Nơi nào ô nhiễm nhất thế giới?

06/04/2022 16:12 GMT+7

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới , 99% toàn cầu phải sống trong không khí ô nhiễm tới từ khí thải giao thông, chất thải công nghiệp hay các yếu tố tự nhiên như bụi sa mạc.

Toàn cầu hít thở không khí ô nhiễm

Theo NBC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cập nhật về cơ sở dữ liệu không khí sau 6 tháng điều tra. Kết quả điều tra từ hơn 6.000 thành thị ở khắp mọi nơi cho thấy, 99% dân số toàn cầu đang hít thở trong một bầu không khí không đảm bảo, chứa nhiều vật chất có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp. Chất lượng không khí kém nhất thuộc về vùng Địa Trung Hải, khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Cụ thể hơn, báo cáo mới nhất của WHO đã có lần đầu tiên sử dụng thêm nồng độ nitơ điôxít (NO2) trên mặt đất để tính toán, bên cạnh nồng độ 2 loại bụi mịn truyền thống là PM2.5 và PM10. Nitơ điôxít chủ yếu được tạo ra từ quá trình đốt cháy nguyên liệu, phổ biến nhất là từ các phương tiện giao thông. Theo WHO, nitơ điôxít có thể gây ra các bệnh về hô hấp như khó thở hay hen suyễn, khu vực phía đông Địa Trung Hải là nơi có nồng độ nitơ điôxít cao nhất trên thế giới.

Hai dạng vật chất truyền thống còn lại có nhiều nguồn gốc tới từ các nhà máy điện, chất thải từ nông nghiệp, khí thải công nghiệp hay các yếu tố tự nhiên như bão cát. Báo cáo của WHO cho thấy, Ấn Độ là quốc gia có mức PM10 cao nhất, Trung Quốc là nước có mức PM2.5 cao nhất.

Một buổi chiều đầy bụi tại Kolkata, Ấn Độ

AP

PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.

PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Ngoài ra, PM2.5 còn chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Tiến sĩ Maria Neira, Trưởng bộ phận Môi trường và sức khỏe của WHO, cho biết: “Chúng ta đã sống sót qua đại dịch nên thật khó để chấp nhận sự thật rằng vẫn có 7 triệu người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Chúng ta có công nghệ để thay đổi điều này, nhưng vẫn còn quá nhiều khoản tiền được đầu tư vào các lĩnh vực không hề làm cho bầu khí quyển trở nên trong lành hơn”.

Theo các chuyên gia môi trường tại Ấn Độ, báo cáo của WHO đã chỉ ra sự cần thiết của những thay đổi để không làm tồi tệ thêm chất lượng của bầu khí quyển. Ấn Độ và mọi quốc gia trên thế giới cần phải đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng, thoát ly nhiên liệu hóa thạch, mở rộng quy mô các dự án năng lượng xanh và giáo dục người dân về phân loại rác thải. Cần biết, hơn 60% khối lượng bụi mịn PM2.5 tại Ấn Độ tới từ ngành công nghiệp và giao thông.

Không khí trắng đục tại Việt Nam

Ngọc Dương

Việt Nam xếp hạng thứ 36 toàn cầu về ô nhiễm không khí

Theo báo cáo của Iqair, trong năm 2021, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam cao gấp 4,9 lần mức độ không khí đảm bảo của WHO, xếp hạng thứ 36 toàn thế giới về ô nhiễm không khí. Hai địa phương có chất lượng không khí kém nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Mới đây nhất, ngày 4.4, Tổng cục Môi trường ghi nhận chỉ số AQI (chất lượng không khí hàng ngày) tại Hà Nội ở mức 153, tại Bắc Ninh là là 163, các chỉ số trên đều thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu.

Theo các chuyên gia, chất lượng không khí ở Bắc bộ vẫn đang trong giai đoạn ô nhiễm. Khi không khí ô nhiễm, nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Nhóm người nhạy cảm tránh hoạt động ngoài trời, tốt nhất nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.