Nỗi niềm người Đà Lạt

26/11/2021 04:24 GMT+7

Đà Lạt , một thành phố được nhiều người yêu mến, không chỉ vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ mà bởi tính cách hiền hòa, thanh lịch, hiếu khách của người dân phố núi.

Suốt nhiều tháng qua, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên người Đà Lạt không được dịp tiếp đón du khách xa gần, trong đó có hàng triệu du khách từ TP.HCM đến nghỉ dưỡng, mua sắm, thưởng thức các món ăn ngon… như mọi năm. Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, là một trong số ít địa phương trong cả nước “giữ mình” khá an toàn giữa đại dịch kéo dài gần 2 năm qua. Thực tế, Đà Lạt mới bùng phát dịch từ tháng 7.2021 và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Hơn một tháng qua, gần như ngày nào ở Đà Lạt cũng có “thông báo khẩn” truy vết F0, F1, có ngày liên tiếp 2, 3 lần “thông báo khẩn”, mà yếu tố dịch tễ đều xuất phát từ những nơi có du khách ghé đến. Theo ngành y tế, trong số ca nhiễm Covid-19 từ địa phương khác đến có trên 40% đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Một thực tế khác, khi phát hiện 1 ca F0 từ nơi khác đến chỉ cần ghé vào khoảng 5 phút thôi, thì cơ quan chức năng lập tức “truy vết” và sẽ có hàng chục người tiếp xúc gần (F1) phải đưa đi cách ly tập trung, còn F2 phải cách ly tại nhà ít nhất 14 ngày. Chưa kể khách sạn, nhà hàng, quán ăn, hiệu thuốc… có F0 ghé vào bị giăng dây phong tỏa, đóng cửa 14 ngày. Có quán ăn chỉ trong vòng 1 tháng bị giăng dây 2 lần khiến tâm lý người kinh doanh ở Đà Lạt rất e ngại đón tiếp khách đến từ tỉnh khác. Do đó, có một số cửa hàng treo bảng: “Không bán cho khách du lịch - xin thông cảm”, “Do tình hình dịch phức tạp quán hạn chế đón khách ngoài tỉnh - Xin lỗi vì sự bất tiện này”… trong thời điểm đỉnh dịch ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ rất phức tạp.

Khi đọc những tấm bảng như trên, những người đến từ tỉnh khác mà nhạy cảm có thể suy nghĩ mình bị kỳ thị. Thực tế không phải vậy. Là người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, tôi thấu cảm được những tâm tư, lo sợ của những người kinh doanh, một mặt họ muốn buôn bán trở lại để có tiền nuôi sống gia đình; một mặt muốn được sự an toàn, họ sợ chẳng may tiếp xúc với F0 sẽ bị đi cách ly ảnh hưởng đến đời sống gia đình và việc kinh doanh. Thiết nghĩ, nếu thấu hiểu, và có sự cảm thông, tôi tin những người “ngoài tỉnh” khi đến Đà Lạt sẽ có sự đồng cảm, chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, có những thời điểm Lâm Đồng bị “mang tiếng” kiểm soát dịch Covid-19 quá gắt gao, “cứng nhắc” hơn một số địa phương khác, không chịu “mở cửa”… Cũng cần hiểu vào thời điểm đó, tỷ lệ người Đà Lạt và Lâm Đồng được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 còn rất thấp. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng (thời điểm đó) chia sẻ vì năng lực y tế giới hạn, số người tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 còn quá thấp nên cần phải phòng dịch từ xa trong thời gian tỉnh đẩy nhanh phủ vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho người dân Đà Lạt. Và khi tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi đạt trên 71% dân số (người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 93%), tỉnh có biện pháp thích ứng ngay: từ ngày 16.11 cho phép các trường hợp F1 được cách ly tại nhà, các hàng quán không còn phải “giăng dây” đủ 14 ngày như trước...

Thực tế, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp du lịch ở phố núi Đà Lạt. Khi được mở cửa kinh doanh, người Đà Lạt rất cần du khách đến với thành phố của mình, nhưng họ còn chút dè dặt khi tiếp xúc gần chứ không kỳ thị. Trao đổi với tôi, các chủ hộ kinh doanh đều bày tỏ mong muốn du khách sẽ cảm thông, chia sẻ trên cơ sở hiểu rõ những khó khăn, áp lực họ đang gánh chịu trong phòng chống dịch. Hiện nay, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ; các khu, điểm du lịch, nhà hàng đang chuẩn bị một cách tươm tất nhất để mong được đón du khách xa gần đến vào dịp Noel và Tết Nhâm Dần sắp đến. Thiết nghĩ, cả du khách và người dân Đà Lạt cần sự đồng cảm, thấu hiểu để cùng nhau vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây nên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.