Nỗi lo thói quen phán xét và ứng xử chợ búa trên không gian mạng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/04/2023 07:49 GMT+7

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, có hai hiện tượng trên mạng khá phổ biến tại VN. Đó là phán xét và ứng xử chợ búa.


"Phán xét cuộc sống của bất cứ người nào"

Ngày 19.4, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday do Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ VH-TT-DL phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức. Phát biểu tại tọa đàm GS-TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, dẫn số liệu nếu tìm kiếm từ khóa "ứng xử kém văn minh" thì ngay lập tức kết quả trả về trên Google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, VN nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt đang dần bị mai một và cũng cho thấy mối lo với ứng xử của người trẻ.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc LeBros, nói về ứng xử trên mạng: "Tôi nói với họ về công việc, nhưng họ lại lấy vóc dáng của tôi ra để nói. Những chuyện đó ở VN rất phổ biến. Trên mạng, những người sử dụng ngôn từ, không chỉ nghệ sĩ mà cả người bình thường, có thể dùng những ngôn ngữ rất chợ búa. Đó là một hiện trạng ứng xử".

Cũng theo ông Vinh, một hiện trạng nữa có thể nhìn thấy là những con người bình thường bỗng nhiên trở thành người phán xét. "Họ tham gia phán xét bất cứ vấn đề gì, bất cứ cuộc sống của con người nào. Người ta phải thế này, người ta phải thế kia, tóm lại là phải sống theo cách mà các anh chị phán xét muốn. Sự phán xét này có tác động tâm lý rất lớn vào những người liên quan. Khi đó những bàn phím có thể trở thành vũ khí chết người, đã có người tự sát vì bị tấn công trên mạng, đã có những gia đình tan đàn xẻ nghé vì thông tin bịa đặt trên mạng…", ông Vinh nói.

Nỗi lo thói quen phán xét và ứng xử chợ búa trên không gian mạng - Ảnh 1.

Nỗi lo thói quen phán xét và ứng xử chợ búa trên không gian mạng - Ảnh 2.

Dư luận nhiều lần bức xúc trước những phát ngôn,ứng xử của một số nghệ sĩ trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Ba lưới lọc nội dung

Về vấn đề xử lý đối với nghệ sĩ hành xử không chuẩn mực trên không gian mạng, diễn viên Hàn Trang cho rằng khi nghệ sĩ có vi phạm, từ khán giả, nhà sản xuất, nhãn hàng cũng sẽ tự hạn chế sử dụng hình ảnh của những nghệ sĩ ấy rồi. Vì thế, nếu cấm sóng cũng là nặng nề. "Tôi nghĩ làm sai luật thì đã có luật xử lý rồi. Việc cấm sóng hơi nặng nề một chút. Trên không gian mạng người nghệ sĩ có thể sử dụng ứng xử của mình để lan tỏa những điều tích cực vì người trẻ hiện quan tâm nhiều đến mạng xã hội, quan tâm nhiều đến người nổi tiếng trên đó. Vì thế, chúng tôi nghĩ sẽ cố gắng để mang lại điều tốt cho các bạn trẻ suy nghĩ có lối sống tích cực hơn", cô nói.

Người mẫu Hạ Vi lại nói đến việc gia đình cần luôn bên cạnh người trẻ để hướng dẫn họ cách ứng xử đúng mực. Các bạn trẻ đôi khi cũng muốn thể hiện quan điểm bằng cách không kết bạn với bố mẹ hoặc block bố mẹ trên Facebook. Nếu bố mẹ muốn gần gũi và hướng dẫn con thì không nên để điều đó xảy ra.

Theo ông Lê Quốc Vinh, mạng xã hội Facebook còn thiết kế ra sự giận giữ cũng như tạo ra ham muốn được tranh cãi. Điều đặc biệt của Facebook là khi cãi nhau ở đó người ta ít chấp nhận điều thua thiệt vì có quá nhiều người đang nhìn vào. Vì thế, khi ai đó hành động xấu trên Facebook mà có "khán giả" theo dõi thì điều xấu đó lại càng gia tăng. Trong khi đó, tranh cãi trên WhatsApp thì chỉ có 2 người với nhau còn tranh luận trên YouTube thì lại như rơi tõm vào khoảng không vì "khán giả" tập trung vào nội dung đoạn video hơn. "Điều đặc biệt cho tranh cãi ở Facebook là chúng ta có khán giả, có người đưa chuyện, người hóng chuyện. Nếu chúng ta không tham gia vào cuộc đàm thoại có thông tin xấu thì nó sẽ không có cơ hội phát triển nữa", ông Vinh nói.

Chuyên gia này cho rằng về ứng xử của nghệ sĩ, họ có thể bị hạn chế phát sóng, cấm sóng nếu có ứng xử sai lệch. "Tốt nhất là mỗi người nên có những lưới lọc mà triết gia Socrates đặt ra. Lưới lọc thứ nhất là sự thật, anh có chắc điều mình nói là sự thật không. Lưới lọc thứ hai là sự tử tế, anh có chắc điều anh nói ra với tôi sẽ tốt cho tôi không. Lưới lọc thứ ba là có hữu dụng cho ai không, hay nói ra chẳng để làm gì. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta biết cách chọn cái gì để nghe, chọn cái gì để nói", ông Vinh nói.

Ông Trần Hướng Dương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết Cục đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ TT-TT để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của việc các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. "Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL phê duyệt", ông Trần Hướng Dương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.