Theo đó, mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không: các hãng quy mô khai thác đến 10 máy bay cần mức vốn tối thiểu 300 tỉ đồng. Nghị định 92 cũ quy định 700 tỉ đồng với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế, 300 tỉ đồng với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Với quy mô khai thác từ 11 - 30 máy bay, theo Nghị định 92 mới, các hãng cần 600 tỉ đồng. Trước đó, Nghị định 92 cũ quy định vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng với doanh nghiệp có khai thác quốc tế và 600 tỉ với doanh nghiệp chỉ khai thác nội địa.
Quy mô khai thác trên 30 máy bay theo quy định mới chỉ cần vốn tối thiểu 700 tỉ đồng, Nghị định 92 cũ quy định tới 1.300 tỉ đồng với doanh nghiệp có khai thác quốc tế à 600 tỉ với doanh nghiệp chỉ khai thác nội địa.
Trên thực tế, các hãng hàng không đã thành lập và đang xin phép thành lập đều khai thác cả nội địa và quốc tế như Vinpearl Air, Viettravel Airlines... Việc nới sâu các quy định về vốn tối thiểu được đánh giá là mở rộng hơn cánh cửa thành lập hãng hàng không trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, điều 6 của Nghị định 92 quy định điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác cũng được nới khá nhiều, từ 4 điều kiện ban đầu rút xuống chỉ còn 2 điều kiện.
Đặc biệt, Nghị định 92 sửa đổi không quy định về tuổi của máy bay đã qua sử dụng. Trước đó, Nghị định 92 quy định máy bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam thực hiện vận chuyển hành khách không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam, không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến ngày kết thúc hơp đồng. Riêng với trực thăng không quá 25 năm, tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê...
Điều 6 Nghị định 92 sửa đổi chỉ quy định phương án bảo đảm có máy bay khai thác gồm số lượng, chủng loại, tuổi của máy bay, hình thức chiếm hữu; phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng máy bay.
Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1.1.2020.
Bình luận (0)