Rác là... tiền
Bà Năm tên thật là Nguyễn Thị Năm (65 tuổi, quê Bình Thuận). Bà là người mà hầu hết những người kinh doanh buôn bán ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) đều quen mặt.
Bởi lẽ, khi chợ bắt đầu sáng đèn cho một đêm không ngủ, thì bà cũng bắt đầu cho một đêm mưu sinh kiếm sống.
Những thứ mà các chủ sạp kinh doanh vứt bỏ, bà nhặt nhạnh, gom lại. Từ bao bì, thùng nhựa, chai lọ..., bà không bỏ sót bất cứ vật gì mà bà nhìn thấy có thể tận dụng để bán được. "Rác là tiền. Thấy dơ dơ vậy chứ bán được hết", bà Năm lui cui nhặt đống bao đựng hải sản vừa vứt ra, nói chắc nịch.
Mỗi ngày, từ 20 giờ, bà Năm rời nhà đến chợ. Đợi chờ ở vị trí mà các công nhân vệ sinh đẩy rác đến đổ, bà bắt đầu dán mắt tìm kiếm những thứ mà bà cho là bán được.
"Từ hồi tối giờ tui lượm cũng được 6 sọt rồi đó. Lượm tới sáng mai chắc cũng kiếm được một trăm ngàn", bà Năm vừa kể vừa đợi chờ những xe rác tiếp theo.
Bà Năm kể, chỉ cần gom vỏ chai, bao bì, phế liệu lại chất một chỗ, thì sẽ có người đến mua lại chứ không cần phải kiếm chỗ bán. "Tui là mối quen của mấy người buôn bán ve chai mà", bà cười.
Hỏi bà theo cái nghề này đã được bao lâu, bà Năm nói bà chẳng nhớ rõ. Chỉ nhớ là lâu lắm rồi. Rời mảnh đất duyên hải Nam Trung Bộ, vợ chồng bà lây lất bằng đủ thứ nghề nhưng cũng bữa đói bữa no. Rồi chồng mất, bà suy sụp một thời gian dài. Bế tắc, bà bấu víu vào... nghề rác để kiếm sống. Kể từ khi chợ đầu mối Bình Điền hoạt động vào năm 2006, bà nương nhờ vào... rác của chợ này để mưu sinh.
|
"Nhờ rác ở đây, tui mới có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống cho tui với hai đứa con. Hai đứa con tui ăn học, nên người cũng nhờ những đồng tiền mà tui kiếm được từ những thứ mà họ vứt đi ở cái chợ này", bà Năm kể, rồi cho biết thêm: "Bây giờ thì lượm ngoài bãi rác này. Tới 4, 5 giờ thì vô trong các nhà lồng lượm tiếp. Ở trong đó nhiều thứ để lượm lắm. Tới 8, 9 giờ sáng chờ mấy người buôn bán ve chai đến cân để nhận tiền".
Bà Năm cũng tỏ ra giận dỗi và "khó chịu" khi hai đứa con bà nhất quyết không cho bà bươn chải bằng nghề rác nữa. "Chắc tụi nó sợ tui cực. Nhưng tui lấy lý do lớn tuổi phải hoạt động thường xuyên cho giãn gân giãn cốt. Tụi nó có "cấm" thì tui cũng đi lượm rác để kiếm tiền", bà nói rồi vội lại bãi rác khi thấy xe rác đang trờ tới.
Lấm lem đời... rác
Tại chợ đầu mối Bình Điền, có khá đông người như bà Năm. Họ cậy nhờ chợ đầu mối được xem lớn nhất ở Sài Gòn nói riêng cũng như cả nước nói chung này để nhặt rác kiếm sống. Họ kiếm tìm những thứ có thể bán được để nhặt nhạnh trong lượng rác khổng lồ được vứt bỏ mỗi đêm.
"Với người ta thì đó là rác. Nhưng với tui, đó là miếng cơm manh áo. Những bịch đựng tôm, cá... hôi tanh nên bị người ta vứt bỏ đi. Tui nhặt lại rồi cân ký bán", chị Phan Thị Quý (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) kể.
Mỗi đêm ròng rã đi khắp các nẻo chợ ở cả 7 khu nhà lồng, lục lọi từng thùng rác..., chị Quý cho biết: "Cũng kiếm được khoảng 100 - 150 ngàn đồng. Hồi trước, khi chưa có dịch Covid-19, chưa có giãn cách xã hội, người ta đến chợ mua bán đông đúc, nên hàng hóa bán ra nhiều, nhờ vậy mà rác cũng nhiều, nên có đêm nhặt rác bán được đến 300 ngàn đồng, thậm chí hơn. Còn bây giờ, người ta đến chợ ít hơn. Rồi dịch ảnh hưởng làm nhiều người thất nghiệp, nên họ cũng tìm đến cái nghề nghèo hèn lấm lem hôi hám này để kiếm sống. Nên kiếm được ít tiền hơn".
|
Rảo quanh một vòng chợ Bình Điền, cả phía ngoài lẫn trong các nhà lồng, không khó để nhận ra những phận đời nhọc nhằn, khổ cực, phải kiếm miếng ăn qua ngày, kiếm những đồng bạc lẻ bằng những thứ mà người khác vứt bỏ.
Ông Hoàng Dũng (66 tuổi, nhà ở đường Lưu Hữu Phước, P.15, Q.8) kéo xe đi quanh nhà lồng khu F, mắt ông cứ đảo quanh tìm kiếm hai bên lối đi chật hẹp. Trên xe ông treo sẵn chiếc bịch lớn.
