Nơi không ngủ giữa Sài Gòn thời giãn cách - Kỳ 1: Nếu ngủ thì đói ngay!

Phan Xuân
Phan Xuân
15/06/2021 09:00 GMT+7

Sài Gòn đang trong những ngày giãn cách xã hội , nhưng đêm nào cũng thế, dẫu dịch Covid-19 hoành hành với diễn biến khó lường, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (P.7, Q.8) vẫn sáng đèn hoạt động. Hàng ngàn người trắng đêm mưu sinh.

Nhờ vậy, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường với hơn 13 triệu người dân sinh sống ở Sài Gòn, chưa kể các miền, vùng lân cận không bị tạm dừng...

Sầm uất, rộn ràng

20 giờ. Khắp các ngả đường ở Sài Gòn vắng vẻ, bởi đang trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng, riêng ngả đường từ đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng vào chợ, dòng xe tải lớn nhỏ chở đầy hàng hóa nối đuôi chờ đợi để được vào bên trong.
Bước vào không gian chợ mới thật sự choáng ngợp vì sự sầm uất, náo nhiệt của nơi được xem là chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung này.

Nửa đêm trước khoảnh khắc Gò Vấp gỡ chốt phong tỏa chống Covid-19

Bảy nhà lồng chợ đều hối hả người mua người bán. Dù ở nhà lồng A (dành cho ngành hàng hoa tươi), nhà lồng B (ngành hàng rau củ quả, nấm, gia vị) hay nhà lồng D (ngành hàng cá đồng và hải sản cao cấp), nhà lồng H (thịt súc sản, gia cầm, nông sản)... đi chăng nữa, thì vẫn có điểm chung là hàng hóa được bày bán với số lượng rất lớn. Cả ngàn người qua lại, chộn rộn giao dịch, bán mua.
"Mấy nay dịch giã hoành hành, thành phố phải giãn cách xã hội nên đã ít người đến chợ. Chứ khi Covid-19 chưa bùng phát, thì lượng người cũng gấp đôi, gấp ba thế này", chị Kim Huệ (tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy sản khô và các loại mắm), cho biết.

Hàng hóa từ chợ Bình Điền được tỏa đi về nhiều khu chợ nhỏ ở Sài Gòn

ẢNH: PHAN XUÂN

Theo anh Lê Tịnh (tiểu thương ngành hàng thủy sản), sở dĩ chợ đông đúc, nhộn nhịp vì đặc thù chỉ hoạt động về đêm, từ khoảng 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Chưa kể, đây là chợ đầu mối kinh doanh đa ngành hàng, từ thủy hải sản đến thịt súc sản, rau củ quả, hoa tươi, trái cây... để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua sỉ. Hơn hết, so với giá bán lẻ ngoài thị trường, giá bán rẻ hơn rất nhiều lần.
21 giờ, khuôn viên chợ rộng lớn đến 65 ha này càng trở nên tấp nập, huyên náo. "Giờ là thời điểm chủ hàng khắp nơi bỏ mối nên chợ đông đúc. Đến khoảng 4 giờ sẽ bớt rộn ràng hơn", anh Tịnh giải thích.

Căng mắt mưu sinh

3 giờ sáng, chị Thụy Hòa (tiểu thương kinh doanh thịt súc sản, gia cầm) ở nhà lồng H tranh thủ chợp mắt, ngủ vội giấc ngắn ngủi. "Tôi đợi bạn hàng đến lấy. Từ tối đến giờ mệt rã rời tay chân. Nhận hàng rồi cùng mấy nhân viên làm sạch ba chục thùng gà, đuối lắm. Làm xong đâu vào đó rồi mới ngủ được 10 phút. Mà nói ngủ chứ ngủ gì được. Ồn ào như thế này mà", chị Hòa ngáp ngắn ngáp dài, tâm sự.
Tôi đùa: “Mỗi đêm bán số lượng lớn gà như vậy chắc sống... khỏe re nhỉ”. Chị Hòa cười cười. Một nụ cười mà chẳng hiển hiện niềm vui. "Thấy vậy mà không phải vậy. Hồi trước, mỗi đêm bán cả trăm thùng gà là chuyện bình thường. Còn khi dịch Covid-19 đến, rồi giãn cách xã hội, ảnh hưởng nhiều lắm. Lượng tiêu thụ hàng chưa còn một nửa. Có đêm chỉ bán được 1/4, 1/5 thời gian trước".

