cho cha mẹ, để họ bớt cô đơn…

Nếu con một phải hy sinh hạnh phúc, sự nghiệp để chăm lo cho cha mẹ, thì sau này người hối tiếc nhất lại là phụ huynh. Cần nhìn nhận, có những áp lực không phải là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc. Nếu cha mẹ mong muốn đứa con duy nhất của mình hạnh phúc thì phải luôn chia sẻ, lắng nghe mong muốn, từ đó tạo ra sự đồng thuận chứ không nên áp đặt. Khi chỉ có một đứa con, cha mẹ sẽ dành hết tình yêu thương, sự kỳ vọng, thậm chí là che chở một cách thái quá…

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân viện tại TP.HCM)

Cha mẹ nào cũng không muốn con mình phải đau khổ

Cha mẹ cần động viên và đồng hành cùng con trong mọi hoạt động, thay vì tạo áp lực. Tránh so sánh con mình với người khác, điều này sẽ làm giảm động lực cố gắng trong học tập và làm việc. Cha mẹ nên chuẩn bị kinh tế vững vàng, tiền tiết kiệm khi về già để tự lo cho mình, hay có thể dạy con theo nghề truyền thống của gia đình (nếu nhận được sự đồng thuận của con), sẽ giúp giảm tải được áp lực cho đứa con duy nhất.

Hãy tạo cảm giác an toàn, thoải mái để cho đứa con duy nhất chia sẻ. Chắc chắn, bậc làm cha mẹ nào cũng không muốn con mình phải đau khổ và chịu áp lực một mình mà không có ai sẻ chia, cùng gỡ rối.

Các bạn trẻ phải học cách sống trọn vẹn trong từng giai đoạn. Nếu đang học tập thì hãy hết mình, trau dồi kỹ năng, học thêm những môn yêu thích... nhân lúc chưa phải thực hiện nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ. Việc phát triển bản thân thật tốt cũng là cách đáp trả lại sự yêu thương mà cha mẹ dành cho mình. Người trẻ phải biết quý trọng mạng sống của mình và lựa chọn những mối quan hệ tích cực, tránh xa hoạt động độc hại. Cần sắp xếp thời gian về thăm gia đình, thường xuyên gọi điện, lắp đặt camera quan sát từ xa, hỗ trợ kinh phí để cha mẹ giải quyết các vấn đề cuộc sống.

Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, giảng viên kỹ năng mềm tại

Công ty giáo dục kỹ năng Angel, Q.Tân Phú, TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.