Chở khách đến nhà thuốc, tiện mua vỉ Decolgen. Xế chiều về tới nhà, anh chính thức nằm còng queo trên ghế bành, chân gác lên giỏ lóc nhóc trái thông khô nhặt từ trong quê ra.
“Cảm xoàng thôi. Nằm nghỉ chút là ổn” - Anh nhắm hờ mắt, khẽ đáp khi bà xã đi làm về hỏi han. Những khi người ngợm bấy bá thế này, chỉ thèm như những ngày còn bé, đi giang nắng, tắm sông về sinh nóng rét, mẹ vần ra vừa đánh cảm vừa mắng vốn; rồi húp thật vội một bát cháo hành chăm hăng nồng, thứ cháo trắng, đôi khi có chút thịt, nước hầm xương, mồ hôi mồ kê vã ra, ngủ một giấc lại nghịch ngợm, véo von.
Chẳng nơi đâu có thứ hành chăm như ở quê anh. Cái thứ củ bé tin hin bằng cái móng tay con nít mà mùi mẽ thì nồng cay khó tả xộc thẳng vào khứu giác khiến ai mới lần đầu nếm qua phải nhăn mặt. Nhưng lỡ một lần thành nghiện. Như bà xã anh đó, ăn uống thanh cảnh, không hạp chua, cay, ăn phở không hành, món xào gần như không đụng đũa, gần 30 năm làm dâu xứ Nghệ, giờ lươn xào, cá sông, gà xáo, thứ gì cũng phải đảo thêm cả vốc hành chăm dậy mùi.
Dễ gì mà ra cái thứ củ trắng trong rỏn rẻn ấy. Trỉa được củ hành xuống thứ đất cát ủ phân hoai lẫn tro trấu rồi nào đã yên ổn, ngày ấy, anh và lũ bạn củ khoai, củ sắn được bố mẹ giao mang liềm đi hớt cây độn, vơ lá thông khô về phủ giữ ẩm những trảng đất mới gieo hành. Rồi nương theo những ngọn gió hanh heo, những trảng hành chăm rẽ độn, thông tua tủa đâm lên. Những năm đi lao động ở Nga, mỗi buổi tinh mơ tung chăn nhào ra đường tuyết xổ rát mặt, anh cứ nhớ, cứ thèm bát cơm nếp mới ăn với trứng gà đúc điểm lá hành chăm rờn xanh đến nao lòng.
Rộn ràng và cũng lâu la làm sao cái mùa thu hoạch củ hành chăm mà quê anh vẫn gọi là “bới” hành. Tết vừa qua, hãy còn rét giá, trên đồng, dồn hết nhựa sống cho chùm củ, lá hành già ngả màu, đổ rạp xác xơ. Dùng liềm khẽ khoét sâu quanh gốc hành, nhấc lên, giũ nhẹ để đất rời ra rồi bứt lấy cả chùm củ trắng ngọc trắng ngà cho vào chiếc rổ đan dày bên cạnh. Mỗi mùa, mẹ anh lại để dành một bó hành tuyển, nguyên cả thân lá củ làm giống cho mùa sau.
Người quê anh, tận bây giờ, nhiều gia đình vẫn giữ tục xông cho gái đẻ. Trong số những nguyên liệu được đốt để lấy hơi phục hồi thần sắc cho người mẹ và em bé mới sinh, ngoài than củi, lông nhím, bồ kết, không thể thiếu hành chăm. Chừng ấy thứ đốt lên phóng tỏa thứ mùi đặc trưng khiến làng trên xóm dưới đều tỏ tường mà thận trọng, nhà có tang, người nặng vía biết đường tránh lui tới nhà vừa có trẻ nhỏ ra đời.
Lại cũng thứ hành chăm vẫn hong quanh năm trên chạn bếp ấy, nhà có người lỏng bụng, đem nướng qua, giã rồi bọc trong vuông khăn mà rịt quanh bụng lắm khi cũng thấy êm êm. Hành chăm cũng như đám ngải cứu mọc quanh giếng, dăm khóm riềng, sả trồng quanh bờ rào, cây chanh, cây húng trong vườn quê, luôn sẵn đó cho những đòi hỏi bất chợt của con người.
Anh định nằm một lúc tinh tỉnh rồi nhỏm dậy đi pha bát mì. Những lúc thế này, chỉ thèm ăn chút gì đó cay cay, nong nóng. Nhưng rồi mùi hành chăm gọi anh dậy. “Mình dậy rửa mặt mũi húp bát cháo cho tỉnh người. Vội quá, em nấu cháo với nước xương cô đặc. Biết mình không thích ăn thịt bò nhưng em vẫn băm chút cho có chất. Mà hành vùi trong cát hộp xốp sắp hết rồi. Hôm nào về quê giỗ mẹ, chắc phải nhờ bác cả mua giúp cho mấy ký, mình ạ”. Anh ngồi tư lự nhìn cái khay gỗ trên đặt bát cháo nghi ngút khỏi tỏa mùi hành chăm đập dập băm nhỏ vừa chín tới. Chỉ ngửi không thôi đã tỉnh cả người. Vợ giục mấy lần, anh mới chờm môi húp lấy chút nước cháo thơm nồng. Hơn cả đi xông hơi đá muối, thảo dược. Gạo tẻ lẫn nếp quê mới rang sơ nên dù nấu vội, bát cháo vẫn có vị thơm, đậm. Anh vốn không thích thịt bò, nhưng bà xã xử lý sao đó, hoặc mùi hành chăm đã át đỡ cái mùi gây gây của loài vật kéo cày. Húp tới đâu, anh tỉnh ra đến đó. Và ngờ rằng bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí Phèo cũng chỉ ngon đến thế. Và cũng là nấu từ thứ gạo hành vợ anh đem đi đãi đằng. Thứ củ rễ hăng nồng nhắc anh nhớ về những giêng hai biếc rờn. Đã lâu lắm, từ ngày mẹ mất, anh đâu còn biết vị Tết quê. Thèm miếng cá đồng kho nghệ hành tăm, nhớ cả vị con gà nhép què chân mẹ thịt xáo hành cho đỡ hôi trước hôm tiễn con sang phương trời tuyết lạnh, nhớ mùi cây cỏ và lộc non trên áo mẹ. Trí tỉnh mà lòng vẫn mê. Bao nhiêu nỗi nhớ đượm trong mùi cháo hành tăm, miết mải, dập dờn. Chao ơi là nhớ!...
|
Bình luận (0)