Ông Dũng tâm sự bản thân cũng là "dân bốc xếp". Nhưng tuổi cao sức yếu, ít người thuê ông. Chỉ có những ai thương tình hoàn cảnh khốn khó của ông mới nhờ ông kéo một vài món hàng nhẹ, trả công 10 - 15 ngàn đồng.
Để có tiền cháo cơm qua ngày, gần 5 năm nay, ông Dũng đành đi tìm ve chai mà nhặt. Có những khi quần quật thâu đêm suốt sáng, lặng lẽ lần tìm rác ở mọi hang hốc trong các khu chợ, ông cũng chỉ có thể kiếm thêm được 5 - 7 ngàn đồng. "Tôi già rồi, mỗi đêm kiếm được ngàn nào thì hay ngàn đó để có mà mua ký gạo, chai mắm", ông chùng giọng giữa âm thanh huyên náo, nhộn nhịp của chợ đầu mối Bình Điền.
Nhặt mót miếng ăn
Nương nhờ vào chợ để kiếm kế sinh nhai không chỉ có những người bốc vác khổ cực hay những mảnh đời xem rác là miếng cơm manh áo. Mà ở đó, còn có những hoàn cảnh éo le, đến chợ để mưu sinh từ những thứ rơi rớt, vương vãi.
Chị N.T.H. (44 tuổi, quê An Giang) cúi người nhặt mấy quả cà chua mà chủ sạp rau, củ, quả vừa lựa bỏ đi. Trong bịch đựng mà chị vắt bên vai còn có một ít rau cần tây, cần tàu, đọt bí đã ngả màu. Có cả ba, bốn con tôm chẳng còn đầu, râu...
Dạo hết lối này đến lối kia, kiếm tiền hết khu nhà lồng này đến khu nhà lồng khác, tới 3 giờ sáng, chị H. nói: "Chắc đủ nấu cho hai ngày".
Chị H. kể từng phụ việc ở một quán ăn trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình). Nhưng từ ngày ở Sài Gòn giãn cách xã hội, chị bị chủ cho thôi việc. Chồng chị mưu sinh bằng nghề bảo vệ cho một nhà hàng trên đường Nguyễn Biểu (Q.5) cũng phải thất nghiệp. Không làm ra tiền trong khi nhà có đến 4 miệng ăn. Chưa kể phải lo toan đủ thứ tiền: tiền nhà trọ, tiền thuốc cho con gái bị bệnh...
Không còn kế sinh nhai, hai vợ chồng chị H. túng quẫn, bí bách. Hai vợ chồng chở nhau khắp các nơi để tìm công việc khác nhưng chẳng thấy nơi nào tuyển.
"Phải sống để tiếp tục kiếm việc làm", chị nghĩ tới việc đến chợ để nhặt mót đồ rơi rớt mà các chủ kinh doanh bỏ đi. Ai bỏ cá, chị nhặt cá. Ai bỏ rau, chị nhặt rau... Tất cả chỉ để nấu ăn sống tạm qua ngày, chờ tới ngày dịch Covid-19 được đẩy lùi để tiếp tục hành trình bám trụ ở thành phố này.
|
Tình cảnh của chị H. không là ngoại lệ. Bởi theo chị Hồng Thơm (chủ sạp kinh doanh cá biển), thì những trường hợp đi nhặt mót đồ rơi rớt ở chợ khá nhiều. "Người lớn cũng có, trẻ em cũng có. Nhiều khi tôi thấy tội nghiệp quá nên gọi hỏi, nghe kể vì nhà không có gì ăn, không có tiền đi chợ, phải nhịn đói nhiều ngày. Nghe mà thương đứt ruột nên cũng cho một, hai con cá xem như chia sẻ một bữa ăn với họ", chị Thơm chia sẻ.
Chị H. trải lòng, rằng: "Khốn khó quá nên tôi mới đi nhặt mót miếng ăn từ những thứ mà người ta đổ bỏ như thế này. Nhưng thôi kệ, cứ qua được ngày nào thì hay ngày đó cái đã. Ước mong sao rồi những ngày sau đỡ cơ cực hơn bây giờ"...
Chị H. nói rồi lặng lẽ rời chợ. Nhưng gương mặt khắc khổ, những nỗi niềm vừa kể của người phụ nữ này vẫn cứ khiến tôi không khỏi thương cảm, xót xa...
Thực hiện xong loạt bài viết trong những ngày Sài Gòn giãn cách, tôi đã quen biết thêm nhiều người. Là những người căng mắt bán buôn hàng đêm. Là những phận đời bốc vác bạc mắt bán sức khỏe để mưu sinh hàng đêm. Và cả những mảnh đời khốn khó phải bám víu, nương nhờ vào rác, nhặt nhạnh những thứ người khác bỏ đi đắp đổi miếng ăn qua ngày... Ai cũng có những lo toan, cơ cực. Thầm cảm ơn tất cả. Nhưng mỗi người đều khiến tôi nhận ra những bài học quý trong cuộc sống này. Đó là sự lạc quan, vươn lên không đầu hàng trước nghịch cảnh. Là không ngại khó ngại khổ để nỗ lực mưu sinh. Và cả lời cảm ơn họ vì đã giúp cho bữa ăn hàng ngày của riêng tôi cũng như hàng triệu người ở Sài Gòn này đủ đầy rau, thịt, cá... Thật mong tất cả họ đều bươn qua được những tháng ngày chao đảo vì dịch giã.
|
Bình luận (0)