Nổi mụn nước, lở loét, đi khám phát hiện tiểu đường, nhiễm trùng nặng

Lê Cầm
Lê Cầm
19/01/2024 12:24 GMT+7

Ông P.V.M (63 tuổi, TP.HCM) nổi các cụm mụn nước ở bả vai, cổ, gáy và trước ngực gây ngứa rát, đau nhức. Đi khám tại phòng khám, ông được chẩn đoán zona, tuy nhiên ông uống kháng sinh, bôi kem vẫn không lành.

Thấy vết thương không lành, ông tự ý mua nhiều loại lá cây về đắp thì vết thương mưng mủ, lở loét và đau nhiều hơn nên ông được vợ đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Ông nhập viện trong tình trạng vùng cổ gáy và bả vai trái sưng nề, hoại tử, bốc mùi hôi tanh và nổi nhiều mụn mủ. Ông M. đau nhiều, mệt mỏi, li bì, ăn uống kém, không thể đi lại và mất ngủ về đêm. Các bác sĩ nghi ngờ người bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu do bội nhiễm vết thương vùng cổ, gáy và vai trái, đồng thời phát hiện ông mắc bệnh tiểu đường mà trước đó chưa được phát hiện với mức đường huyết lúc nhập viện gấp 5-6 lần với người bình thường (chỉ số bình thường < 140 mg/dL).

Ngày 19.1, thạc sĩ - bác sĩ Trần Đình Mạnh Long (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết tình trạng đường huyết cao lâu ngày không được phát hiện cùng với cách chăm sóc, điều trị vết thương chưa hợp lý đã khiến tình trạng bệnh của ông M. diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ rơi vào nhiễm toan ceton, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Người bệnh được kiểm soát đường huyết tích cực bằng insulin truyền tĩnh mạch và điều trị thuốc kháng sinh mạnh.

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, mức đường huyết ổn định nên ông M. cảm thấy khỏe hơn nhiều, vết thương giảm đau nhức, thoát khỏi nguy kịch. Ông M. tiếp tục được rạch tháo mủ từ ổ áp xe, cắt lọc da, mô hoại tử, làm sạch vết thương.

Sau 7 ngày chăm sóc, vết thương tiến triển tốt, ông M. được các bác sĩ đặt máy hút áp lực âm để đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Trước khi xuất viện, bác sĩ Long tư vấn cho ông M. về chế độ ăn cho người tiểu đường, cách dùng thuốc, chăm sóc vết thương và lịch tái khám.

Nổi mụn nước, lở loét, đi khám phát hiện tiểu đường, nhiễm trùng nặng- Ảnh 1.

Vết thương của ông M. sau khi điều trị zona 2 tuần tại nhà bằng thuốc và đắp lá cây

NVCC

"Nhiễm trùng và tăng đường huyết có mối quan hệ tác động qua lại"

Ông M. cho biết, ông không biết bản thân bị tiểu đường nhưng trong vòng 6 tháng nay, ông có các dấu hiệu khát nước, uống nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, nhìn mờ. Trước đây, ông M. có thói quen bỏ bữa, có ngày chỉ uống một ly cà phê và thường xuyên ăn khuya.

“Không ngờ chỉ bị zona bình thường nhưng có thêm bệnh tiểu đường lại gây vấn đề nghiêm trọng như vậy”, ông M. chia sẻ

Bác sĩ Trần Đình Mạnh Long giải thích tình trạng đường huyết cao lâu ngày thường gây suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng lan rộng, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong khi đó, nhiễm trùng là một tình trạng bệnh cấp tính. Khi bị nhiễm trùng nặng, cơ thể sẽ có các cơ chế phản ứng lại gây tăng đường huyết. Có thể nói, nhiễm trùng và tăng đường huyết tác động qua lại như một vòng tuần hoàn, nếu không kiểm soát tốt cả hai yếu tố thì sẽ làm tăng khả năng thất bại trong điều trị.

Để phòng bệnh tiểu đường, bác sĩ Long khuyên người dân nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, hạn chế ăn nhiều chất bột đường, thịt đỏ, dầu mỡ, không ăn khuya, thức khuya, bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống có cồn… Người đang có tình trạng thừa cân, béo phì nên tăng cường hoạt động thể lực, giảm cân để đạt cân nặng lý tưởng sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, người dân nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần/năm giúp phát hiện sớm bệnh, phòng biến chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.