LÒ GẠCH DUY NHẤT ĐÓNG CỬA
Những ngày qua, thông tin lò gạch duy nhất cung cấp vật liệu cho việc trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn (ở xã Duy Phú, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) của ông Nguyễn Quá (75 tuổi, ở xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên) phải dừng hoạt động do nằm trong khu dân cư khiến các chuyên gia không khỏi lo lắng. Bởi từ trước đến nay, để phục vụ trùng tu các tháp ở Mỹ Sơn, nguồn gạch chính được lấy từ hai nguồn: tận dụng nguồn gạch gốc thu được từ khai quật và gạch lấy từ lò nung của ông Nguyễn Quá.
Ban quản lý (BQL) di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Năm 2003, các chuyên gia Ý đến Mỹ Sơn trùng tu tháp Chăm với sự bảo trợ của UNESCO. Thời điểm đó, các chuyên gia đã bắt tay vào dự án trùng tu nhóm đền tháp G, nhưng do tháp G đổ nát, số gạch thu được từ quá trình khai quật không đủ để tái sử dụng nên thách thức lớn nhất lúc bấy giờ chính là vật liệu gạch để trùng tu. Vì vậy, các chuyên gia đã làm nhiều cách để tìm ra loại gạch đủ tiêu chuẩn phục vụ trùng tu các đền tháp Chăm. Các nhà khoa học đã lấy mẫu gạch gốc, đập vỡ vụn ra và phân tích thành phần trong phòng thí nghiệm để tạo ra loại gạch tương tự. Đồng thời, mời người dân quanh Mỹ Sơn có kinh nghiệm để làm thử các loại gạch cổ, tuy nhiên không đem lại kết quả. Từ sự "mách nước" của người dân địa phương, các chuyên gia đã tìm đến lò gạch của ông Nguyễn Quá.
Dựa trên yêu cầu của các chuyên gia, ông Quá đã tự mày mò, nghiên cứu. Sau nhiều lần thực nghiệm, gạch ra lò đạt gần như tuyệt đối những chỉ số cơ bản về lý, hóa so sánh với gạch cổ tại Mỹ Sơn, khiến các chuyên gia trùng tu cũng như các nhà quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn không giấu nổi sự bất ngờ.
Từ năm 2005 đến nay, có 4 nhóm đền tháp (G, A, H và K) với 16 công trình và tường bao tại Mỹ Sơn được trùng tu từ phần lớn là gạch phục chế của cơ sở ông Nguyễn Quá. Phần còn lại là gạch gốc thu được từ quá trình khai quật. Ngoài ra, gạch của ông Quá còn được đưa đi Gia Lai, Bình Thuận để trùng tu các công trình cổ của người Chăm; thậm chí được mua đưa qua Lào cho dự án trùng tu đền cổ Wat Phou.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết do lò gạch của ông Nguyễn Quá nung thủ công, ảnh hưởng tới môi trường khu dân cư nên đã bị chính quyền yêu cầu tạm ngưng hoạt động. "Đây là cơ sở duy nhất trên địa bàn tỉnh làm ra được loại gạch "đặc biệt" để phục vụ trùng tu các đền tháp cổ tại Mỹ Sơn cũng như các di tích Champa khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, nếu lò gạch này đóng cửa, chắc chắn sẽ thiếu gạch để trùng tu các tháp ở Mỹ Sơn", ông Khiết nói.
NGUY CƠ DỰ ÁN TRÙNG TU GIỮA HAI CHÍNH PHỦ 'ĐỔ BỂ'
Ông Nguyễn Công Khiết cho hay hiện nay Chính phủ VN và Ấn Độ đã ký kết hợp tác để trùng tu các nhóm tháp E, A', F1… Trong đó, năm 2025 sẽ tiến hành trùng tu nhóm tháp F1. "Với tình hình không thể sản xuất gạch như hiện nay của cơ sở ông Nguyễn Quá, nguy cơ ký kết hợp tác giữa hai Chính phủ trong việc trùng tu tháp F1 sẽ bị "đổ bể" do thiếu nguồn gạch", ông Khiết nhấn mạnh.
"Hiện việc trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn đều phụ thuộc vào lò gạch này. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của BQL là các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để lò gạch tư nhân của ông Nguyễn Quá có vị trí xây dựng mới để tiếp tục sản xuất gạch, phục vụ công tác trùng tu các tháp ở Mỹ Sơn cũng như các di tích Champa trên địa bàn tỉnh", ông Khiết nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết nhiều đền tháp sau thời gian 20 năm trùng tu từ nguồn gạch của cơ sở ông Nguyễn Quá đều chịu đựng tốt. Tuy nhiên, vừa qua do quá trình sản xuất lò gạch này có ảnh hưởng đến môi trường nên H.Duy Xuyên đã yêu cầu tạm dừng hoạt động. Mặt khác, ông Nguyễn Quá cũng đã lớn tuổi nên mong muốn được nghỉ ngơi.
Theo ông Hồng, hiện các dự án trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn đã hoàn thành, nhưng nay có thêm một dự án mới từ sự hợp tác giữa hai Chính phủ VN và Ấn Độ. "Giải pháp hiện nay là tìm một địa điểm thích hợp di chuyển lò gạch của ông Quá đến nơi mới, cùng với đó vận động ông giúp duy trì thêm vài năm nữa nhằm truyền đạt, đào tạo ra một đội ngũ chuyên gia ở địa phương để làm ra được loại gạch như chính ông Quá đã tạo ra", ông Hồng nói.
Bình luận (0)