Sổ tay:

Nói không với nhã ý phục dựng điện Kính Thiên

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/12/2023 07:17 GMT+7

PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, cho biết khi tái hiện điện Kính Thiên ở dạng mô hình, nghiên cứu của ông không nhằm mục đích phục dựng điện này.

Đã nhiều năm nay, Hà Nội theo đuổi mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên. Theo Nghị quyết số 21 ngày 23.9.2021 và Nghị quyết số 28 ngày 28.12.2022 của HĐND TP.Hà Nội, TP sẽ chi 1.800 tỉ đồng thực hiện dự án phục dựng điện Kính Thiên.

Nói không với nhã ý phục dựng điện Kính Thiên - Ảnh 1.

Hình chiếu và hố khai quật ở Đại Minh cung

PGS-TS BÙI MINH TRÍ

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho rằng: "Không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long cả về quy hoạch kinh đô lẫn kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh…".

Khi Viện Nghiên cứu kinh thành công bố mô hình điện Kính Thiên thời Lê sơ vào ngày 29.11, nhiều hy vọng về phục dựng Kính Thiên đã được khơi lên. Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, nghiên cứu của ông dựa trên kết quả khai quật ở khu vực điện Kính Thiên trong nhiều năm. Qua đó, có thể thấy được hình thái kiến trúc của cung điện để có thể dựng được cả nội và ngoại thất của ngôi điện thiết triều này.

"Kiến trúc cung điện này đã được tái hiện toàn bộ cả bên ngoài lẫn bên trong công trình. Phát hiện khảo cổ học đã giải mã được hết. Với thời Lý chúng ta mới chỉ giải mã được ngoại thất; còn Lê sơ, chúng ta giải mã được cả nội thất và ngoại thất. Khi nói đến bộ vì có nghĩa là bên trong công trình. Giải mã được bộ vì nghĩa là giải mã bên trong đã xong", PGS-TS Trí nói.

Mặc dù vậy, PGS-TS Trí cho biết: "Tôi không có nhã ý dùng kết quả nghiên cứu này để phục dựng điện Kính Thiên". Ông cho rằng, việc sử dụng các mô hình được làm kỹ lưỡng sẽ giúp hình dung cũng như đem lại cảm xúc tốt hơn là chạy theo việc phục dựng điện Kính Thiên.

Để tăng tính thuyết phục cho quyết định "không phục dựng Kính Thiên" của mình, PGS-TS Trí đưa ra các hình ảnh về cung điện Đại Minh tại Trung Quốc. Di chỉ Đại Minh cung đã được khai quật từ khoảng năm 1950, các phát hiện cũng đủ để hình dung ra hình thái kiến trúc của Đại Minh cung. Tuy nhiên, thay vì theo đuổi việc phục dựng, một công viên quốc gia đã được thành lập vào năm 2010 với tên gọi "Công viên quốc gia di chỉ Đại Minh cung" để trưng bày cũng như bảo vệ di tích.

Tại công viên này, theo PGS-TS Bùi Minh Trí, một số bộ khung gỗ với đấu củng đã được dựng lên để người xem có thể hình dung về độ lớn, độ tinh xảo của cung điện xưa. Mô hình cung điện cũng được dựng lại với đầy đủ mặt bằng. Tại các hố khai quật, màn hình được dựng rất gần và người ta có thể xem được hình ảnh của cung có liên quan thế nào với hố khai quật đó. Đây là cách trưng bày mà ông Trí cũng đã áp dụng ở kinh đô Hoa Lư. Theo đó, từ hố khai quật, người xem có thể xem các hình chiếu để hình dung xưa kia sân điện ra sao.

Nói không với nhã ý phục dựng điện Kính Thiên - Ảnh 2.

Các cột kiến trúc, đấu củng được dựng lại ở khu trưng bày của Công viên di sảnĐại Minh cung

PGS-TS Bùi Minh Trí nói: "Cái tôi muốn là sự hình dung, sự hoài niệm về quá khứ, cảm xúc của người xem mô hình cùng với các hiện vật Hoàng cung Thăng Long xưa. Đó cũng là điều người ta đã làm ở Đại Minh cung. Trong công viên đó, mỗi ngày có hàng chục ngàn người tới thăm. Công viên đó cũng đã được UNESCO ghi danh di sản thế giới vào năm 2014, là một phần của Con đường tơ lụa".

Điều PGS-TS Bùi Minh Trí nói cũng là một gợi ý về hướng bảo tồn phát triển Hoàng thành Thăng Long, trong đó có điện Kính Thiên. Đặc biệt là khi việc phục dựng Kính Thiên có thể dẫn tới phá bỏ một số kiến trúc lịch sử liên quan đến các cuộc kháng chiến của dân tộc, gợi ý này không phải không có lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.