Nỗi lo sân khấu kịch xã hội hóa kiệt sức

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/11/2021 06:15 GMT+7

Hội Sân khấu TP.HCM đang chờ thông tin về việc tổ chức liên hoan sân khấu kịch cho khu vực phía nam. Trong khi đó, lâu nay sân khấu xã hội hóa khu vực này rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của nhà nước.

Liên hoan kịch 2 lần liên tiếp tại TP.HCM

Hiện tại, khi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc diễn ra tại Hải Phòng thì thời điểm tổ chức liên hoan kịch nói khu vực phía nam vẫn chưa chốt được ngày chính xác. Trước đó, Sở VH-TT TP.HCM có đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn để được tổ chức liên hoan khu vực vào khoảng tháng 3 - 4.2022; Hội Sân khấu TP.HCM muốn liên hoan diễn ra vào khoảng tháng 12, trong khi Cục Nghệ thuật biểu diễn lại muốn khoảng tháng 1.2022. Về điều này, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết nếu liên hoan không diễn ra vào tháng 1 sẽ rất khó khăn về kinh phí.

Sân khấu Idecaf phải đi thuê địa điểm để diễn và đây là một gánh nặng tài chính

Có 15 đoàn dự thi thì ít nhất 300 diễn viên. Theo quy chế, số lượng huy chương khoảng 35%. Như vậy, có ít nhất 100 huy chương. Không theo năm ngân sách thì tiền đâu ra làm giải thưởng, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, việc tổ chức thêm liên hoan riêng cho khu vực phía nam được làm theo tinh thần “không bỏ lại bất cứ ai”. Chính vì thế, dù liên hoan sân khấu kịch gần nhất đã tổ chức tại TP.HCM nhưng lần này vẫn tiếp tục tổ chức để các nghệ sĩ ở đây có điều kiện tham gia. “Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi và đang chờ văn bản từ TP.HCM trước khi cùng quyết định thời điểm chính thức tổ chức. Theo đăng ký, nếu tổ chức tại TP.HCM thì có 15 vở, 14 đoàn, cơ bản là sân khấu xã hội hóa”.

Lúng túng hỗ trợ

Trong bối cảnh các sân khấu đều gặp khó khăn vì dịch Covid-19 thì sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM còn khó khăn hơn nhiều vì phải tự chủ kinh tế và không có cơ sở vật chất riêng. Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết mỗi sân khấu xã hội hóa đều thuê chỗ để diễn và tập luôn. “Các sân khấu đều phải tự lực. Hồng Vân thuê ở Phú Nhuận, bên Idecaf thuê trụ sở Trung tâm văn hóa Pháp, Sài Gòn Phẳng thuê của Trường Sân khấu… Quốc Thảo thuê của Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Trịnh Kim Chi thuê ở Q.11, Thành Hội thuê Q.10. Nói chung các sân khấu đều phải đi thuê”, ông Giàu điểm lại.

Sân khấu Phú Nhuận đưa ra rất nhiều kịch mục nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19

chụp màn hình

Cũng theo ông Giàu, khả năng hỗ trợ địa điểm của nhà nước là khó. “Nhà hát nhà nước hiện nay có Nhà hát Kịch TP.HCM nhưng rạp cũng chưa sửa chữa nên có coi như không. Lâu nay đã xập xệ, vừa rồi lại bị cháy, chưa sửa. Nhà nước cũng không có chỗ cho sân khấu xã hội hóa mượn”, ông Giàu cho biết.

Về hỗ trợ kinh phí dựng vở hoặc các hình thức hỗ trợ khác từ phía nhà nước, ông Giàu chia sẻ: “Chắc về phía nhà nước cũng không có giải pháp gì. Phía anh em nghệ sĩ thì kêu nhiều rồi. Việc này anh em đặt vấn đề nhiều nhưng vẫn khó. Ví dụ liên hoan sân khấu trong này thì các sân khấu tự bỏ tiền, tự thuê địa điểm, tự tập, tự nguyện để diễn thôi chứ không ai cho tiền”.

Về khả năng nhà nước đặt hàng vở diễn cho sân khấu xã hội hóa, nhà biên kịch Chu Thơm, một người gắn bó với sân khấu xã hội hóa, cho biết: “Tôi cùng các bác Trần Đình Ngôn, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Xuân Đức là 4 người được nhà nước đặt hàng đầu tiên, 142 triệu đồng/tác phẩm. Nhưng đặt hàng như thế phải nói thật là kén khách. Khi nhà nước đặt hàng thì sẽ quản lý nội dung. Bây giờ đặt hàng xã hội hóa thì đúng là rất khó. Sân khấu xã hội hóa phải bán được vé mới sống được, mà đề tài đặt hàng kén khách quá”.

Về cơ chế, ông Trần Hướng Dương cũng cho biết không thể hỗ trợ bằng cách nhà nước đặt hàng các sân khấu xã hội hóa, dù nhà nước vẫn đặt hàng các nhà hát thuộc Bộ VH-TT-DL. “Sân khấu năm nào cũng có vở diễn đặt hàng. Nhưng đặt cho sân khấu xã hội hóa thì luật ngân sách không cho phép. Cái đấy không có cơ chế, nên câu hỏi này dành cho Bộ Tài chính, và chỉ có cách là phải sửa luật ngân sách thôi”, ông Dương nói.

Về phần mình, ông Chu Thơm hiến kế có thể mở cuộc thi kịch bản, kèm theo thi cả phương án vở diễn. Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Sân khấu có thể kết hợp chấm và tài trợ. “Không thể để sân khấu xã hội hóa kiệt sức như thế. Các nghệ sĩ sân khấu kịch xã hội hóa góp phần duy trì đời sống văn hóa của thành phố lớn nhất nước. Người ta diễn cả tết, trong khi ở nhiều nơi diễn viên nghỉ trước cả ông Công, ông Táo. Nếu nhà nước có cách nào đầu tư được thì tốt quá. Như tổ chức thi kịch bản, từ đó các đơn vị thể hiện thành vở diễn. Vở nếu tốt, đi xem mộc thấy được thì đầu tư bước đầu, rồi sau đó nhà nước đầu tư để sân khấu xã hội hóa phát triển lên”, ông Thơm chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.