Đồng lương ít ỏi
Trạm bảo vệ rừng phòng hộ khu vực Vều (xã Phúc Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) là căn nhà lợp tôn, thấp lè tè nằm sâu trong rừng. Để vào được trạm này, từ điểm cuối của con đường nhựa nối đến đồn biên phòng phải mất chừng 20 phút chạy xe máy vật lộn với con đường mòn đầy dốc đá.
Nhưng để vào đến cửa rừng phòng hộ, từ trạm này còn phải mất chừng 45 phút đi xe máy lẫn dẫn bộ. “Trong đó rừng heo hút, không có chỗ nào thích hợp để dựng trạm, nên anh em tôi phải chọn điểm này”, anh Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng khu vực Vều, nói.
Nhân viên bảo vệ rừng phòng hộ Thanh Chương đi tuần rừng |
K.HOAN |
Trạm có 4 nhân viên bảo vệ, có trách nhiệm quản lý, trông coi hơn 4.000 ha rừng phòng hộ trải rộng đến biên giới Việt - Lào. Đây là khu rừng nguyên sinh còn nhiều gỗ quý nên thường xuyên bị lâm tặc dòm ngó. Để giữ được rừng, 4 nhân viên phải thay nhau đi tuần, mỗi ca 2 - 3 người.
Hàng tháng, phân nửa thời gian, các nhân viên giữ rừng này sống trong cảnh cơm nắm, mì tôm, ngủ võng trong rừng. “Rừng ở đây đồi núi dốc, đi lại rất khó khăn. Nhưng khổ nhất vẫn là sên, vắt, ruồi vàng rất nhiều, chúng cứ tìm cách bu bám khắp người”, anh Giang nói.
Tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp năm 2005, anh Giang được nhận vào Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Thanh Chương với nhiệm vụ bảo vệ rừng. 16 năm gắn bó với rừng, thế nhưng, lương anh Giang hiện chỉ hơn 4 triệu đồng, cộng với hơn 400.000 đồng phụ cấp chức vụ trạm trưởng.
Tương tự, ông Phạm Đức Quỳ (58 tuổi) đã có hơn 20 năm gắn bó với rừng nhưng lương cũng chỉ hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Trạm cách nhà gần 80 km, mỗi tháng, 4 nhân viên bảo vệ rừng này chỉ được nghỉ 4 ngày, nhưng chỉ được về nhà 2 ngày, 2 ngày phải túc trực ở trạm. “Anh em rất lo vì nếu sơ sểnh, để mất rừng là đối mặt với tù tội”, anh Giang nói.
Theo anh Giang, đồng lương quá thấp nhưng từ nhiều năm qua, năm nào cũng bị chậm lương. Do nguồn vốn T.Ư về chậm nên phải đến tháng 7, tháng 8 mới được nhận lương các tháng trước đó. “Anh em phải vay mượn tiền để sống. Khi nhận được lương phải mang trả, cũng không còn dư dả đồng nào để đưa về cho vợ con, thấy mình có lỗi. Vợ cứ bảo nghỉ đi rồi tìm việc khác làm, nhưng lỡ trót theo rừng, cũng khó bỏ”, anh Giang thở dài.
Nhiều người bỏ việc
Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, cho biết lương quá thấp, công việc vất vả và áp lực nên đã có 7 nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc. “Năm ngoái, có 2 người tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, đến làm được 2 tháng rồi cũng xin nghỉ vì lương quá thấp”, ông Thiều nói.
Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương hiện có 35 nhân viên bảo vệ 22.130 ha rừng. Mỗi năm, Ban chỉ nhận được 2,1 tỉ đồng từ trên “rót” xuống để trả lương cho 35 con người này, nhưng năm nào cũng sau tháng 7, tháng 8 mới có.
“Có năm, đến tháng 12 mới có lương. Tôi phải đi cầm sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng về cho anh em ứng trước và lấy tiền đóng tiền bảo hiểm vì nợ quá lâu”, ông Thiều thở dài. Không chỉ vất vả, lực lượng này phải chịu áp lực rất lớn vì nếu để mất rừng sẽ bị truy tố, đối mặt với tù tội.
Cùng cảnh ngộ, ông Ngũ Văn Trị, Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ H.Anh Sơn (Nghệ An), cũng cho biết tại ban này 3 năm qua đã có 10 người xin nghỉ việc vì lương quá thấp. Ban hiện còn 16 người bảo vệ gần 8.000 ha rừng, cũng chỉ nhận lương mỗi tháng hơn 4 triệu đồng.
“Số người này đều đã lớn tuổi, họ có hàng chục năm gắn bó với rừng và cố bám trụ đóng bảo hiểm chờ nghỉ hưu. Đáng lo là nếu không cải thiện tiền lương, những người này nghỉ thì sẽ rất khó tuyển người mới và sẽ không còn người để bảo vệ rừng”, ông Trị nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, chế độ tiền lương cho nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An đang thuộc diện thấp nhất cả nước, trong khi Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng nhiều nhất nước.
Ông Phan Nguyên Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN-PTNT Nghệ An), cho biết năm 2017, thực hiện Thông tư 21/2017 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886 ngày 16.6.2017 của Thủ tướng phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, không thấy hướng dẫn nguồn để trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ.
“Chúng tôi hỏi Bộ thì được trả lời lực lượng này áp dụng theo mức khoán rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ, với 100.000 đồng/ha/năm”, ông Hùng nói. Mức khoán này (thấp nhất trong cả nước) đã khiến hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An phải nhận mức lương rất thấp.
Ông Hùng cũng cho biết, mỗi năm Nghệ An cần hơn 200 tỉ đồng để chi trả tiền bảo vệ rừng (gồm cả người dân lẫn nhân viên bảo vệ rừng), nhưng chỉ được T.Ư bố trí 51 tỉ đồng. Do tỉnh không có ngân sách để cấp bù nên phải “liệu cơm gắp mắm”, hơn 200.000 ha rừng do người dân khoanh nuôi, bảo vệ từ nhiều năm qua không được trả tiền công.
“Chúng tôi hiểu nỗi khổ của lực lượng bảo vệ rừng ở các ban quản lý rừng phòng hộ, nhưng không còn cách nào khác và đang chờ chương trình mục tiêu bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2026 sẽ bổ sung nguồn kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng này”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)