Nối nghiệp gia đình: Thu nhập khấm khá từ nghề viết liễn

Phạm Hữu
Phạm Hữu
23/08/2023 08:00 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp ĐH ngành xây dựng, anh Lương Triều Minh (34 tuổi, ngụ TP.HCM) chọn quay về nối nghiệp gia đình bằng nghề viết liễn truyền thống.

Không đợi đến tết mà ngay cả ngày thường, cửa tiệm nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) của anh Minh vẫn đông khách. Không những giữ được cách làm truyền thống của gia đình mà anh còn mở rộng ra các kênh trực tuyến hoặc đi nhiều nơi để dạy viết liễn.

Nối nghiệp gia đình: Thu nhập khấm khá từ nghề viết liễn - Ảnh 1.

Anh Lương Triều Minh nối nghiệp và phát triển nghề viết liễn của gia đình

3 ĐỜI VIẾT LIỄN

Anh Minh cho biết trước đây ông nội nhờ khéo tay biết viết liễn, nên mỗi khi tết đến, ông đều bày giấy trắng cùng mực tàu để viết chữ phục vụ cộng đồng người Hoa ở khu Chợ Lớn.

"Sau đó ba tôi cũng quan sát rồi học theo, tập viết từ khi còn nhỏ, đến năm 18 tuổi, ba đã bắt đầu theo nghề của ông nội để đi viết liễn kiếm tiền", anh Minh kể và cho biết thời gian đó nghề viết liễn rất thịnh hành, cửa tiệm lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Cho nên, đây cũng là nghề chính mà ba của anh làm để nuôi gia đình. Đến giờ, ba anh Minh đã có hơn 40 năm trong nghề viết liễn.

Nhớ về thời hoàng kim của nghề, anh Minh cho biết ở khu Chợ Lớn, hầu như ai cũng biết đến tiệm của ba mình. Mỗi năm tết đến, anh không nhớ nổi có bao nhiêu lượt khách đến nhờ ba viết.

Ngày còn nhỏ, trong những lần phụ ba mài mực, anh Minh bắt đầu nhìn và học nghề viết liễn. Từ một tiệm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), sau đó ba của anh đã mở rộng với nhiều tiệm liền kề cùng hàng chục thợ phụ.

Đến năm 15 tuổi, anh Minh đã thành thạo và có thể phụ ba viết liễn trong mỗi mùa tết. Dù tốt nghiệp ĐH ngành xây dựng, nhưng vì quá yêu thích chữ Hán, không muốn gia đình mất đi nghề truyền thống nên anh quay về tiếp nối.

"Khi học ĐH, tôi thấy đa phần bạn bè đều chạy theo các nghề xu hướng, còn riêng tôi quay về với nghề truyền thống của gia đình. Tôi nhận thấy ở Chợ Lớn bây giờ, những nghệ nhân viết liễn đã già đi, không còn người theo đuổi nghề này nữa", anh Minh kể.

Nối nghiệp gia đình: Thu nhập khấm khá từ nghề viết liễn - Ảnh 2.

Anh Minh còn mở lớp dạy viết liễn cho nhiều bạn trẻ

Phạm Hữu

THAY ĐỔI ĐỂ BẮT KỊP XU HƯỚNG

Theo anh Minh, liễn xưa của người Hoa rất đơn giản, được viết trên giấy đỏ với chữ màu đen hoặc vàng. Liễn có nhiều kích thước khác nhau, nhưng thông thường là hình chữ nhật, những bức lớn được chọn treo ở cửa chính hoặc phòng khách. Người Hoa sử dụng liễn với mong muốn có sức khỏe, tài vận hanh thông, may mắn đến với cá nhân hoặc gia đình. Do đó, nghệ nhân sẽ dùng chữ Hán hoặc các câu đối mang ý nghĩa tốt lành để thay lời nói, giúp gia chủ đạt được mong cầu trong cuộc sống.

Không chỉ ngày tết mà các dịp lễ, kỷ niệm trong năm, như: khai trương, mừng thọ, đám cưới, thôi nôi…, người Hoa vẫn có nhu cầu treo liễn ở nhà. Đồng thời ngày nay, người Hoa vẫn quan niệm liễn in sẵn trên giấy rất vô tri, chữ viết bằng tay mới có hồn. Nghệ nhân chính là người thổi sinh khí vào từng bức liễn. Do vậy, nghề này vẫn còn "đất" để anh Minh phát triển nhiều hơn.

Gần 15 năm trong nghề viết liễn, anh Minh cho rằng nghề này thật sự khó. Thợ trẻ cần nắm vững ngữ nghĩa của Hán tự, cách đặt bút, chọn loại giấy, màu mực sao cho chuẩn... Nhiều lúc nếu thợ viết sai chữ cuối cùng trong câu cũng phải bỏ hết để viết lại.

Ngày nay, khi công nghệ số và in ấn phát triển, nghề viết liễn bằng tay tưởng như mai một nhưng vẫn được anh Minh kế nghiệp một cách bài bản, áp dụng nhiều cách mới để phát triển nghề. Không như thời trước, ông nội và ba của anh chỉ nổi tiếng ở khu Chợ Lớn, hiện tại anh đã vươn xa, được nhiều người biết đến hơn. Đây cũng là bước chuyển mình của người trẻ khi nối nghiệp gia đình.

Anh Minh phát triển nghề truyền thống bằng công nghệ mới, sử dụng nhiều loại giấy họa tiết, câu đối, nội dung, hình thức viết mới, tiếp thị và bán sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách. Đồng thời, xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội, số hóa những tác phẩm của mình trên các nền tảng, từ đó khách của anh tăng dần về số lượng lẫn vị trí địa lý.

"Nhiều khách ở các tỉnh miền Trung, Bắc, thậm chí ở tận Hồng Kông, Đài Loan… vẫn đặt chữ của tôi. Tôi viết và chuyển phát cho khách là xong, rất nhẹ nhàng và nhanh chóng", anh Minh nói.

Ngoài viết liễn ở tiệm, anh Minh còn mở lớp dạy trực tiếp và trực tuyến cho nhiều bạn trẻ muốn theo nghề, từ đó thu nhập cũng tăng thêm. Mỗi bức liễn viết ra, anh bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

"Những ngày trước tết, tôi có thể viết vài ngàn chữ, thu nhập khoảng trăm triệu đồng. Đó là những gì tôi nhận được khi quyết định nối nghiệp từ ba mình", anh Minh tiết lộ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.