Phận đời mưu sinh ở Sài Gòn 'oằn mình' trong cơn hoạn nạn Covid-19

Chị Hòa nói tiếp: "Nhưng đâu thể vì ít người mua mà mình tạm nghỉ bán. Tạm nghỉ bán là cả gia đình 6 miệng ăn phải... tạm nghỉ ăn. Tiền ăn, tiền học của con, đủ thứ tiền... đều trông nhờ cả vào sạp gà này. Mình mà nghỉ để ở nhà ngủ thì đói ngay thôi".
Chẳng riêng gì chị Hòa, đó còn là tình cảnh chung của phần lớn tiểu thương ở đây. Dịch Covid-19 đã khiến công việc kinh doanh của họ gặp vô số khó khăn hơn so với các thời điểm trước.

Nhịp sống về đêm ở chợ Bình Điền giữa những ngày Sài Gòn giãn cách

ẢNH: PHAN XUÂN

Những tiểu thương ở các khu chợ nhỏ lẻ tạm ngưng buôn bán khiến lượng bạn hàng của tiểu thương ở chợ Bình Điền giảm đi rõ rệt. Không bán nhiều hàng cho các mối quen, họ lại chờ trông vào việc "bán xổ" (từ khoảng 4 giờ trở đi). Nhưng người dân đến mua cũng thưa thớt dần kể từ ngày dịch bùng phát trở lại vì những lắng lo, e ngại.
"Khách đến giảm dần nhưng tiểu thương chúng tôi phải kiên trì miệt mài bám trụ. Vừa để giữ mối, vừa để có chút thu nhập, dù là ít hẳn đi. Khổ lắm chứ có sướng ích gì đâu. Đêm nào cũng thức trắng, cũng sống nghịch thời gian với người khác. Đêm nào cũng căng mắt mưu sinh. Nói chung vất vả vô cùng", anh Hùng Tú (tiểu thương ngành rau, củ, quả) nói trong ánh mắt buồn xo.
Anh Tú kể thêm: "Không nói đâu xa. Chỉ khoảng tháng 3 vừa rồi, mỗi đêm tôi bán ra hơn trăm thùng rau, củ, quả là chuyện thường tình. Vậy mà...". Anh bỏ lửng câu nói, nhìn vào sạp. 80 thùng hàng đã nhận, sau 5 tiếng đồng hồ, chỉ vơi đi khoảng 1/3.

Những gian hàng hải sản ở chợ Bình Điền

ẢNH: PHAN XUÂN

Bắt chuyện với chục tiểu thương, ai cũng rầu rĩ, thở ngắn than dài. Ai cũng lắc đầu chán ngán. Ai cũng lộ rõ vẻ phờ phạc. Họ ta thán chẳng phải vì trắng đêm mưu sinh. Họ quen với đặc thù giờ giấc nơi "chợ không ngủ" này đằng đẵng cả chục năm qua. Mà bởi cuộc sống mưu sinh của họ đầy nỗi lo toan với những gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Nhưng rồi dịch Covid-19 ập đến khiến công việc kiếm tiền càng trở nên nhọc nhằn hơn. Họ không những mang trên vai áp lực kiếm tiền cho bản thân, mà còn nặng gánh cần tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Nếu họ đóng sạp, đồng nghĩa việc đẩy hàng chục nhân viên rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Nếu họ đóng sạp, chi phí thuê sạp lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng... chẳng biết kiếm đâu ra. Để rồi từ đó, những đôi mắt của họ dường như quầng thâm hơn, những mái tóc rối bù như thêm những sợi bạc, những nếp nhăn khắc khổ lộ rõ nhiều hơn... trong những ngày gắng gượng, cầm cự mong mau chóng "qua ngày đoạn tháng" mùa đại dịch.

Căng mình chống dịch

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bủa vây tứ phía, với lượng người hoạt động tại chợ hàng đêm lên đến vài ngàn người, chưa kể mật độ người tập trung đông đúc diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao ở đây. Thế nên chợ Bình Điền chú trọng và tăng cường đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh.

