Không chỉ lo những vườn trái cây mất giá bị chặt bỏ, ngay cả những loại đang được giá cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường. Ví dụ như sầu riêng, loại trái cây "hot" nhất hiện nay khi thị trường trị giá hàng tỉ USD là Trung Quốc mở cửa khiến giá tăng vọt... Gần như ngay lập tức, nhiều người chặt bỏ vườn trái cây sẵn có để trồng sầu riêng, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan có thẩm quyền.
Nhưng lịch sử giao thương với thị trường Trung Quốc đã để cho ngành nông nghiệp không ít "thương đau" từ việc lao theo nhu cầu nhất thời nhưng thiếu tính bền vững. Chúng ta đã từng đổ thanh long cho bò ăn; chặt bỏ các vườn chuối; giải cứu khoai lang, hành tím... cũng từ những cuộc chạy đuổi như thế này. Thế nên giờ đây, người ta không chỉ lo lắng khi cam sành, xoài, ổi đang rẻ như bèo mà lo cả cho những vườn sầu riêng, mít, thanh long giá tăng cao vời vợi. Tất cả chẳng có gì chắc chắn khi chính sách, tiêu chuẩn, chất lượng... của thị trường láng giềng liên tục thay đổi, trong khi nuôi - trồng của chúng ta còn quá "hồn nhiên".
Thực ra mới đây Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành đề án quy hoạch 14 loại cây ăn quả chủ lực với vùng trồng và sản lượng cụ thể. Nhưng lãnh đạo Bộ này cũng nói thẳng, quy hoạch chỉ mang tính định hướng, còn người nông dân, thương lái và doanh nghiệp sẽ quyết định trồng cây gì phù hợp theo diễn biến thị trường và năng lực sản xuất của mình.
Đúng là rất khó để "bắt" người ta trồng cây gì, nuôi con gì trong vườn, trong chuồng của họ. Thế nhưng nếu quy hoạch xong rồi để cho họ tự quyết thì vấn nạn trồng - chặt, chặt - trồng của ngành nông nghiệp có lẽ sẽ chẳng bao giờ giải quyết được. Vì vậy, dù không thể "ép" nhưng đã quy hoạch thì cũng cần có các điều kiện để những người nông dân thực hiện đúng quy hoạch thấy được lợi thế của việc này như hỗ trợ đầu vào, đầu ra; chế biến... Từ đó, họ sẽ không chạy theo thị trường tự phát mà rơi vào chặt - trồng, trồng - chặt nữa.
Tương tự như lúa gạo, với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, từ đó tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã lập đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và nhận được sự hưởng ứng của các địa phương nội vùng. Đề án rõ ràng, cụ thể và thực tế cho thấy, gạo Việt ngày càng được giá, được tiếng, thâm nhập nhiều thị trường khó tính chứ không chỉ bán lấy lượng như trước đây. "Đầu ra" rõ ràng, bền vững và rộng mở... thì ngay cả sầu riêng, mít hay thanh long có lợi thế cũng không dễ lôi kéo người ta bỏ lúa để trồng.
Nếu nhìn ở góc độ đó, tín hiệu thị trường chính là sự linh hoạt trong cả các cơ chế, chính sách và tư duy đối với các loại nông sản. Lúa gạo là sản phẩm chủ lực của chúng ta suốt nhiều thập niên qua, nhưng giờ đây tỷ trọng xuất khẩu của các loại nông sản khác ngoài gạo cũng đã tăng lên rất cao, mang lại giá trị ngày càng lớn nên rất cần được quan tâm tương ứng để giá trị gia tăng cũng như tính đa dạng của ngành nông nghiệp nội địa ngày càng cao, bền vững.
Chỉ khi đó, giá tăng thì mừng chứ không chỉ vừa mừng vừa lo như hiện nay.
Bình luận (0)