Đang dịch Covid-19 nhưng tiểu thương chợ Bình Điền vẫn cố gắng vượt qua, tảo tần bán buôn

ẢNH: PHAN XUÂN

Để được vô chợ, bất kỳ ai, từ thương nhân, lao động ô vựa, đến các đối tác vào chợ hàng ngày... đều bắt buộc phải khai báo y tế nghiêm ngặt và phải đeo khẩu trang.
"Nếu như trước đây, có thể đi bằng nhiều đường để ra vào chợ, thì từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc phân luồng ra vào chợ đã được áp dụng. Song song đó, những băng rôn, biểu ngữ về phòng chống dịch bệnh cũng được treo dày đặc khắp khuôn viên chợ", anh Hoàng Trung (bảo vệ chợ) cho biết.
Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cũng liên tục sử dụng loa phát thanh để kêu gọi mọi người đến đây mua bán, kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Những bảo vệ như anh Trung cũng thường xuyên rảo bước khắp các nẻo nhà lồng để nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang.
Với các tiểu thương, bên cạnh việc nhất quyết "không tháo bỏ khẩu trang" dù cho bị ngộp, bị vướng víu khó chịu trong guồng xoay buôn bán, thì họ cũng rỉ tai nhau tự thay đổi phương thức giao dịch. Với họ, đây cũng như là cách để hạn chế tiếp xúc với người khác, nhằm hạn chế những hiểm nguy tiềm ẩn, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân.
Anh Trọng Trí (tiểu thương ngành hàng rau, củ, quả) cẩn thận lựa các loại rau tươi nhất rồi chất thành từng đống quanh sạp. "Tôi làm như vậy là để sẵn cho bạn hàng đã liên hệ trước. Thời điểm này dịch giã khó lường, bủa vây khắp nơi, không biết ai đến từ nơi nào, nên cách mua bán theo kiểu này cũng tiện, sẽ giúp hạn chế việc tiếp xúc ở khoảng cách gần. Khi mối liên hệ đặt hàng, mình báo giá rồi thương lượng trước qua điện thoại. Họ đến chỉ đưa tiền là xong", anh Trí nói.

Chợ Bình Điền chú trọng và tăng cường đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh

ẢNH: PHAN XUÂN

Chị Thị Bảy (bán cá ở chợ huyện Đức Hòa, Long An) khuân những thùng cá để lên xe ba gác, cho biết: "Trước đây thì còn lên chọn lựa từng con cá. Nhưng từ khi dịch Covid-19 quay trở lại, tôi gọi điện trước cho chủ báo số lượng, chỉ việc chạy xe lên thanh toán, chở về". Chị Bảy tươi cười khi hôm nay nhận được thùng đầy cá tươi ngon, hứa hẹn khi bày bán ở chợ huyện sẽ đắt khách.
5 giờ sáng. Những xe máy, xe ba gác... xuất hiện ở chợ Bình Điền ở Sài Gòn càng nhiều. Để rồi hàng ngàn tấn nông, thủy, hải sản, thực phẩm... theo những chuyến xe ấy tỏa về khắp siêu thị, chợ nhỏ lẻ, cơ sở buôn bán... góp phần phục vụ cho những bữa ăn của người dân Sài Gòn nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Giá trị giao dịch trung bình 100 - 120 tỉ đồng/ngày đêm

Theo thông tin đăng tải trên trang web Công ty Chợ Bình Điền (đơn vị quản lý trực tiếp chợ đầu mối, thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA), Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền có quy mô lớn nhất trong ba chợ đầu mối ở Sài Gòn (bên cạnh chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn), là nơi cung cấp các mặt hàng nông sản thực phẩm nhiều nhất thành phố.
Chợ hoạt động sầm uất chủ yếu từ khuya đến sáng. Khối lượng hàng hóa nông sản thực phẩm lưu thông qua chợ bình quân khoảng 2.500 tấn/ngày đêm. Giá trị giao dịch trung bình 100 - 120 tỉ đồng/ngày đêm.
Một khảo sát nhỏ, khi được hỏi về mong muốn trong thời điểm này, tất cả tiểu thương đều hy vọng dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi sau thời gian Sài Gòn giãn cách để công việc kinh doanh khởi sắc trở lại. Đồng thời, họ mong các cơ quan hữu trách cân nhắc bổ sung tiểu thương, người lao động ở chợ đầu mối trở thành đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.